Đi chợ Viềng bán rủi, mua may!

Đi chợ Viềng bán rủi, mua may!

(GD&TĐ) - Đến hẹn lại lên, đêm mùng bẩy rạng ngày tám Tết, chợ Viềng Phủ ở Nam Định lại thu hút đông đảo khách hành hương từ khắp các miền đất nước tới “bán rủi, mua may”.  

Nam Định vào tiết đầu xuân, mỗi năm lại có ba phiên chợ Viềng. Mùng 6 Tết là chợ Viềng Hải Lăng (Hải Hậu), Viềng Chùa ở Nam Trực trước cửa chùa Bi. Mỗi chợ Viềng lại có một đặc trưng khác nhau. Như chợ Viềng Kim Thái (Vụ Bản) hay còn gọi là Viềng Phủ vì nó nằm ngay cạnh Phủ Giày. Còn Viềng Chùa cận với quốc lộ 55, chợ họp trong gần chùa nên tục gọi là Viềng chùa.
Dòng người tấp nập đổ về chợ Viềng (ảnh: Ngọc Hùng)
Dòng người tấp nập đổ về chợ Viềng (ảnh: Ngọc Hùng)
Cổng chào chợ Viềng Phủ
Cổng chào chợ Viềng Phủ. Ảnh: Thành Nam

Những người kỹ tính, bao giờ đI Viềng chùa hay Viềng Phủ họ cũng đều đến lễ Phật  lễ Chúa trước. Phủ Giày dù chưa vào hội nhưng vẫn náo nhiệt, đông người, rực rỡ hương hoa, cành vàng lá ngọc, rộn rã tiếng nhạc, tiếng hát cung văn, xúm xít các đám hầu bóng, hầu đồng. Trai thanh, gái lịch dập dìu đưa nhau dạo chợ, ghé đền dâng lễ. Chẳng phải ngẫu nhiên mà có câu rằng:

Chợ Viềng năm có một phiên
Để cho trai gái tốn tiền trầu cau

Đồ giả cổ và đỗ cổ luôn có ở mỗi phiên chợ Viềng
Đồ giả cổ và đồ cổ luôn có ở mỗi phiên chợ Viềng. Ảnh: Thành Nam

Viềng Chùa người ta thường đi vào ban ngày, vẫn là khu vực bán đồ cổ, chính xác hơn là đồ cũ, hàng trăm loại đồ sứ, đồ đồng, đồ sắt, từ bộ chén uống trà có vẻ cóc cáy, chiếc nậm rượu thanh tao, cái đĩa sứ hoa văn cầu kỳ... đến những chiếc chuông đồng sứt sẹo, những bộ cồng chiêng lớn nhỏ xếp la liệt trên tải, trên áo mưa ngay trên mặt đất, chủ khách cứ ngồi xổm mà lê la mặc cả. Vài chục nghìn một món cũng có, vài trăm cũng có, thậm chí có những độc bình sứ to đại tướng, những đỉnh đồng chạm đúc cầu kỳ giá đến một vài triệu... hầu hết là đồ giả cổ.

Viềng Phủ nằm ngay rìa quốc lộ 12, nhiều người thích đI Viềng có thể đến với cả hai chợ Viềng vì từ Viềng này sang Viềng kia cũng chỉ quãng 25 cây số đường qua thành phố Nam Định. Nếu Viềng Phủ dập dìu khách thập phương, khách quan thường kết hợp đi chơi chợ với việc đến  Phủ chúa Liễu thắp hương, xin quẻ cầu may, nghe hát chầu văn... Tuy nhiên, nhiều khách chơi chợ sành điệu thì khoái Viềng Chùa, bởi cái chất chợ của nó đậm đà hơn.

Đồ vàng mã được bày bán ở Viềng Phủ
Đồ gia dụng là những bát, ấm sứ Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều. Ảnh: Thành Nam

Đầu xuân, đi chơi chợ Viềng người ta mong để mua bán cây cảnh, nông cụ và đồ gia dụng cũ để lấy may đầu năm. Mua bán theo kiểu lấy hên đầu năm không màng đắt rẻ, những mặt hàng chính của chợ đều liên quan đến đời sống thường nhật của người nông dân là cây (cây giống, cây cảnh), là nông cụ (cuốc, xẻng, cày, bừa, đòn gánh...) và đồ gia dụng cũ (đồ thờ cúng, nồi xoong chén đĩa...). Xuất phát từ tục lấy may, đầu năm tống cựu nghênh tân, thượng vàng hạ cám các đồ dùng cũ trong gia đình đều được đem bán với giá rẻ, cốt để người đem đồ bán có cớ mà đi chơi chợ, sau này bỗng được coi như một phiên chợ đồ cổ công khai duy nhất ở đất này.

Sức hấp dẫn của những tảng thịt bê đỏ au
Sức hấp dẫn của những tảng thịt bê đỏ auẢnh: Thành Nam

Đi chơi chợ Viềng có một thứ mà khách không mấy khi bỏ qua đó là gian hàng bày bán  những tảng thịt bê nguyên súc, nguyên da nhìn chắc nịch ngon lành. Thịt bê là đặc sản, là đồ ăn chính của chợ Viềng. Những người đi chơi chợ, ghé quán ăn rồi lại mua về. Không ai bảo ai, nhưng đều tâm tâm niệm niệm đầu năm cả nhà ăn thứ thịt đỏ đỏ này sẽ may mắn cả năm.  

 Cây cảnh là thứ mà khách nào cũng muốn mua về trồng
Cây cảnh là thứ mà khách nào cũng muốn mua về trồngẢnh: Thành Nam
Người mua cây nườm nượp (ảnh: Ngọc Hùng)
Đến tận sáng mà người mua cây vẫn nườm nượp (ảnh: Ngọc Hùng)

Viềng Phủ xuân Tân Mão này vẫn họp trên một khu đất rộng được chăng dây, mắc điện, dựng cổng chào. Hàng trăm lều chợ quây. thỉnh thoảng đèn pin, bật lửa lại lóe lên, ấy là chủ khách ở hàng hoa cây cảnh soi để xem hàng... Thôi thì đủ cả từ cây giống cam, chanh, vải, nhót... từ hồng, cúc, trà, hải đường... cho đến sung, si, đa, sanh, vạn tuế và nhiều thứ cây được uốn hình chim thú, đền đài cầu kỳ. Giá chỉ từ vài nghìn đến vài chục nghìn ai cũng có thể mua. Năm nay, cây giả nhiều hơn trước, tinh mắt dễ dàng nhìn nhận được những cây sung chi chít quả, vì là quả giả được gắn vào nên nó không còn tươI nữa. Đặc biệt, những cây du được người bán gắn hoa cúc vàng và đặt tên là Hoàng Mai Gắn những bông dâm bụt nhỏ thì khách hỏi thì nói là Hồng Mai. Nhìn thân cây du vốn dĩ cằn cỗi lại thêm được gắn chi chít những hoa, không ít người tin thật và mua với giá 1-2 trăm nghìn đồng. 

Nếu năm ngoái, các trò cờ bạc bịp kiểu như Tôm – Cua – Cá; Chiếc nón kỳ diệu tưởng như đã nhiều thì năm nay lại còn nhiều hơn. La liệt các sới bạc, người chơI thì ít nhưng cò mồ thì nhiều vô kể. Nhà cái thì qua micro oang oang khuyến mại, như trò Tôm – Cua – Cá được khuyến mại 10 nghìn ăn 300 nghìn. Có nhà cái lại khuyến mại cao hơn 10 nghìn ăn 400 nghìn. Bốc hơn nữa là 20 nghìn ăn 1 triệu. Cách chơI thật dễ, với 6 cửa thì người chơI chỉ cần đăt 20 nghìn đồng vào đó, kim chỉ vào cửa đặt của mình là thu tiền về. Tuy nhiên khi khách đặt thì tiền toàn về tay nhà cái.

Cờ bạc bịp Tôm – Cua – Cá lên ngôi
Cờ bạc bịp Tôm – Cua – Cá lên ngôi. Ảnh: Thành Nam

Chợ Viềng - niềm tự hào của mỗi người dân vùng đất chiêm trũng nơi đây. Tuy rằng cái ý nghĩa xa xưa là nơi bán đi xui xẻo, mua về sự an lành đã mai một nhiều. Mong rằng các cấp quản lý nhìn vào những thực trạng trên để gạn đục khơi trong để làm đẹp thêm những giá trị văn hoá vốn có của nó.

Đi chợ Viềng, nhiều người không quên đi vào Đền Mẫu Liễu Hạnh
Đi chợ Viềng, nhiều người không quên đi vào Đền Mẫu Liễu Hạnh. Ảnh Ngọc Hùng

Thành Nam - Ngọc Hùng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ