Trao đổi với tập thể lãnh đạo, giảng viên, cán bộ nghiên cứu của ĐHQG Hà Nội tại lễ trao quyết định bổ nhiệm Giám đốc ĐHQG Hà Nội cho PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, sáng 19/7, Phó Thủ tướng cho rằng nhìn lại hơn 20 năm qua, Việt Nam không chỉ tăng trưởng cao thứ hai thế giới mà còn phần lớn thành quả đó dành cho con người, đặc biệt là các đối tượng yếu thế trong xã hội, được Liên Hợp Quốc, cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình trong 20 năm tới đây, đất nước phải duy trì tốc độ tăng trưởng trên 8%/năm, phát triển bền vững về môi trường, xã hội.
“Để có thể vừa duy trì tốc độ tăng trưởng cao, vẫn bảo đảm môi trường, đồng thời xây dựng một xã hội văn minh, đạo đức và đáng sống, có rất nhiều việc nhưng chắc chắn có 2 việc phải làm đó là nhất định phải tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ của đất nước và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, Phó Thủ tướng cho biết.
Theo Phó Thủ tướng, để tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ cần đổi mới mô hình sáng tạo theo hướng đặt DN ở vị trí trung tâm xoay quanh là Nhà nước, các cơ sở nghiên cứu và các trường ĐH.
“Chúng ta phải tăng cường năng lực nghiên cứu của các trường ĐH”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng một trong những tiêu chí để đánh giá điều này là số lượng nghiên cứu, bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học ISI, Scopus.
Với hơn 1.800 giảng viên trong đó có trên 1.000 tiến sĩ nhưng mới chỉ có khoảng 350 bài báo, công trình khoa học được công bố quốc tế mỗi năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ĐHQG Hà Nội cần đổi mới nhanh hơn, mạnh hơn nữa để có mô hình sáng tạo, nghiên cứu khoa học xứng đáng với tiềm năng, vị thế của nhà trường.
Trong hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao, Phó Thủ tướng đánh giá ĐHQG Hà Nội đã rất tích cực, có những bước đi đúng hướng ban đầu nhằm nâng cao chất lượng đào tạo từ việc thành lập trung tâm kiểm định ĐH đến việc đưa ra phương thức tuyển sinh mới đánh giá năng lực thí sinh; đẩy mạnh quản trị ĐH theo hướng tự chủ.
Phó Thủ tướng mong muốn những đổi mới trong kiểm định chất lượng đào tạo, tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội trong chỉ giới hạn trong phạm vi nhà trường mà lan ra toàn hệ thống. Cùng với đó, nhà trường cần đẩy mạnh hơn nữa thực hiện tự chủ tối đa về chuyên môn, học thuật, bộ máy nhân sự, cơ chế tài chính đối với các trường, viện nghiên cứu thành viên và tiến tới tự chủ ở từng trưởng phòng, từng trưởng bộ môn, từng giảng viên, từng cán bộ nghiên cứu.
Đề nghị ĐHQG Hà Nội tăng cường hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của các trường ĐH trong khu vực, theo xu thế chung của thế giới, Phó Thủ tướng lưu ý: “Chúng ta vui mừng vừa qua các trường ĐH của Việt Nam trong đó có ĐHQG Hà Nội đi đầu đã vươn lên trong bảng xếp hạng ĐH quốc tế nhưng không thể hài lòng với top 1000 các trường ĐH thế giới hay top 150 trường ĐH của châu Á, top 20 trường ĐH của ASEAN. Điều này đòi hỏi mỗi người đều phải nỗ lực nhiều hơn nữa”.
Tại buổi lễ, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: ĐHQG Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, giữ vai trò then chốt trong hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Vì vậy, Nhà trường tiếp thu hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đồng thời bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐDQGHà Nội vừa qua để triển khai các nhiệm vụ trong giai đoạn 5 năm tới. Trong đó, cần tập trung trí tuệ, nguồn lực để thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược: Phát triển đội ngũ cán bộ khoa học ngang tầm quốc tế và đẩy nhanh tiến độ xây dựng ĐHQG tại khu Hòa Lạc.
Nhận trọng trách lãnh đạo ĐHQG Hà Nội tiếp tục chặng đường trở thành ĐH có đẳng cấp khu vực và thế giới, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn cho biết: Vấn đề quan trọng hàng đầu lúc này của nhà trường là kiên trì triết lý và mục tiêu phát triển.
Đại học Quốc gia Hà Nội cần làm mọi việc, tiến hành mọi biện pháp để tất cả các mặt hoạt động từ nghiên cứu khoa học, năng lực nghiên cứu và giảng dạy của cán bộ, chất lượng đào tạo, năng lực và khả năng có việc làm tốt của sinh viên, quản trị nội bộ… đều đạt và vượt các tiêu chuẩn, tiêu chí của Mạng lưới các Đại học Đông Nam Á (AUN). Sinh viên đào tạo ra có năng lực tốt nhất để có thể làm việc tốt trong môi trường quốc tế, trở thành công dân toàn cầu.
Tỉ lệ cán bộ khoa học có trình độ tiến sĩ dưới 45 tuổi đạt 27,17% %; riêng đối với các lĩnh vực khoa học tự nhiên, công nghệ và kinh tế, tỉ lệ này đạt trên 70%.
Tỉ lệ cán bộ khoa học có chức danh giáo sư, phó giáo sư đạt 20,6% tổng số cán bộ khoa học, cao hơn khoảng 3 lần so với tỉ lệ trung bình các trường ĐH trong cả nước.
Tỉ lệ giảng viên tham gia giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh đạt 21%.
Trong 5 năm qua, quy mô đào tạo đại học tăng xấp xỉ 5% (từ 21.600 sinh viên năm 2010 lên 22.640 sinh viên năm 2015).
Quy mô đào tạo không chính quy trung bình mỗi năm giảm khoảng 15%, từ 15.600 sinh viên năm 2010 sinh viên xuống còn 6.236 sinh viên năm 2015.
Tỉ lệ quy mô đào tạo sau đại học/tổng quy mô đào tạo chính quy hơn 28%, tương đương tiêu chí của các ĐH nghiên cứu.
ĐHQG Hà Nội đã có 15 chương trình đào tạo đã được Hiệp hội Các trường đại học ASEAN kiểm định chất lượng.