Tình trạng này xảy ra không chỉ các tỉnh miền Trung mà nhiều nơi trên cả nước. “Không chỉ nói xấu nhau về các vấn đề liên quan đến công tác tuyển sinh, mà họ còn nói xấu nhau nhiều khía cạnh khác” – TS Lê Viết khuyến nhìn nhận.
Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do các trường chưa thực sự công khai minh bạch thông tin. Vì thế, họ lợi dụng sơ hở, điểm yếu để bêu xấu lẫn nhau.
“Nếu các trường công khai minh bạch thì có lẽ sẽ không có chuyện ồn ào xảy ra” – TS Lê Viết Khuyến nói.
Cũng theo TS Lê Viết Khuyến, nhiều khi các trường quảng cáo lộ liễu, “quá đà”, không thực chất. Điều này, vô hình trung lại là “mảnh đất” để người khác “bóc mẽ”.
Ở các nước, họ có xếp hạng các trường rõ ràng. Họ có thống kê về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Tỷ lệ này được công bố công khai thường xuyên. Nếu chúng ta làm được việc này, thì sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng các trường nói xấu lẫn nhau.
Đề xuất giải pháp khắc phục tình trạng nêu trên, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, vấn đề cốt lõi và căn cơ nhất vẫn là công khai minh bạch các thông tin để người học và xã hội cùng giám sát. Nói cách khác, đó là trách nhiệm giải trình của các trường đại học trước xã hội.
Về phía cơ quan quản lý Nhà nước cũng nên có chế tài xử lý. Mặt khác, các tổ chức chính trị xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phát huy vai trò giám sát xã hội.
Ngoài ra, theo TS Lê Viết Khuyến, thực hiện cơ chế tự chủ đại học, nếu các trường không tự khẳng định được thương hiệu và chất lượng đào tạo thì sẽ tự đào thải chứ không cần phải nói xấu lẫn nhau, làm ảnh hưởng chung đến bức tranh giáo dục đại học.
Trước đó, hàng loạt học sinh tại TP Đà Nẵng nhận được thư nặc danh với nội dung tự đưa ra đánh giá các trường đại học tại đại phương này theo mức độ từ cao đến thấp.
Lá thư nặc danh tự đánh giá về cơ sở hạ tầng, chương trình học, mức học phí... tại một số trường đại học và sau đó được nhiều học sinh, sinh viên chia sẻ trên các trạng mạng xã hội.