Trong sâu thẳm ký ức mỗi người, thầy cô - mái trường luôn là những kỷ niệm sáng trong, tươi đẹp lung linh. Những hình ảnh ấy đã đi vào thơ ca của nhiều tác giả. Trong số đó, tôi đặc biệt ấn tượng với bài “Vùng phấn bay” của nhà giáo - nhà thơ Phi Tuyết Ba (1946 - Quảng Bình).
Phi Tuyết Ba
Vùng phấn bay
Hình như... thầy chẳng khác xưa
Ba lăm năm trước... thầy đưa qua đò
Dòng sông kiến thức sóng xô
Mỏng manh trang vở học trò trắng tinh
Em cầm cây bút đời mình
Thầy cầm phấn trắng chắp tình quê hương
Đất trời trang trải mấy phương
Nắng, mưa, sương, gió... biết thương đời thầy
Sông bao nhiêu nước... sông gầy
Cánh đồng gieo chữ... đợi ngày hoa non
Bao nhiêu viên phấn đã mòn
Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung
Nước trôi về nẻo vô cùng
Thương thầy ở lại một vùng phấn bay.
Trang trời xanh thẳm hôm nay
Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu
Sông đời bất chợt nông, sâu
Nhớ thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm.
Qua những dòng cảm xúc tâm tình với bạn đọc một lần thăm thầy giáo cũ, tác giả đã làm sống dậy hình tượng người thầy tận tụy hết lòng vì học sinh, khơi gợi nhiều cảm xúc thân thương và sâu lắng về tình thầy trò với lòng biết ơn chân thành.
Mở đầu bằng hai câu thơ tách riêng một khổ, tác giả đưa người đọc đến với những ấn tượng ban đầu cùng cảm xúc tha thiết khi học trò - chủ thể trữ tình - đến thăm thầy. Phần thơ này, người viết dùng liên tiếp dấu chấm lửng, như những tiếng nấc nghẹn ngào vì xúc động bởi sau 35 năm xa cách (hơn một vạn ngày), mãi tới hôm nay trò mới lại được gặp thầy giáo cũ:
“Hình như... thầy chẳng khác xưa
Ba lăm năm trước... thầy đưa qua đò”
Thi nhân dùng hình ảnh “con đò” rất quen thuộc nói về nghề dạy học, thầy cô là những người “chở đò” trên dòng sông tri thức, đưa học trò hết chuyến này sang chuyến khác qua từng năm học, gợi tình cảm mến thương, gần gũi. Biết bao nhiêu tình cảm dồn nén dâng trào qua từng từ ngữ và cả những khoảng lặng của nhạc điệu thơ từ những dấu chấm lửng “biết nói”.
Xa thầy giáo cũ nhiều năm nhưng vốn là người trân quý, kính trọng thầy nên học trò nhận thấy “hình như thầy chẳng khác xưa”. Đó là điều không thực tế trong cuộc sống nhưng lại rất thật trong cảm xúc.
Suốt quãng thời gian xa cách, hình ảnh thầy giáo - người truyền tải tri thức và thắp lửa ước mơ - vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm của học trò. Cảm xúc lắng đọng ấy của chủ thể trữ tình đã nói hộ tình cảm chung của biết bao người khác khi thăm lại thầy cô giáo cũ.
Phần thơ tiếp là một trường liên tưởng với nhiều hình ảnh gần gũi, gắn bó với nghề làm thầy: Viên phấn, trang vở, cây bút, giáo án... Bên cạnh đó, còn cả những hình ảnh ẩn dụ giàu mỹ cảm như: Dòng sông kiến thức sóng xô, nắng mưa sương gió, cánh đồng gieo chữ... Tất cả là một vùng ký ức nhớ thương với những vòng sóng tâm tình lan tỏa, khơi gợi nhiều liên tưởng sâu lắng.
Nhà thơ có sáng tạo độc đáo khi sử dụng hình ảnh “Vùng phấn bay” để nói về nghề dạy học của người thầy. Viên phấn trắng cùng với bảng đen luôn gắn bó với công việc của thầy trong quá trình truyền giảng tri thức cho các thế hệ học trò giờ đây tạo nên một vùng không gian nghệ thuật đặc biệt.
Cách nói ấy chứng tỏ sự thấu hiểu sâu sắc lao động của nghề dạy học, tạo nhiều ám ảnh với người đọc. Cuộc sống áo cơm thường nhật, đồng lương eo hẹp thời bao cấp gian khó và sinh hoạt thanh đạm của những ai làm nghề thầy khiến học trò cũ thương thầy giáo đến thắt lòng:
“Đất trời trang trải mấy phương
Nắng, mưa, sương, gió... biết thương đời thầy
Sông bao nhiêu nước… sông gầy
Cánh đồng gieo chữ... đợi ngày hoa non
Bao nhiêu viên phấn đã mòn
Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung”
Tác giả sử dụng thể thơ lục bát truyền thống, có âm hưởng nhịp nhàng, êm dịu, như lời tâm tình tha thiết tự đáy lòng của trò đối với thầy. Thành công nổi bật trong bài là tác giả dùng nghệ thuật nhân hóa khiến những vật vô tri như viên phấn, trang giáo án bỗng trở nên có hồn.
Mặt khác, nhà thơ lựa chọn được hình ảnh gần gũi, ngôn ngữ dung dị, hàm súc khiến ý thơ giàu sức liên tưởng. Người đọc thấy ẩn sau lớp câu chữ của bài là nhân cách đáng kính trọng của người thầy: Niềm say mê, tâm huyết với nghề, tình yêu thương và thái độ quan tâm chăm lo học sinh như con. Thầy đã mấy chục năm dạy học, ai có thể đếm được bao nhiêu viên phấn thầy đã viết?
Minh họa/INT. |
Cần nói thêm là ngày xưa, loại phấn viết bảng đen là phấn thường rất nhanh hết và rơi vô cùng nhiều bụi. (Bởi thế nên nhà văn Nam Cao gọi nghề dạy học là “nghề bán phổi nuôi dạ dày”). Cứ sau mỗi tiết dạy, tay thầy cô lại trắng xóa vì bụi phấn. Cùng tứ thơ “bụi phấn”, có tác giả đã viết:
“Hoa phấn nhẹ hơn sương trắng hơn tuyết.
Ai đã nhận những trắng trong tinh khiết
Của mỗi giờ thầy lên lớp trồng hoa?”. Công lao và sự vất vả của người thầy đâu phải ai cũng hiểu hết được? Song rất nhiều học trò cảm nhận được từ hình ảnh bụi phấn rơi rơi mỗi ngày khi thầy viết bảng như là sự chắt chiu từng hạt phù sa để bồi đắp cho “cánh đồng” tri thức của học trò ngày một phì nhiêu. Và các thế hệ học trò dần lớn lên như những cây đời đủ cành xanh lá, kết hoa thơm trái ngọt dâng đời.
Giờ đây như bao bạn đồng môn khác, người học trò năm xưa đã lớn khôn, cũng trở thành nhà giáo nối tiếp nghề của thầy. Người học trò - nhà giáo ấy hiểu biết và từng trải nhiều nắng gió của cuộc đời, lại càng hiểu ơn sâu và thêm yêu thương, kính trọng thầy, người đã bắc “chiếc cầu chữ Tâm” trên dòng sông lớn cuộc đời để học trò vững bước trong hành trình tương lai.
Nói đến chữ “Tâm” là nói đến điểm chính giữa của con người, là tình cảm, lòng nhân ái, đức độ, bao dung, là nhân cách chính trực của con người. Điều mà mỗi học trò luôn phải phấn đấu, tu dưỡng mới đạt tới được.
Nghề dạy học quả đúng như nhà sư phạm Comenxki từng nói: “Dưới ánh sáng mặt trời không nghề nào cao quý bằng nghề dạy học, trong muôn vàn tấm gương, không tấm gương nào gần gũi, thuyết phục cho bằng tấm gương cha mẹ và thầy cô giáo”.
Tôi cũng rất tâm đắc với câu nói của một danh nhân khác trong cuốn sách Quà tặng cuộc sống: “Chúng ta bày tỏ lòng kính trọng đối với người thầy lỗi lạc. Song chúng ta bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với những người thầy đã sưởi ấm lòng ta”. Người thầy giáo trong bài thơ của Phi Tuyết Ba chính là tấm gương sáng thân thương để chị và bao học trò khác noi theo.
Bài thơ dễ đi vào lòng người bởi đã gợi lên một không gian nghệ thuật rất giàu xúc cảm của tình thầy trò. Tên bài được chọn làm nhan đề chung cho tập thơ chọn lọc viết về thầy cô và nhà trường của nhiều tác giả, NXB Giáo dục 2010.
“Vùng phấn bay” thêm một lần nữa thức tỉnh những ai chưa ghi nhớ công ơn thầy cô, những ai yêu quý, tôn trọng nghề giáo càng thấm thía hơn truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Thi phẩm tuy đã khép lại nhưng tình cảm thầy trò và những suy tưởng về đạo lý ân nghĩa ở đời như những vòng sóng tâm tình còn lan tỏa mãi.
Bình luận