Tự chủ đại học: Hành lang thông suốt

Tự chủ đại học: Hành lang thông suốt

Chủ đề chung của câu chuyện này là niềm tin, sự hứng khởi và sẵn sàng triển khai thực hiện những quy định của Luật số 34 và Nghị định số 99. Ngay tại hội nghị, lãnh đạo các trường đại học, đại học đã thể hiện sự quyết tâm biến những quy định trong văn bản quy phạm pháp luật trở thành thực tiễn sinh động. Bởi hơn ai hết, họ hiểu và nhận thức được rằng, Luật cũng như Nghị định đã mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Đây chính là hành lang pháp lý quan trọng để GDĐH Việt Nam thực hiện quyền tự chủ. Song điều đáng nói là, GDĐH sẽ có một hành lang pháp lý mạch lạc, thông suốt. Suy cho cùng, chất lượng là tiêu chí, là đích để các trường đại học cần hướng tới. Trách nhiệm của Bộ GD&ĐT là tạo “luật chơi” để các cơ sở GDĐH cùng tham gia với tinh thần công khai, minh bạch và công bằng trên mọi phương diện.

Nhắc đến tự chủ đại học, trước thềm hội nghị, nhiều người vẫn còn băn khoăn về một số nội dung liên quan đến Hội đồng trường, nhưng sau khi được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ và Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ, phân tích, mọi thứ đã rõ nét, hiển hiện ngay trước mắt; thậm chí nhiều người còn nói là có thể bắt tay thực hiện được ngay.

Luật số 34 và Nghị định 99 được ban hành, ai nấy đều phấn khởi và tin tưởng sẽ tháo gỡ được nhiều vướng mắc về vấn đề thực quyền của Hội đồng trường. Thực tế không thể phủ nhận rằng, trước đây, Hội đồng trường có thể chỉ là hình thức nếu không muốn nói “có cũng như không” hoặc là có để cho đầy đủ thành phần, cơ cấu tổ chức.

Thế nhưng, lần này sẽ có sự thay đổi căn bản, có tính then chốt. Nói như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Khi thực hiện tự chủ, Hội đồng trường phải là cơ quan đại diện của cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm toàn diện về hoạt động của trường. Nói cách khác, Hội đồng trường phải có thực quyền và đủ sức mạnh để quản trị nhà trường.

Còn nhớ khi Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục đại học năm 2012; tại các diễn đàn, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia đã đặt vấn đề: Hội đồng trường không chỉ là cơ quan quyền lực cao nhất mà còn là một thiết chế thể hiện quyền dân chủ cơ sở. Rất nhiều người vui mừng, hoan nghênh bởi điều này đã được đưa vào trong Luật số 34 và cụ thể hóa bằng Nghị định số 99.

Việc cần làm tiếp theo là các cơ sở đại học phải thành lập được hội đồng trường – một trong những điều kiện bắt buộc để thực hiện quyền tự chủ đại học. Theo quy định và hướng dẫn của Nghị định 99, trong thời hạn 6 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực (15/2/2020), các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập Hội đồng trường theo đúng quy định. Như vậy, từ nay đến ngày 15/8, các cơ sở giáo dục đại học phải thành lập xong Hội đồng trường.

Trao đổi bên hành lang Hội nghị triển khai Nghị định số 99 và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Tới đây, quyền quyết định những vấn đề lớn sẽ là chủ tịch Hội đồng trường, không phải hiệu trưởng và phải theo cơ chế tập thể, dân chủ, công khai, minh bạch và có giám sát.

Tự chủ không chỉ đối với các nhà trường mà phải tự chủ sâu đến từng đơn vị, từng cán bộ, viên chức, các nhà khoa học... nhưng đồng thời phải gắn với trách nhiệm để từng thành viên thấm nhuần chính sách tự chủ. Có như vậy, tự chủ đại học mới thành công. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.