Đi đâu cũng thấy... "cò"!

“Em không cần ưu tiên gì nhiều, chỉ cần mấy chỗ làm giấy tờ thủ tục sao cho công bằng, đừng có “cò” chen ngang là em mừng rồi” –Chị Văn Thị Huệ (làm việc tại KCN Vĩnh Lộc, TPHCM), chia sẻ mới đây tại buổi tiếp xúc với Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm.

Người lao động nên nhờ đến tổ chức đại diện cho mình là công đoàn để được hỗ trợ. Trong ảnh: Công nhân Cty Keo Hwa Vina được cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn, hướng dẫn làm thủ tục khởi kiện ra tòa. Ảnh: L.T Bán điện đúng giá
Người lao động nên nhờ đến tổ chức đại diện cho mình là công đoàn để được hỗ trợ. Trong ảnh: Công nhân Cty Keo Hwa Vina được cán bộ LĐLĐ huyện Hóc Môn, hướng dẫn làm thủ tục khởi kiện ra tòa. Ảnh: L.T Bán điện đúng giá

Từ Nghệ An, chị Huệ vào TPHCM làm công nhân đã nhiều năm. Mỗi ngày phải ở trong phòng trọ chật chội, đi làm tới 9, 10 giờ đêm mới về đến phòng trọ.

Chị bảo, nhọc lắm mới để dành tiền mua được chiếc xe máy. Đối với công nhân, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà nó còn là tài sản quý, tài sản lớn, mà nhiều người, đi làm mấy năm mới mua được.

Mua được cái xe vốn khó nhưng không tức bằng đi làm biển số. Để có thời gian đi làm biển số xe, công nhân phải xin nghỉ một buổi làm, thức dậy từ sáng sớm, bốc số thứ tự đợi gọi tên đến lượt. “Nhưng đến sớm vẫn không làm được vì “cò”. Họ không theo thứ tự gì hết, cứ thế lấn vào, chen ngang” – Chị Huệ bộc bạch.

Những công nhân như chị Huệ, để có được một buổi đi đăng ký biển số xe phải xin nghỉ làm và không có lương nên với họ “không thể nào có chuyện chi thêm 300 – 500.000 đồng cho “cò” để được ưu tiên”, bởi với anh chị em công nhân, mức chi phí đó cao hơn cả tiền lương 2 ngày của công nhân cộng lại!

“Tụi em đợi từ sáng đến trưa vẫn không xong nhưng “cò” đến là chen ngang được ngay. Có khi tụi em chỉ xin nghỉ một buổi sáng, nhưng phải lấn sang cả buổi chiều vì buổi sáng không xong.

Thành ra, buổi sáng nghỉ có phép, buổi chiều trở thành nghỉ không phép. Nghỉ không phép không những bị trừ lương mà còn các khoản chuyên cần, phụ cấp cũng mất. Cho nên, tụi em không cần ưu tiên gì nhiều, chỉ cần xếp hàng đúng thứ tự, công bằng mà đủ” – Chị Huệ nói.

Không chỉ là “cò” làm biển số xe máy như chị Huệ phản ảnh, nhiều công nhân làm việc tại TPHCM còn đau đầu vì xung quanh luôn có nhiều các loại “cò” khác: “Cò” xin việc, “cò” bảo hiểm, “cò” khởi kiện lao động, “cò” đăng ký cho con đi học… “Cò” lợi dụng sự mơ hồ về quy định của pháp luật của các công nhân, hoặc thời gian hạn hẹp của công nhân để… làm tiền.

“Xin việc bây giờ khó khăn, đặc biệt là các ngành như dệt may, da giày, chế biến thủy sản nên “cò” lợi dụng hứa sẽ xin việc cho, mỗi lần như vậy đều mất tiền, những công ty lương càng cao thì tiền cho “cò” càng nhiều. Kiếm việc khó, nên nhiều người gửi cho “cò” vài trăm ngàn để mua lấy hy vọng” – Một nam công nhân, quê Nghệ An, đang ở trọ tại phường Long Bình, quận 9, chia sẻ.

Tại cụm công nghiệp trên đường Lò Lu (quận 9), không ai không biết ông Đ. Đ vốn cũng là công nhân nhưng bị cho nghỉ việc, Đ đi kiện và được toàn tuyên thắng kiện.

Sau khi thắng kiện, Đ không đi làm nữa mà ở nhà đi làm “cò” kiện lao động. Đ dạo qua các khu nhà trọ, các công ty có tranh chấp lao động, thăm dò xem ai có khiếu nại lao động rồi hướng dẫn đi kiện và lấy tiền “cò”.

“Có một người như ông Đ cũng tốt vì công nhân chúng tôi không hiểu luật mấy, đụng đến pháp luật là sợ. Sợ mình chưa kiện đã thua, sợ mình ra tòa không hiểu luật cũng thua, sợ nhiều quá nên không dám đi kiện.

Nhưng chưa kiện đã lấy tiền, và vụ việc đúng sai thế nào cũng xúi công nhân đi kiện như ông Đ thì không ổn chút nào. Và trong khi công nhân đang mất việc, thì phải chi thêm khoản tiền cho ông Đ, như vậy càng khổ hơn” – Một nữ công nhân làm việc tại khu công nghiệp Tài Lộc (quận 9) từng bị công ty cho nghỉ việc trái luật, chia sẻ.

“Sở dĩ “cò” sống được vì nhiều người bây giờ cái gì cũng muốn nhanh, tiện, không muốn phiền hà, hoặc không chịu tìm hiểu pháp luật nên chưa gì đã sợ rắc rối, nhờ đến “cò”, tôi nghĩ anh chị em công nhân chịu khó một chút, tìm hiểu pháp luật hoặc nhờ đến tổ chức đại diện cho mình là công đoàn để được hỗ trợ” – Chị Kim Phúc, người từng kêu cứu vụ việc bị chấm dứt hợp đồng lao động trái luật đến báo Lao Động, được LĐLĐ quận 9 hỗ trợ pháp lý, sau đó thắng kiện, chia sẻ.

Theo Lao Động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ