Lần đầu tiên điều trị thành công ca uốn ván sơ sinh

GD&TĐ - Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai lần đầu tiên điều trị thành công một ca uốn ván sơ sinh, đó là bé gái T.T.H (4 ngày tuổi, ngụ huyện Vĩnh Cửu).

Bé ổn định sau gần 2 tháng điều trị. Nguồn: CDC Đồng Nai.
Bé ổn định sau gần 2 tháng điều trị. Nguồn: CDC Đồng Nai.

Trước đó, ngày 16/3, bé T.T.H. vào Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai) khi vừa được 4 ngày tuổi trong tình trạng tím tái, co giật toàn thân, khó thở.

Được biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên trong quá trình mang thai, mẹ bé không đi khám thai, không tiêm ngừa uốn. Do sinh rớt tại nhà và vào nửa đêm nên gia đình tự cắt dây rốn bằng dao lam và không đưa bé đi khám sau khi sinh, chỉ đến khi bé có dấu hiệu co giật, tím tái mới cho bé đến Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị.

Tại bệnh viện, bé được các y, bác sĩ đặt ống nội khí quản để hỗ trợ thở máy, sử dụng thuốc chống co giật, sau đó chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Thị Huế, Khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cho biết: "Khiđược chuyển lên khoa, bé H. vẫn trong tình trạng co giật nhiều, gồng cứng toàn thân. Nhận thấy đây là ca uốn ván sơ sinh, chúng tôi đã hội chẩn với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viên Bệnh nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh để được hỗ trợ về chuyên môn".

Bé được thở máy, sử dụng thuốc chống co giật, thuốc kháng sinh, thuốc trung hòa độc tố uốn ván, đồng thời xử lý vết thương rốn. Sau 1 tháng điều trị, tình trạng co giật thuyên giảm, nên bé được giảm liều và ngưng thuốc chống co giật.

Trong quá trình điều trị, bé bị nhiễm trùng huyết, viêm phổi, vì vậy bác sĩ đã điều trị kết hợp các kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế.

Đến nay, sau gần 2 tháng điều trị, bé đã ngưng các kháng sinh, tỉnh táo, tự thở, nhưng vẫn chưa bú được hoàn toàn, đồng thời, bé vẫn còn bị tăng trương lực cơ nên đang được các bác sĩ, điều dưỡng theo dõi, tập phục hồi chức năng và tập bú.

"Tại bệnh viện, tần suất gặp uốn ván sơ sinh rất thấp, nhưng bệnh này tỷ lệ tử vong cao từ 80 - 90%. Trước đây, bệnh viện cũng ghi nhận một số ca uốn ván nhưng đều chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Đây là ca đầu tiên điều trị thành công tại bệnh viện" - bác sĩ Huế chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ Huế, trường hợp này nếu không vào viện kịp thời nguy cơ bé tử vong rất cao. Vì vậy, để phòng ngừa uốn ván sơ sinh, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản khi mang thai cần tiêm ngừa đầy đủ, trong đó có uốn ván. Khi sinh thì nên chọn các cơ sở y tế để sinh, nếu lỡ sinh tại nhà thì lúc đó phải đưa em bé đến ngay cơ sở y tế để được xử lý cắt rốn, chú ý vấn đề vệ sinh rốn sạch sẽ, tránh nhiễm trùng cũng như nguy cơ bị uốn ván sơ sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ