Đến với bài thơ hay: Bâng khuâng 'tóc mẹ sương rơi'

GD&TĐ - Thiên nhiên quanh ta vốn vô cùng tươi đẹp, nhưng không phải ai cũng cảm nhận được điều kì diệu đó, đặc biệt là các em nhỏ trong thời đại 4.0 này.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Bảo Ngọc

Vẽ màu

Màu đỏ cánh hoa hồng

Nhuộm bừng cho đôi má

Còn màu xanh chiếc lá

Làm mát những rặng cây

Bình minh treo trên mây

Thả nắng vàng xuống đất

Gió mang theo hương ngát

Cho ong giỏ mật đầy

Còn chiếc áo tím này

Tặng hoàng hôn sẫm tối

Những đôi mắt biết nói

Vẽ màu biển biếc trong

Màu nâu này biết không

Từ đại ngàn xa thẳm

Riêng đêm như màu mực

Để thắp sao lên trời

Em tìm khắp muôn nơi

Sắc màu không kể hết

Em tô thêm màu trắng

Trên tóc mẹ sương rơi

Thiên nhiên quanh ta vốn vô cùng tươi đẹp, nhưng không phải ai cũng cảm nhận được điều kì diệu đó, đặc biệt là các em nhỏ trong thời đại 4.0 này, khi mà không gian vui chơi bị giới hạn trong những khuôn viên chật hẹp, các em ít có cơ hội được hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ.

Cảm nhận được những thiệt thòi to lớn ấy của các em, Bảo Ngọc đã viết nên những bài thơ và câu chuyện dành cho lứa tuổi thiếu nhi, từ kí ức tuổi thơ trên đồng quê, thôn dã.

Một trong số đó là bài thơ “Vẽ màu” vô cùng sinh động. Mở đầu bài thơ, tác giả viết:

“Màu đỏ cánh hoa hồng

Nhuộm bừng cho đôi má”

Ta thấy ngay sự tinh tế khi tác giả chọn màu đỏ cánh hoa hồng để mở đầu bài thơ. Bởi lẽ, hoa hồng được mệnh danh là vua của các loài hoa, nó tượng trưng cho vẻ đẹp bừng sức sống như gương mặt các em ở lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng.

Màu đỏ là màu của trái tim, của yêu thương. Cánh hoa hồng em vẽ đầu tiên hay chính là cánh cửa trái tim em mở ra để cảm nhận những sắc màu lung linh trong cuộc sống, để yêu thương và thắp lên niềm hy vọng. Và vì thế, màu xanh chiếc lá, màu của hy vọng, màu tạo ra nguồn sống vô tận và chở che cho muôn loài trên Trái đất được tiếp nối trong mạch cảm xúc của khổ thơ này.

“Còn màu xanh chiếc lá

Làm mát những rặng cây”

Nối tiếp mạch tư duy và cảm xúc khi em vẽ là những gam màu mà tác giả dùng để mô tả các thời điểm trong ngày. Tuy sắp xếp theo quy luật vận động của thời gian nhưng thật là thú vị.

“Bình minh treo trên mây

Thả nắng vàng xuống đất”

Ở đây, tác giả dùng từ đa nghĩa làm cho câu thơ trở nên giàu sức gợi. Bình minh vừa là trạng từ chỉ thời điểm mở đầu cho ngày mới, vừa là danh từ chỉ Mặt trời. Một thời điểm, một đối tượng mà vạn vật đều trông mong chờ đợi mỗi ngày, bởi vì thứ mà chúng mang đến sẽ là tia “nắng vàng” ấm áp - nguồn năng lượng vô biên cho muôn loài trên Trái đất. Vàng ở đây cũng vừa là tính từ chỉ màu sắc, vừa là danh từ chỉ sự quý giá của nắng. Nắng cho cây xanh quang hợp, cho hoa thơm mật ngọt để loài ong gom nhặt cho đời.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Sau bình minh rực rỡ là hoàng hôn dịu dàng với chiếc áo màu tím sẫm. Bức tranh trong khổ thơ thứ ba được gợi đến là biển lúc hoàng hôn Đó là sự lựa chọn tinh tế của người viết, bởi vì trong thời khắc ấy, biển là nơi đẹp và nên thơ nhất. Để rồi:

“Màu nâu này biết không

Từ đại ngàn xa thẳm

Riêng đêm như màu mực

Để thắp sao lên trời”

Hoàng hôn qua đi, bầu trời về đêm tối đen như mực, nhưng màu đen ở đây không phải là màu của sự tắt lịm, của kết thúc mà màu của niềm tin và hy vọng mới. Vì ở đó lấp lánh những vì sao tinh tú thắp lên bầu trời hay đang thắp sáng lên tâm hồn non nớt của em biết bao nhiêu niềm tin yêu cuộc sống.

Sau ngày dài vui chơi, học tập, đêm là lúc em được ấp ôm trong vòng tay yêu thương ngọt ngào của mẹ, được lắng nghe lời ru dịu dàng, những câu chuyện cổ tích vô cùng kì bí và bi bô kể cho mẹ những niềm vui của bản thân mình, rồi chìm vào giấc mơ bay trong đôi cánh thiên thần. Đó có lẽ là giây phút thiêng liêng hạnh phúc nhất đời của cả em và mẹ.

“Em nhìn khắp muôn nơi

Sắc màu không kể hết

Em tô thêm màu trắng

Trên tóc mẹ sương rơi”

Một sự đúc kết vô cùng sâu sắc và lắng đọng, khiến người đọc rưng rưng xúc động. Dù đang ở lứa tuổi hồn nhiên, tinh nghịch thì các em vẫn biết quan tâm đến mẹ mỗi ngày. Tóc mẹ sương rơi là hình ảnh giàu sức gợi. Đó là mái tóc người mẹ tất bật ra đồng khi màn sương còn rậm rịt hay trong tiết trời mưa phùn lạnh lẽo, là màu thời gian làm tóc mẹ phôi pha.

Mái tóc ấy nói lên sự hy sinh của mẹ, một đời âm thầm, lặng lẽ cho con mình có cuộc sống ấm no và chở che con dưới trời giông bão. Động từ “tô” chính là sự thấu hiểu và lòng biết ơn vô hạn mà em dành cho mẹ của mình. Lòng biết ơn cũng chính là thông điệp, là hạt giống quý báu mà tác giả muốn gieo vào tâm hồn các em khi viết tác phẩm này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.