Di chứng hậu Covid-19 của chủng Omicron không đáng lo ngại

GD&TĐ - PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho biết, những ca nhiễm bệnh nhẹ, không triệu chứng không nên lo lắng, hoang mang về tình trạng hậu Covid-19.

Hình ảnh phổi của bệnh nhân nữ 80 tuổi trước và sau điều trị. Ảnh: BSCC.
Hình ảnh phổi của bệnh nhân nữ 80 tuổi trước và sau điều trị. Ảnh: BSCC.

Chuyên gia này nhận định, Omicron - thế hệ “cháu chắt” của virus Vũ Hán đã trở nên “thân thiện” hơn với loài người.

“Nỗi lo” của nhiều người

Trong bối cảnh ca dương tính với SARS-CoV-2 tăng, số người gặp triệu chứng hậu Covid-19 cũng ngày một nhiều. Thậm chí, các bác sĩ điều trị đã cảnh báo, không chỉ những người cao tuổi có bệnh lý nền, mà cả những người trẻ, mắc Covid-19 thể nhẹ vẫn có thể gặp di chứng.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19 thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - chia sẻ, gần đây, các bệnh lý “hậu Covid” đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Có nhiều người đang trong giai đoạn điều trị Covid-19 tại nhà đã tìm trên mạng, mong nhanh âm tính để đi khám “hậu Covid”. Một số khác nghe theo lời khuyên của bạn bè, tra Google để áp dụng nhiều biện pháp khác nhau với mong muốn không bị “hậu Covid”.

Chuyên gia này dẫn chứng, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tình trạng hậu Covid bao gồm một loạt triệu chứng (thể chất và tinh thần) phát triển trong hoặc sau Covid-19. Các triệu chứng tiếp tục kéo dài trên 2 tháng (tức là ba tháng kể từ khi khởi phát) và không được giải thích bằng chẩn đoán khác.

“Thời gian để giải quyết triệu chứng dường như phụ thuộc vào các yếu tố nguy cơ mắc bệnh trước đó, cũng như mức độ nghiêm trọng của bệnh cấp tính và các triệu chứng mà bệnh nhân trải qua.

Một đợt hồi phục dài hơn ở những bệnh nhân cần nhập viện, lớn tuổi với các bệnh nền, đã trải qua các biến chứng y khoa (ví dụ: Viêm phổi do vi khuẩn bội nhiễm, huyết khối tĩnh mạch) và những bệnh nhân phải nằm viện hoặc hồi sức tích cực kéo dài.

Bệnh nhân nhập viện (Covid-19 trung bình đến nặng) có các triệu chứng trong ít nhất 2 tháng và thậm chí lâu hơn (lên đến 12 tháng) sau khi xuất viện (52% - 87%)”, PGS Hải dẫn chứng.

Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy, ngay cả những người mắc bệnh ít nghiêm trọng hơn chưa bao giờ nhập viện cũng báo cáo các triệu chứng kéo dài. Thời gian phục hồi các triệu chứng ngắn hơn (khoảng 2 tuần) đối với những người bị bệnh nhẹ. Trong khi đó, thời gian phục hồi ở những người bệnh nặng thường lâu hơn (từ 2 - 3 tháng hoặc hơn).

F0 nhẹ không cần hoang mang

Với người mệt mỏi sau Covid-19, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho biết, khi tư vấn, bác sĩ sẽ tìm hiểu điều gì có thể làm nặng hoặc gây tình trạng này. Một số nguyên nhân bao gồm việc dùng thuốc/nhiều thuốc cùng lúc, suy nhược, teo cơ, đau, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nội tiết, rối loạn tâm thần và / hoặc các triệu chứng tim, phổi.

Trong trường hợp này, người bệnh được khuyến khích nghỉ ngơi đầy đủ, vệ sinh giấc ngủ tốt và có các chiến lược quản lý mệt mỏi, phương pháp để bảo tồn năng lượng trong công việc và sinh hoạt.

Đồng thời, cần có một chế độ ăn uống lành mạnh và cung cấp đủ nước. Tuy nhiên, chưa có một chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là có lợi.

“Trong các hậu quả của Covid-19 nếu có, tổn thương phổi là đáng lo ngại nhất!”, chuyên gia cảnh báo. Tuy nhiên, PGS Hoàng Bùi Hải chia sẻ đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 80 tuổi, có tăng huyết áp, nhiễm Covid và không tiêm vắc-xin.

Bệnh nhân sau đó được đặt ống nội khí quản ở một bệnh viện thành phố và tiên lượng tử vong chắc chắn.

Hai lá phổi bệnh nhân trắng xóa. Người bệnh được chuyển đến bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19. Tại đây, cụ được thở máy, dùng thuốc chống virus đường tiêm, corticoid, chống đông, kháng sinh điều trị bội nhiễm và các biện pháp hồi sức tích cực khác.

Bệnh nhân được thử rút ống 2 lần thất bại. Tuy nhiên, lần rút thứ 3 đã thành công. Sau 2 tuần ở bệnh viện Covid-19, bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được điều trị 2 tuần tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và xuất viện trong tình trạng không phải thở oxy.

“Một tháng sau khi ra viện, tức hai tháng kể từ thời điểm nhiễm (vẫn chưa đủ thời gian theo định nghĩa để coi là hậu Covid), cụ đến khám lại với hình ảnh phổi đã sáng hơn rất nhiều.

Cái gọi là “hậu Covid” ở “thời Omicron” kết hợp bao phủ vắc-xin không thể được đánh đồng như “thời” Alpha, Delta và chưa có vắc-xin. So với trường hợp này, những ca nhiễm Covid nhẹ, không triệu chứng không có lý do để gây lo lắng, hoang mang như trong cộng đồng hiện nay”, PGS Hoàng Bùi Hải cho biết.

Chuyên gia này chia sẻ từng tiếp nhận một gia đình trẻ 4 người nhiễm Covid-19 với triệu chứng nhẹ. Sau 4 ngày âm tính, họ đến khám và muốn chụp X-quang phổi vì lo ngại hậu Covid-19. Song, PGS Hải nhận định, Omicron - thế hệ “cháu chắt” của virus Vũ Hán đã trở nên “thân thiện”, “hài hòa” hơn với loài người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.