Đến với bài thơ hay khắc khoải một tấm tình si

GD&TĐ - Lục bát là một thể thơ truyền thống của dân tộc có ưu thế thể hiện sự tha thiết, lưu luyến, lắng sâu.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Lưu Hồng Vân

Đùa

Em đùa xô lệch bến sông

Mắt nâu mắc võng trời trồng tình si

Em đùa trời đất quay đi

Tháng ngày thưa thớt những khi đượm tình

Em đùa cho chút thanh minh

Thân ta cây cỏ thấy mình lớn lao

Em đùa mất hút ánh sao

Niềm tin khi ấy gửi vào thinh không.

Tuy nhiên, khi lục bát biến thể, thể thơ này lại phù hợp với việc diễn tả những nỗi niềm trắc trở, chông chênh. Bài thơ “Đùa” của Lưu Hồng Vân một lần nữa cho thấy điều đó.

Với “Đùa”, Lưu Hồng Vân giữ đúng số lượng câu 6/8, luật thanh bằng trắc và quy tắc gieo vần, tuy nhiên đã “biến thể” ở chỗ: Ngắt câu bát làm hai, biến câu lục bát thành một khổ thơ có ba câu. Câu cuối, khi in, nhà thơ cho in lùi sang phía lề phải, khiến các câu thơ không thẳng hàng, thiếu đi sự nghiêm túc, phù hợp với nhan đề của bài thơ ĐÙA!

Thêm nữa, vì là lục bát biến thể nên bài thơ thiên về diễn đạt những gì trúc trắc, không êm ả, xuôi chiều. Trái tim nhân vật trữ tình trở nên bất ổn, xáo trộn... vì sự đùa của người con gái. Lưu Hồng Vân không nói cô gái đùa như thế nào, mà dành nhấn mạnh vào cảm xúc của chàng trai khi người con gái đùa. Cảm xúc của chàng trai thay đổi mỗi lúc một khác, từ khi tưởng đùa là thật cho đến khi hiểu rõ: Đó chỉ là... đùa!

Ban đầu, lời lẽ, hành động đùa của người con gái khiến:

“Em đùa xô lệch bến sông

Mắt nâu mắc võng trời trồng tình si”

“Bến sông” là không gian tĩnh. Lưu Hồng Vân có sự chuyển đổi mới mẻ. Bến sông trở thành hình tượng chỉ nỗi niềm cảm xúc của chàng trai. Xem ra, chàng đã đợi câu trả lời, đợi để biết rõ mong mỏi của mình có trở thành hiện thực hay không. Bởi thế, khi nhận được tín hiệu của người con gái, chàng trai xáo động tâm hồn đến mức “xô lệch bến sông”. “Bến sông” ở đây đã được nhân hóa, thực chất là được cảm giác hóa, diễn tả cảm xúc dâng trào mạnh mẽ trong lòng chàng trai. Tại sao chàng tin lời người con gái? Bởi cô ấy nói cả bằng mắt: “Mắt nâu mắc võng”. “Võng” gợi đến sự lúng liếng, đong đưa, tình tứ. Đôi mắt ấy đã hút hồn chàng trai, khiến chàng “trồng tình si”.

Câu bát hay ở nhiều lẽ. Thứ nhất, nhà thơ đã đặt câu lục và nửa đầu câu bát với nửa sau câu bát vào sự tương phản, đối lập. Đó là sự đối lập giữa động (xô lệch; võng) với sự vững bền, hơn thế, nỗi niềm ấy mỗi lúc một sâu đậm, vì được “trồng” - gợi độ bám rễ mỗi ngày một rộng sâu vào lòng đất và sự sinh trưởng mỗi ngày một cao rộng của thân lá. Thứ hai, Lưu Hồng Vân không nói “anh trồng tình si” mà lại mượn “trời trồng tình si” để nói về tâm trạng, cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Cách nhân hóa đó giúp nhà thơ diễn tả tâm trạng bất ngờ - bất ngờ đến sửng sốt của chàng trai. Dường như chàng trai không tin vào tai nghe của mình; không tin được người con gái đáp lời. Vậy nên, chàng “đứng như trời trồng”? Tác giả đã chuyển thành ngữ vào thơ thành công. Kết hợp chuyển đổi thành ngữ với biện pháp nghệ thuật nhân hóa và biến thể câu lục bát, Lưu Hồng Vân còn tạo được cả ấn tượng “thiên nhân tương ứng”.

Chàng trai như trời trồng, khiến “trời trồng tình si” - trời cũng yêu người con gái cùng với chàng trai. Nói như thế cũng là gợi thành công sự hấp dẫn, sự đáng yêu của người con gái. Cô ấy xinh đẹp, duyên dáng đến mức “trời trồng tình si”? Quả là đa nghĩa, lời ít mà ý vô cùng!

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Khổ thơ thứ hai, tấm tình si của chàng trai tiếp tục được diễn tả sâu sắc hơn:

“Em đùa trời đất quay đi

Tháng ngày thưa thớt những khi đượm tình”

Hành động đùa của người con gái tiếp tục tác động đến tầm vũ trụ, cả không gian và thời gian: “Trời đất quay đi”, “tháng ngày thưa thớt”. Sao “trời đất quay đi”? Là vì trời đất rộng lòng, nhường không gian cho đôi tình nhân? Sao “tháng ngày thưa thớt”? Mỗi năm 365 ngày, thời gian cứ vậy chảy trôi tuần tự, ai bớt được của tự nhiên đâu? Vậy mà đến Lưu Hồng Vân, tháng ngày cũng trở nên “thưa thớt”!

Đây là thời gian cảm xúc, không phải thời gian vật lí. Khi vui mừng, hạnh phúc, bên người yêu, người ta thường cảm thấy thời gian trôi đi rất nhanh. Khi người ta đau khổ, buồn bã, chờ đợi, người ta sẽ cảm thấy thời gian dài lê thê. Viết “tháng ngày thưa thớt”, Lưu Hồng Vân vừa diễn tả được cảm giác thời gian trôi nhanh, cho thấy niềm hạnh phúc, sung sướng của chàng trai, vừa diễn tả được sự rộng lượng của tự nhiên, dường như thời gian cũng cố ý nhường chỗ cho đôi nam nữ “những khi đượm tình”. Khổ thơ thứ ba tiếp tục tô đậm cảm xúc của chàng trai:

“Em đùa cho chút thanh minh

Thân ta cây cỏ thấy mình lớn lao”

Đến đây, chàng trai biểu lộ sự thay đổi của bản thân sau lời đùa của người con gái. Chàng trẻ ra, phơi phới niềm vui, như mùa Xuân trở lại trong lòng (cho chút thanh minh). Rồi, từ chỗ luôn cảm thấy bé nhỏ (thân ta cây cỏ), bỗng thấy mình vụt có giá trị, cao lớn, mạnh mẽ (thấy mình lớn lao). Tác động hành vi của người con gái với người con trai thật kì diệu!

Đang từ lồng lộng trời cao của hạnh phúc, nhà thơ kết lại bằng sự thật nghiệt ngã:

“Em đùa mất hút ánh sao

Niềm tin khi ấy gửi vào thinh không”.

Sự tương phản quá đỗi nghiệt ngã giữa ba khổ thơ chan chứa hạnh phúc ở trên với nỗi đau ở hai câu cuối. Hai câu cuối, Lưu Hồng Vân không biến thể câu thơ mà đưa câu lục bát trở về với truyền thống. Cách làm đó tạo nên ý nghĩa lời đùa không bị hiểu lầm nữa. Sự thật đã sáng tỏ, rõ ràng. Khi hiểu ra bản chất sự việc, thái độ của chàng trai với cô gái ra sao?

Đây là điều đáng chú ý. Nhận ra sự thật mà chàng trai không nói như số đông: “Mất hút con mẹ hàng lươn”, ngược lại vẫn liên tưởng hành vi đùa của người con gái với hình ảnh tuyệt mĩ: “Ánh sao”. Hình ảnh đó cho thấy sự hào hiệp, hào hoa, thanh lịch của chàng trai. Chàng đau buồn lắm, nhưng vẫn giữ những điều tốt đẹp về người con gái, dù niềm tin đã vĩnh viễn mất đi (gửi vào thinh không). Chàng trai nhận riêng về mình nỗi cay đắng. Chàng chỉ nói với người con gái, rằng “Niềm tin khi ấy gửi vào thinh không” - chàng đã mất niềm tin, không hận thù. Mà mất niềm tin là nỗi mất mát vô cùng lớn - lấy gì bù đắp cho thỏa?

Có thể nói, “Đùa” là bài thơ hay. Bài thơ khiến người ta thận trọng hơn với hành vi của mình. Muôn sự có thể đùa, có cả ngày Cá tháng Tư để đùa nhưng tuyệt đối không nên đùa giỡn với tình cảm, đặc biệt với tình yêu! Sự đùa cợt vô tình, biết đâu sẽ tàn nhẫn đến vô cùng, bởi nó có thể cho người kia đến mức mất hết niềm tin vào cuộc sống. Mất niềm tin thì sẽ dẫn đến điều gì? Có thể là sự tự sát? Có thể là sống mà luôn bi quan, thất vọng vào cuộc đời? Thế thì độ nhẫn tâm, độc ác của những hành vi đùa cợt tình yêu là ở mức độ vô cùng!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.