Theo GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho hay qua theo dõi, trẻ em mắc Covid-19 cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19).
Tuy nhiên, thực tế qua quá trình khám hậu Covid-19 ở trẻ, các bác sĩ phát hiện tình trạng trẻ khi là F0 không triệu chứng hoặc thể nhẹ, nhưng sau khi khỏi bệnh, một số lại gặp các biểu hiện như: Đau đầu, uể oải, mệt, đau cơ, tiêu chảy, đau khớp…
Một số lại bị ảnh hưởng hoạt động thể lực, thể chất suy giảm, ho kéo dài, hồi hộp… Cá biệt, đã có những ca khi chuyển nặng phải thở máy, lọc máu, điều trị lâu dài, phải dùng kháng sinh liều cao, chi phí rất tốn kém…
Thông tin về vấn đề nhiều trẻ bất ngờ chuyển nặng do di chứng Covid-19, theo bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh, Bộ môn Nhi, Trường ĐH Y tế Công Cộng cho biết với những trẻ không có bệnh lý nền, không có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, các triệu chứng ở mức độ nhẹ thì có thể theo dõi và điều trị tại nhà.
Phần lớn trẻ mắc Covid-19 không triệu chứng hoặc chủ yếu là các triệu chứng ở mức độ nhẹ: Sốt, ho, sổ mũi, ngạt mũi, đau họng, trẻ lớn có thể đau đầu, đau mỏi người, mất vị giác, khứu giác, trẻ nhỏ thì quấy, ít chơi hơn. Một số trẻ có các biểu hiện ở đường tiêu hóa như: Đau bụng, buồn nôn, nôn.
Theo các bác sĩ, số trẻ mắc Covid-19 nặng chưa quá nhiều nhưng biểu hiện bệnh lại khá đa dạng, khó xác định và không giống ở người lớn. Có trẻ không có triệu chứng đường hô hấp mà lại có triệu chứng ở não hay tim.
Điều đáng lo ngại là phụ huynh không nghĩ trẻ bị nhiễm Covid-19 mà chỉ là cảm sốt thông thường hoặc các bệnh khác, nhất là những trẻ nhỏ có biểu hiện kích thích, vật vã, nôn ói chứ không khó thở hay các triệu chứng như ở người lớn.
Do đó, các bậc phụ huynh dễ nhầm lẫn, bỏ sót và đưa con đến bệnh viện muộn.
Các bác sĩ khuyến cáo, người lớn không được chủ quan với các dấu hiệu bất thường của bệnh.
Việc theo dõi sát sao hằng ngày và thông tin đến các bác sĩ giúp phát hiện sớm những trường hợp chuyển nặng.
Với các thuốc xách tay, các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép, thuốc không có trong khuyến cáo điều trị của Bộ Y tế Việt Nam thì không sử dụng.
Theo bác sĩ Tỉnh, hầu hết viêm đường hô hấp trên tự hồi phục sau 1 – 2 tuần. Thường ngày thứ 7 – 10, nếu không có các biến chứng nặng, trẻ sẽ dần hết các triệu chứng lâm sàng và khỏi bệnh. Số ít diễn tiến nặng trong khoảng thời gian từ ngày thứ 5 – 8 của bệnh.
Bác sĩ lưu ý, thuốc kháng sinh, chống viêm không có chỉ định với Covid-19 mức độ nhẹ, không bội nhiễm, chỉ sử dụng khi có hướng dẫn của các bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Hiện tại, chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu với Covid-19 dùng cho trẻ dưới 12 tuổi tại nhà. Do đó, vấn đề chăm sóc, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị bệnh.
Công tác tại Bệnh viện Nhi đồng là tuyến y tế cao nhất tiếp nhận và điều trị bệnh nhi Covid-19 ở các mức độ, theo ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện - cho biết hiện số lượng bệnh nhi Covid-19 nhập viện mỗi ngày đã giảm rất mạnh (dưới 20 ca so với thời kỳ cao điểm hơn 300 ca). Bệnh nhân điều trị ở khoa Bệnh nhiệt đới (có triệu chứng nhẹ, trung bình).
Lúc cao điểm, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của viện này đã phải thành lập một khu vực riêng giành cho những bệnh nhi Covid-19 diễn biến nặng. Đã có ít nhất 3 bệnh nhi tử vong do bệnh quá nặng, trong đó có bệnh nhi 12 tuổi (nặng tới 74kg).
Theo bác sĩ nhấn mạnh, nếu có dấu hiệu hậu Covid-19 phải cho trẻ đi khám ngay. Khi đang là F0 dương tính, các bé đều ở thể nhẹ nhưng khoảng 2-3 tuần sau khi âm tính, trẻ có thể có nhiều triệu chứng hậu Covid-19. Đến khi kiểm tra thì phát hiện bệnh ở tình trạng nặng mà người nhà không hề biết. Thậm chí lúc chụp chiếu, xét nghiệm mới phát hiện bé đã tổn thương phổi, tim, thận, bị sốc tim, suy tim, viêm cơ tim..
Theo BS Đinh Thế Tiến - khoa Nội tổng hợp thuộc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho biết, những ngày sau kỳ nghỉ Tết, lượng F0 khỏi bệnh trong đó có trẻ em đến khám khá nhiều.
Hầu hết các bé được bố mẹ cho đi khám cùng dù không có dấu hiệu triệu chứng. Với trẻ mắc ở mức độ rất nhẹ, thời gian mắc ngắn, khám lâm sàng không thấy dấu hiệu khó thở, ho trong khi năng lượng hoạt động các em vẫn rất tốt, bác sĩ không chỉ định lấy máu xét nghiệm hay chụp chiếu sau khi cân nhắc lợi ích - nguy cơ. Bố mẹ cần theo dõi sát, nếu trẻ có triệu chứng sẽ tái khám và làm xét nghiệm liên quan triệu chứng.
Các bác sĩ cho hay thực tế tỷ lệ trẻ em mắc Covid-19 chuyển biến nặng và tử vong rất thấp. Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ lệ trẻ dưới 17 tuổi mắc Covid-19 tử vong chỉ chiếm 0,34% (khoảng 130 trẻ) tổng số F0 tử vong ở nước ta. Ngoài ra, tỷ lệ phát hiện bệnh nặng sau khi mắc các triệu chứng hậu Covid-19 của nhóm này dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng sơ bộ cũng chiếm phần rất nhỏ.