Đến với bài thơ hay: Tiếng gọi cứa lòng

GD&TĐ - Thơ hay thường là tiếng lòng cất lên từ nỗi niềm thẳm sâu tha thiết nhất.

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Yến Thanh

Cúc ơi...!

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ mặt:

Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh

A trưởng Võ Thị Tần điểm danh

Chỉ thiếu mình em

(Chín bỏ làm mười răng được!)

Bọn anh đã bới tìm vẹt cuốc

Đất sâu bao nhiêu bọn anh không cần

Chỉ sợ em đau nên nhát cuốc chùng

Cúc ơi! Em ở đâu

Đất nâu lạnh lắm

Da em thì xanh

Áo em thì mỏng

Cúc ơi! Em ở đâu

Về với bọn anh

Tắm nước trong Ngàn Phố

Ăn quýt đỏ Sơn Bằng

Chăn trâu cắt cỏ

Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ

Gối còn thêu dở

Cơm chiều chưa ăn!

Ở đâu hỡi Cúc

Đồng đội tìm em

Đũa găm cơm úp

Gọi em

Gào em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi…ời…ơi!

(Đồng Lộc, 07/1968)

Thơ viết với điệu kể thường giúp người đọc tái hiện cảnh tượng, khơi gợi cảm xúc nhưng còn ở mức độ thâm trầm, chưa tác động mạnh mẽ đến tâm can người đọc. Thơ bật ra như tiếng thốt tự nhiên, trào dâng, chan chứa, gây ngay hiệu ứng cảm xúc, khiến người đọc không thể không đọc lại lần hai, đọc xong rồi thẫn thờ, tình cảm phát lộ qua cái giật mình hay xót xa tê buốt, đấy đích thực là thơ hay.

Bài thơ “Cúc ơi...!” của tác giả Yến Thanh chính là điệu thơ bật ra từ nỗi niềm thảng thốt ấy.

Bài thơ ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt, sau khi mười cô gái thanh niên xung phong hi sinh ở Ngã ba Đồng Lộc bị bom vùi lấp. Lúc này, nhà thơ Yến Thanh là người trong cuộc, cùng đồng đội vất vả đi tìm thi thể mười liệt nữ. Qua một thời gian ngắn, chín người đã được tìm thấy, duy người cuối cùng là liệt sĩ Hồ Thị Cúc vẫn bặt vô âm tín. Đau đớn, xót xa đến tận cùng gan ruột, vì vậy bốn câu thơ mở đầu chỉ như một lời giãi bày hoàn cảnh mà đọc lên nghe như nỗi lòng nhà thơ bật ra thảng thốt, nghẹn ngào:

Tiểu đội đã về xếp một hàng ngang

Cúc ơi! Em ở đâu không về tập hợp

Chín bạn đã quây quần đủ mặt:

Nhỏ - Xuân - Hà - Hường - Hợi - Rạng - Xuân - Xanh

Mạch thơ được tiếp tục triển khai qua sự tưởng tượng tài tình của tác giả. Phải đau lắm, tình cảm xa xót lắm, Yến Thanh mới hình dung cái cảnh tiểu đội trưởng Võ Thị Tần điểm danh đồng đội. Cái cớ của sự tưởng tượng ấy mới chính là điểm nhấn nút cho mạch thơ tuôn trào dào dạt cho đến khi kết thúc. Sống sao thác vậy, “chín bỏ làm mười răng được”, chín người đã có mặt đủ rồi, sao Cúc vẫn đang ở đâu không về tập hợp? Câu hỏi quặn thắt, buốt nghẹn, nức nở cứ như muôn những dòng nước mắt trào sôi trên má không cách gì ngăn được. Các anh bới tìm vẹt cả cuốc, kiệt cả sức vẫn không sợ, chỉ sợ người nằm dưới đất kia đau đớn nên “nhát cuốc chùng”.

Khổ thơ thứ hai chạm khắc vào trái tim người đọc nhờ lời thơ giản dị chân thành mà cứa lòng cứa dạ. Vì thế, đến đoạn thơ thứ ba, từng câu thơ bỗng đứt ra, ngắn lại như những giọt nước mắt vỡ òa rơi xuống, tầng tầng lớp lớp. Có lẽ không cố tình chọn trước hình thức cho những câu thơ của mình, song như một hệ quả tất yếu từ tâm tình tác giả, cứ thế những dòng thơ vẫn cứ trào ra qua tiếng khóc gọi gào của đồng đội:

“Cúc ơi! Em ở đâu

Đất nâu lạnh lắm

Da em thì xanh

Áo em thì mỏng

Cúc ơi! Em ở đâu

Về với bọn anh

Tắm nước trong Ngàn Phố

Ăn quýt đỏ Sơn Bằng

Chăn trâu cắt cỏ

Bài toán lớp 5 em còn chưa nhớ

Gối còn thêu dở

Cơm chiều chưa ăn”

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay. Ảnh ITN

Ngã ba Đồng Lộc hôm nay. Ảnh ITN

Vừa gào khóc, vừa tâm tình, vừa thốt gọi, vừa hỏi tìm. Tên người liệt nữ “Cúc ơi!” được lặp lại nhiều lần nghe nhức nhối tận tâm can. Vừa tìm kiếm thi thể chiến sĩ Cúc, nhà thơ vừa than thở, khóc thương, câu thơ trên gọi mời câu thơ dưới như một dòng chảy bất tận của những giọt nước mắt. Nhà thơ Yến Thanh không tô điểm màu mè cho câu chữ, vậy mà từng chữ, từng lời cứ ngấm vào lòng chúng ta da diết, đượm buồn. Các hình ảnh có tính tương phản: “đất nâu lạnh lắm, da em thì xanh, áo em thì mỏng” khiến người đọc khó cầm nổi cảm xúc. Mạch thơ vừa lắng đọng trong thời khắc đau thương hiện tại, vừa khơi gợi quá khứ êm đềm của cô Cúc ngày nào chăn trâu cắt cỏ, tắm sông Ngàn Phố, ăn quýt đỏ Sơn Bằng càng làm cho niềm nuối tiếc, đớn đau sâu thăm thẳm. Sinh thời, người con gái thanh niên xung phong xinh đẹp, hiền lành và ngây thơ là vậy, giờ bị bom vùi chưa tìm ra thi thể, đồng đội làm sao mà nuốt nổi miếng cơm khi đang tưởng nhớ về em. Mấy câu thơ cuối bài, vẫn giọng thơ nghẹn ngào, xa xót, tác giả một lần nữa đẩy tâm trạng đau thương lên cao chất ngất trong tiếng gào gọi vô vọng:

Ở đâu hỡi Cúc

Đồng đội tìm em

Đũa găm cơm úp

Gọi em

Gào em

Khản cổ cả rồi

Cúc ơi…ời…ơi!

Bài thơ kết thúc mà tiếng gọi “Cúc ơi...” mãi còn vang vọng. Vẻ đẹp hình tượng người con gái thanh niên xung phong cùng đồng đội đã dựng lên tượng đài bất khuất của dân tộc ta một thời đánh giặc hào hùng. Cảm ơn nhà thơ Yến Thanh, trong một khoảnh khắc đi tìm người con gái kiên trinh Hồ Thị Cúc, đã để lại cho đời một bài thơ bất hủ, đẹp đẽ và sáng trong như “khoảng trời, hố bom” bình yên nơi lòng đất ngàn thu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ