Đến với bài thơ hay: Nỗi đau phận đàn bà

GD&TĐ - Có lẽ cũng là phụ nữ, nhà thơ Dư Thị Hoàn đã hình dung được bao nhiêu bể dâu, đau khổ trong một phận đàn bà qua bài thơ “Đi lễ chùa”...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Dư Thị Hoàn

Đi lễ chùa

Năm người đàn bà cùng ngồi trên xe ngựa

Tay khư khư ôm đầy vật tế lễ

Người thứ nhất thở dài:

- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng

Người thứ hai chép miệng:

- Vô phúc nhất người đàn bà không con

Người thứ ba cười buông:

- Bất hạnh nhất người đàn bàn không khóc nổi trước mặt chồng

Người thứ tư điềm đạm:

- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con

Người thứ năm:

- Mô Phật!

Lão xà ích giật dây cương

Roi quất

Tung bụi đường...

Nhà thơ Nguyễn Du đã khái quát nỗi đau thân phận người phụ nữ thông qua số phận nàng Kiều thật chí lý: “Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Từ bao đời nay, cái triết lý tưởng chừng giản đơn ấy nhưng lại sâu sắc và có tính phổ quát rộng lớn.

Có lẽ cũng là phụ nữ, nhà thơ Dư Thị Hoàn đã hình dung được bao nhiêu bể dâu, đau khổ trong một phận đàn bà qua bài thơ “Đi lễ chùa” nhuộm màu sắc triết lý, song cũng gần gũi chân thực như chính cuộc đời vốn có. Quả vậy, chính không gian đời sống đã tạo nên không gian thơ phảng phất sắc màu tâm linh nhà Phật.

Trước hết, nhìn một cách tổng thể, bài thơ “Đi lễ chùa” có kết cấu của một câu chuyện kể, có đầu có cuối, có nhân vật, có nỗi niềm của từng số phận.

Nếu vậy, chắc bài thơ không có gì khó hiểu. Nhưng ở đây nếu để ý kỹ, ta sẽ nhận ra sự dụng ý cực kỳ tinh vi của tác giả thông qua một nghệ thuật thơ già dặn khiến cho bất kỳ ai khi đọc bài thơ này đều không thể đọc một lần.

Thơ không đọc một lần chắc hẳn phải có nhiều điều nghĩ ngợi, nhiều vấn đề chìm khuất bên trong cần được giải mã chính xác thông qua sự cảm nhận tinh tế của người đọc.

Câu chuyện của năm người đàn bà chủ yếu xoay quanh hệ lụy trong hai mối quan hệ: Chồng và con. Hệ lụy của bốn người đàn bà đầu tiên cứ tăng tiến dần xét theo trục khổ đau, phiền muộn; duy người thứ năm không nói gì, chỉ buông một lời “Mô Phật!” lắng đọng triết lý sâu xa. Có điều càng tăng cấp về thực tế nỗi đau khổ, thái độ của từng người lại tiệm thoái dần theo chiều hướng hóa giải khổ đau: Tội nghiệp - thở dài, vô phúc - chép miệng, bất hạnh - cười buông, tuyệt vọng - điềm đạm.

Càng đọc chúng ta càng suy nghĩ và nhận ra chủ đích của Dư Thị Hoàn trong hành trình đi tìm sự hóa giải khổ đau trong từng người đàn bà trên chuyến xe xà ích định mệnh.

Người thứ năm chỉ niệm lời “Mô Phật” nên cũng không biểu thị thái độ gì, hình như bà đã đốn ngộ tất cả mọi lẽ đời, mọi đau khổ của kiếp đàn bà trên chốn trần gian. Này đây, chúng ta cùng đọc lại mà suy ngẫm những nỗi đau qua một phận đàn bà:

“Người thứ nhất thở dài:

- Tội nghiệp nhất người đàn bà không chồng

Người thứ hai chép miệng:

- Vô phúc nhất người đàn bà không con

Người thứ ba cười buông:

- Bất hạnh nhất người đàn bà không khóc nổi trước mặt chồng

Người thứ tư điềm đạm:

- Tuyệt vọng nhất người đàn bà không cười được khi thấy con

Người thứ năm:

- Mô Phật!”.

Người đàn bà thứ nhất “tội nghiệp” vì không có chồng, sống lẻ loi, đơn độc. Cái đau khổ nhãn tiền ấy cụ thể nhất, ai cũng dễ dàng nhận ra. Người thứ hai “vô phúc” vì không sinh con, như cái cây không quả, xót xa và tủi hờn lắm chứ.

Người thứ ba có chồng mà không thể nào sẻ chia với chồng, bao nhiêu nỗi buồn đành nuốt lặng vào trong làm sao mà không thấy mình bất hạnh. Người thứ tư cảm giác tuyệt vọng khi không thể nào nở nụ cười trước mặt con. Bốn nỗi khổ đau thốt ra đi kèm với bốn thái độ thở dài, chép miệng, cười buông, điềm đạm. Sắc thái giảm dần cũng đồng nghĩa với sự giác ngộ về nỗi đau vốn dĩ của kiếp người càng thấu triệt.

Người đàn bà thứ năm anh minh và thông tuệ nhất, bước tiếp những bước tĩnh lặng hư không mà tìm về cõi tịch nhiên vô hạn, không khổ đau, không sắc thái mà như thấu cả cõi Chân Như. Một lời “Mô Phật!” đã làm cho bài thơ bật sáng lên, đốn ngộ, người đọc sung sướng như nhận được phần quà vô giá của nhà thơ ban tặng trên hành trình lần theo dấu chân khổ lụy nhân duyên của kiếp phận đàn bà.

“Mô Phật!” - chỉ cần hai từ ấy thôi đã đưa bài thơ thoát khỏi chất tự sự thông thường ít nhiều mang tính kể chuyện. “Mô Phật!” - cũng chỉ hai âm tiết ấy thôi đã làm cho nhạc điệu bài thơ hay hẳn lên, đầy biến hóa ngỡ ngàng, tỏa sáng công năng diệu kỳ của ngôn ngữ tiếng Việt. “Mô Phật!” là con mắt của bài thơ, thần nhãn thấu suốt để giải mã bao triết lý, ý tình mà tác giả muốn gửi gắm cho người đọc.

Bài thơ kết thúc trong tiếng giật dây cương của bác xà ích, tiếng roi quất và bụi đường tung mờ mịt. Đám bụi đường ấy hay chính là đám bụi nhân sinh của vòng tục lụy vẫn còn đeo đẳng bám lấy năm số phận đàn bà đang ngồi trên chiếc xe của vòng luân hồi nghiệt ngã:

“Lão xà ích giật dây cương

Roi quất

Tung bụi đường”.

Bằng chiều sâu triết lý ẩn tàng dưới lớp ngôn từ cô đọng, hàm súc, “Đi lễ chùa” là một trong những bài thơ hay nhất của thơ Dư Thị Hoàn nói riêng và thơ Việt Nam đương đại nói chung. Nỗi niềm thương cảm đối với thân phận người phụ nữ giữa cõi đời vô thường, chất chồng đau khổ đã mang đến cho thi phẩm vẻ đẹp nhân văn mới mẻ. Đồng thời, tác giả cũng gợi mở cho người đọc một hướng tự hóa giải khổ đau cho chính mình bằng khoảnh khắc đốn ngộ siêu phàm: Mô Phật!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.