Đến với bài thơ hay: Trời và đất

GD&TĐ - Lò Ngân Sủn (1945 - 2013) là nhà thơ người dân tộc Cháy, quê ở Bản Xát, Lào Cai. Người ta nói ông là người “con của núi”, thơ Lò Ngân Sủn đưa người ta “khám phá những đỉnh núi xa thơ mộng và mãnh liệt”.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Đất muốn lên với trời

Nhưng trời ở quá cao

Đất không sao tới được

Trời muốn xuống với đất

Nhưng đất ở thấp quá

Trời không sao gần được

Muôn thuở trời và đất

Luôn ở cách xa nhau

Chỉ có người với người

Là có thể gần nhau

Lò Ngân Sủn

Lời bình của Nguyễn Văn Luyện

Giản dị, thâm trầm, bài thơ “Trời và Đất” nhắn gửi những thông điệp sâu sắc về lẽ sống.

Thơ hay lẽ thường phải nói được điều người khác biết mà không dễ viết ra. Chuyện đất dưới thấp, trời trên cao xa cách nghìn trùng ai cũng biết, từ ngàn xưa, đến ngàn năm sau vẫn thế.

Hai khổ đầu bài thơ, mỗi khổ ba dòng thơ, giống nhau ở cách biểu đạt, điệp từ “muốn” nhấn mạnh ao ước của đất, của trời rút ngắn khoảng cách vời vợi để được gần nhau.

Có điều, mong muốn chỉ là mong muốn, chữ “nhưng” tựa như một lời phản tỉnh của lí trí, việc đất thấp lên với trời cao, trời cao được gần đất thấp không bao giờ thành hiện thực được.

Chân lí ấy được nhà thơ đúc kết: “Muôn thuở trời và đất. Luôn ở cách xa nhau”. Không thể nào đổi khác được, vũ trụ muôn đời vĩnh hằng, trời cao đất thấp mãi vời vợi cách xa.

Nếu dừng lại tám câu đầu, bài thơ không có gì để bàn, để ngẫm. Hai câu kết đã xoay chuyển cục diện, nâng tầm ý thơ. Thì ra, tác giả mượn chuyện đất, chuyện trời để nói chuyện đời và chuyện người. Trời đất xa nhau, chỉ có người được gần nhau, chung sống trong cõi nhân gian.

Từ chuyện không thể, nhà thơ chuyển sang chuyện “có thể” vô cùng tinh tế và rất đỗi tự nhiên. Sức nặng của ý thơ gửi trọn trong hai từ “có thể” mang hàm nghĩa giả định, chỉ “có thể” thôi, còn thực tế con người sống với nhau ghét yêu, hay dở thế nào phải tự mình kiến tạo, vun đắp.

Chữ “Gần nhau” trong câu thơ đúng nghĩa phải là sự quan tâm, yêu thương, kết nối sẻ chia trong cộng đồng đoàn kết thân ái. Song, ước muốn cao đẹp đó đâu dễ thực hiện một khi lối sống vô cảm, vị kỉ vẫn đang hiển hiện trong xã hội hôm nay.

Mượn chuyện trời đất, gửi gắm chuyện con người. Bài thơ sâu sắc, giản dị rung lên trong ta hồi chuông thức tỉnh: Hãy sống yêu thương và lan tỏa yêu thương. Đây là cách tốt nhất giúp người với người có thể chung sống an vui, hạnh phúc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.