Đến với bài thơ hay: Hoài niệm trong trẻo với Người bán tò he

GD&TĐ - Dưới bàn tay tài hoa của người thợ thủ công, cả một khung trời tuổi thơ hiện ra lung linh với những chú mèo, chú chó, chị mái mơ, vịt bầu...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nguyễn Văn Song

Người bán tò he

Chợ làng có một cụ già

Bàn tay nặn bột nở hoa dâng đời

Gốc đề rải chiếu cụ ngồi

Lặng im mở một khung trời tuổi thơ

Chú mèo mướp, chị mái mơ

Bà tiên ông bụt bạc phơ mái đầu

Bao nhiêu hình dáng nhiệm màu

Bấy nhiêu hồn vía theo nhau hiện về

Ngón gầy mải miết cụ vê

Sáng bừng cả một miền quê đất nghèo

Cuối ngày chợ vãn vắng teo

Bóng người nhòa giữa sương gieo nặng dần

Tò he ai bán chợ Vân

Để ai lục túi mấy lần rồi thôi

Chỗ xưa giờ chẳng ai ngồi

Tôi về chỉ gặp bóng tôi cúi đầu.

(Văn Nghệ Thái Nguyên số 10, ngày 25/5/2023)

Với nguyên liệu là bột gạo nếp và các loại phẩm màu tự nhiên, người thợ nặn tò he, bằng đôi tay khéo léo cùng đầu óc tưởng tượng vô cùng tinh nhạy, phong phú đã sáng tạo ra các đồ vật, con giống hay những nhân vật nổi tiếng trong thế giới thần tiên.

Hãy xem Nguyễn Văn Song thu vào ống kính chiếc “máy ảnh thơ” của mình, hình ảnh thật đẹp và cũng thật gợi:

“Ngón gầy mải miết cụ vê

Sáng bừng cả một miền quê đất nghèo”

Dưới bàn tay tài hoa của người thợ thủ công, cả một khung trời tuổi thơ hiện ra lung linh với những chú mèo, chú chó, chị mái mơ, vịt bầu hay những bà tiên, ông bụt râu tóc bạc phơ… Tất cả đều hết sức sống động, như vừa mới bước ra từ những câu chuyện cổ tích.

Trong câu lục, động từ “mải miết” được dùng rất chuẩn xác. Mải miết thể hiện một trạng thái tâm trí tập trung liên tục, hết mình cho công việc đến quên cả xung quanh. Điều này ở người trẻ đã là rất quý, với người già lại càng đáng khâm phục, trân trọng hơn. Và hình như, hành động của nhân vật thơ còn gợi thêm trong tác giả nỗi lo lắng mơ hồ khi mà thời gian không còn chiều theo lòng người nữa!

Chính bởi trân quý và kính trọng người nghệ nhân dân gian, bằng sự đồng cảm, tác giả đã có cách mở đầu bài thơ và cũng là lời giới thiệu về họ với cái nhìn rất nghệ sĩ, thi sĩ:

“Chợ làng có một cụ già

Bàn tay nặn bột nở hoa dâng đời”

Trong suy nghĩ của tác giả, cụ già trong bài thơ, rộng ra là những người làm nghề nặn và bán tò he không chỉ đơn giản làm nghề để mưu sinh mà chính họ đang cố gắng đem tài năng, tâm huyết của mình, lưu giữ cho đời sau những giá trị văn hóa, giá trị tinh thần đặc sắc của cha ông.

“Ngón gầy mải miết cụ vê

Sáng bừng cả một miền quê đất nghèo

Cuối ngày chợ vãn vắng teo

Bóng người nhòa giữa sương gieo nặng dần”

Đây là khổ thơ đẹp và buồn, gợi nhớ tới hình ảnh ông đồ trong bài thơ cùng tên của thi sĩ Vũ Đình Liên với những khoảnh khắc sáng tạo xuất thần: “hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa rồng bay” cũng như nỗi ngậm ngùi “lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay”, khi mà những giá trị tinh thần đang dần bị phai nhạt.

“Tò he ai bán chợ Vân?

Để ai lục túi mấy lần rồi thôi

Chỗ xưa giờ chẳng ai ngồi

Tôi về chỉ gặp bóng tôi cúi đầu”

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Khổ thơ cuối với câu hỏi tu từ “Tò he ai bán chợ Vân” và hành động giống như vô thức “lục túi mấy lần rồi thôi” sao mà chân thực, mà rưng rưng đến vậy! Ta như gặp hình ảnh của tuổi thơ mình trong đấy, như thấy cả một quãng đời xưa lam lũ mà trong veo đến nao lòng.

Nhan đề cũng như nội dung bài thơ như là đang muốn kể về nhân vật cụ già bán tò he ở một ngôi chợ làng nơi vùng quê bất kì nào đó. Nhưng suốt cả buổi chợ nào đâu có thấy cảnh bán mua, ngoại trừ duy nhất động tác “lục túi mấy lần rồi thôi” của ai đó không xác định! Thì ra, mục đích chính của tác giả lại là sự hoài niệm về những điều trong trẻo, đẹp đẽ của một thời đã xa. Những câu thơ buồn và gợi “Lặng im mở một khung trời tuổi thơ; Bấy nhiêu hồn vía theo nhau hiện về; Tôi về chỉ gặp bóng tôi cúi đầu...” đã minh chứng cho điều đó.

Tôi rất thích cách mà Nguyễn Văn Song sử dụng nghệ thuật thực, ảo đan xen trong hầu hết các cặp lục bát rất nhuần nhuyễn của anh.

Nếu các câu lục ở trên chỉ đơn thuần là kể, là tả có vẻ khá chân thực, thô mộc: “Chợ làng có một cụ già; Gốc đề rải chiếu cụ ngồi; Ngón gầy mải miết cụ vê; Cuối ngày chợ vãn vắng teo; Chỗ xưa giờ chẳng ai ngồi”... Thì những câu bát bên dưới, thoắt đã ắp đầy chất thơ một cách ảo diệu làm cho cả thi phẩm bỗng trở nên mông lung, xa vắng, vời vợi một nỗi niềm ngẫm ngợi thật khó diễn tả: “Bàn tay nặn bột nở hoa dâng đời; Lặng im mở một khung trời tuổi thơ; Sáng bừng cả một miền quê đất nghèo; Bóng người nhòa giữa sương gieo nặng dần; Tôi về chỉ gặp bóng tôi cúi đầu”...

“Chỗ xưa giờ chẳng ai ngồi/Tôi về chỉ gặp bóng tôi cúi đầu” là hiện thực tất yếu của quy luật cuộc sống mà sao nghe vẫn đau đáu nỗi người, nỗi đời.

Giá tác giả chia khổ cuối ra làm hai và thêm dấu ba chấm (...) kết bài nữa, có lẽ thi phẩm sẽ man mác và da diết thêm chăng?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.