Đến với bài thơ hay: Khát khao vươn lên để yêu thương

GD&TĐ - Đỗ Bạch Mai là nhà thơ nữ trưởng thành từ sau năm 1975. Thơ chị chân thành, đằm thắm và giàu cảm xúc yêu thương.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Đỗ Bạch Mai

Một mình trong mưa

Từ nay cò ơi

Thân cò lận đận

Một mình nuôi con

Đồng dọc đồng ngang

Đồng trên đồng dưới

Đồng xa đồng gần

Cò đừng lạc lối

Đằng đông chớp bể

Đằng tây mưa nguồn

Cò đừng mỏi cánh

Cố về với con

Một mình một lối

Một mình trong mưa

Lặn lội thân cò

Tối tăm mù mịt

Cò con bơ vơ

Khắc khoải đợi cò

Cò về tổ ấm

Cò về chở che

Lặn lội thân cò

Bước cao bước thấp

Một mình một lối

Một mình trong mưa.

Bài thơ “Một mình trong mưa” được rút từ tập thơ cùng tên, viết trong hoàn cảnh khi nhà thơ Bế Kiến Quốc - người chồng thương yêu của tác giả qua đời không lâu. Bài thơ thể hiện nỗi lòng cô đơn, thương mình lận đận và thầm khát khao được “chân cứng đá mềm”, có thêm nghị lực để nuôi dưỡng, chở che đàn con khôn lớn nên người.

Hình tượng con cò - một ẩn dụ cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam tần tảo, chịu thương chịu khó đã có từ trong ca dao và thơ ca trung đại. Ca dao dân gian với “Cái cò lặn lội bờ sông/ Gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non”. Đến Trần Tế Xương, người vợ hiền thục là bà Tú đã hóa thân vào thơ ông qua hình tượng “Lặn lội thân cò khi quãng vắng/ Eo sèo mặt nước buổi đò đông”.

Với nhà thơ Đỗ Bạch Mai, hình tượng ấy một lần nữa khiến người đọc rưng rưng xúc động qua bài thơ “Một mình trong mưa” đầy nỗi niềm tâm sự của tác giả. Theo như lời kể của nhà thơ, sau khi người chồng qua đời, bà muốn hoàn thành tập thơ “Một mình đi trong mưa” nhưng chưa có bài nào được xem là “đinh” cả. Một đêm, cũng nơi căn phòng nhiều kỷ niệm với người chồng yêu quý, bài thơ trên đã ập đến bất ngờ trong nghẹn ngào nước mắt.

Ba câu thơ đầu đúng là những giọt nước mắt chực rơi, thành thực mà lắng sâu trong thể thơ 4 chữ đến một cách tự nhiên. Từ cảm thán “ơi”, từ láy “lận đận” đã diễn tả sâu sắc tâm trạng cô đơn, tủi phận của “thân cò”, đồng thời cũng chính là cái tôi trữ tình thật đáng thương của tác giả:

“Từ nay cò ơi

Thân cò lận đận

Một mình nuôi con”.

“Một mình nuôi con” là cảm thức đầu tiên về thân phận, về trách nhiệm lớn lao mà nhân vật trữ tình nghĩ đến. Thoáng đọc qua, tưởng là chuyện đời muôn thuở của người phụ nữ; nhưng nghĩ đến hoàn cảnh riêng của tác giả Đỗ Bạch Mai, chúng ta không khỏi chạnh niềm xót xa. “Từ nay…” nhờ đó đã thành mạch thơ, mạch cảm xúc lan tỏa dẫn dắt người đọc đi từ nỗi niềm này đến tâm sự xót xa kia.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Đến khổ thơ thứ hai, Đỗ Bạch Mai dành đến tám câu thơ để hình dung về nỗi cô đơn, trống vắng và những khó nhọc, gian truân trên đường đời phía trước. Tác giả đã sử dụng thủ pháp nghệ thuật liệt kê, đối lập, cách biểu đạt trùng điệp để diễn tả tâm trạng ngổn ngang của nhân vật trữ tình thân cò lận đận. Cò đi kiếm ăn giữa đồng không mông quạnh chỉ có một mình hiện lên thật tội nghiệp, đáng thương. Cò lẻ loi, bé nhỏ mà cuộc đời lại quá mênh mông, quá nhiều ngã rẽ, nhìn đâu cũng thấy chớp bể mưa nguồn đang bủa vây, giăng phủ tứ bề. Ở đây, cái tôi trữ tình tác giả đã hòa nhập làm một với thân phận con cò - một hình tượng thơ quen thuộc trong đời sống văn hóa người Việt Nam - nhờ đó đã có sự đồng cảm và sẻ chia sâu sắc:

“Đồng dọc đồng ngang

Đồng trên đồng dưới

Đồng xa đồng gần

Cò đừng lạc lối

Đằng đông chớp bể

Đằng tây mưa nguồn

Cò đừng mỏi cánh

Cố về với con”.

Cò tự khuyên mình cố vượt qua nghịch cảnh: “Cò đừng lạc lối”, “Cò đừng mỏi cánh”, vì phía sau cò là cả một đàn con bé bỏng, thơ ngây đang chờ đợi mỏi mòn. Đọc đến đây, có lẽ khó lòng cầm được nước mắt, thương cho phận cò mà cũng chạnh niềm thương cảm cho tâm sự và số phận nhà thơ.

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Cò cứ thế lặn lội trong mưa, cô đơn, sầu muộn. Cò lặn lội kiếm ăn để nuôi đàn con nhỏ. Điệp từ “một mình” lặp lại hai lần đầy xót xa, tủi phận. Trời tối rồi, mưa bay mù mịt, cò con bơ vơ khắc khoải đợi chờ. Những câu thơ gan ruột, xé lòng dường như trào ra không sao ngăn được. Từng bốn chữ một cứ rớt xuống, nhỏ giọt như từng đợt mưa, từng dòng nước mắt đong đầy. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta đọc những câu thơ bốn chữ mà nghe lòng day dứt và xót thương đến vậy:

“Một mình một lối

Một mình trong mưa

Lặn lội thân cò

Tối tăm mù mịt

Cò con bơ vơ

Khắc khoải đợi cò

Cò về tổ ấm

Cò về chở che”.

Khổ thơ cuối bài khép lại vẫn hình tượng cánh cò một mình lặn lội, bước thấp bước cao trong mưa bay mờ mịt. Vẫn các từ ngữ “lặn lội”, “một mình”, “trong mưa” lặp lại ở các khổ thơ trên nhưng đầy biến hóa để nhấn mạnh thêm nỗi niềm cô đơn, trống vắng của thân cò. Đến đây, ta bắt gặp tâm trạng nhà thơ đã thực sự hóa thân, gắn chặt vào số phận của con cò bé nhỏ tội nghiệp, luôn khát khao hạnh phúc, luôn hướng về tình yêu và cuộc sống gia đình:

“Lặn lội thân cò

Bước cao bước thấp

Một mình một lối

Một mình trong mưa”.

Chính hoàn cảnh riêng đã làm nên cảm xúc trữ tình đặc biệt cho bài thơ “Một mình trong mưa” của Đỗ Bạch Mai. Cũng chính nỗi niềm cô đơn vời vợi ấy đã hóa thân vào hình tượng cánh cò lặn lội nơi đồng không hiu quạnh làm thê thiết trái tim người đọc. Thể thơ 4 chữ gắn gần đồng dao thường vui tươi, nhí nhảnh, song ở đây ta chỉ thấy ngập tràn nước mắt. Tuy nhiên, đó là những giọt nước mắt tủi phận nhưng không bi lụy, đau lòng nhưng không gục ngã. Hơn thế nữa, những giọt nước mắt góa bụa ấy lại luôn khát khao vươn lên để yêu thương, che chở cho đàn con thơ dại của mình. Bài thơ nhờ đó còn là bài ca lớn lao về tình yêu thương và trách nhiệm ở đời, bài ca về tình mẫu tử.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ