Hình như… Thầy chẳng khác xưa
Ba lăm năm trước…Thầy đưa qua đò
Dòng sông kiến thức sóng xô
Mỏng manh trang vở học trò trắng tinh
Em cầm cây bút đời mình
Thầy cầm phấn trắng chắc tình quê hương
Đất trời trang trải mấy phương
Nắng, mưa, sương, gió... Biết thương đời thầy
Sông bao nhiêu nước... Sông gầy
Cánh đồng gieo chữ... Đợi ngày hoa non
Bao nhiêu viên phấn đã mòn
Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung
Nước trôi về xứ vô cùng
Thương thầy ở lại một vùng phấn bay
Trang đời xanh thẳm hôm nay
Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu
Sông đời bất chợt nông, sâu
Học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm
Phi Tuyết Ba
Phấn càng mòn, kiến thức càng đầy đặn hơn. Nhưng ở đây hình ảnh phấn bay, bụi phấn bay, vùng phấn bay tạo ra một trường ám ảnh nhuộm xuống mái tóc của thầy “Phấn xưa đã kết thành mây trắng đầu”.
Mở đầu bài thơ là sự gặp lại thầy giáo sau ba mươi lăm năm “Hình như…Thầy chẳng khác xưa – Ba lăm năm trước…Thầy đưa qua đò”. Với những dấu chấm lửng (hình như…) và (ba lăm năm trước…) tạo ra tình huống ngập ngừng từ quan sát đến cảm nhận với nỗi niềm ấp úng trào dâng kính thương. Trong tâm trí và ký ức của người học trò hình ảnh thầy vẫn vẹn nguyên như xưa, như là một ước mong, một hoài niệm. Ở đây nhà thơ sáng tạo ra hình ảnh người lái đò (thầy giáo) và dòng sông (kiến thức) có lẽ bắt đầu từ truyền thống “Muốn sang thì bắc cầu Kiều – Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”.
Ở đây ám ảnh trắng: Phấn trắng, trang vở học trò trắng tinh, rồi mây, sương, gió trắng của thời tiết, thời gian và sông trắng sóng xô bao khắc nghiệt của cuộc sống đời thường đã nhuộm trắng mái tóc của thầy khi “Sông bao nhiêu nước…Sông gầy”. Hình ảnh “Sông gầy” gây một ấn tượng mạnh vào thị giác. Sông gầy nhưng không héo hon mà gầy bởi bù đắp phù sa, cho “Cánh đồng gieo chữ…Đợi ngày hoa non”. Hình ảnh “Hoa non” không mang một sắc màu rõ rệt mà chỉ phẩm hạnh sức sống trỗi dậy bên trong. Từ thị giác chuyển sang cấp độ cao hơn của thấu thị cảm giác trong sự non tơ nhú mầm trỗi dậy những trữ lượng của tình yêu cuộc sống tràn trề khát vọng với bao lứa học trò.
Có hai câu thơ trực tiếp nói về nghề nhà giáo bình dị, chân chất mà gợi bao liên tưởng xúc động: “Bao nhiêu viên phấn đã mòn – Bao nhiêu giáo án chẳng còn trẻ trung”. Viên phấn và giáo án được nhà thơ thổi vào cá thể sống, linh hồn sống. “Phấn mòn” là ước lệ của thời gian nhưng “Giáo án không còn trẻ trung” là nỗi niềm của thân phận. Một sự se thắt lòng từ hoa non đến phấn mòn. Một sự bù trừ cho và nhận mới hiểu hết công lao của người thầy lặng lẽ cống hiến: “Mây trôi về xứ vô cùng – Thương thầy ở lại một vùng phấn bay”. Trong lao động phân công của xã hội thì nghề thầy giáo thật cực nhọc cả về môi trường làm việc luôn tiếp cận với bụi phấn để thanh lọc thành những tri thức, bài giảng từ tâm huyết của mình chuyển tải đến bao lứa học trò cho những “trang đời xanh thẳm hôm nay”.
Bài thơ “Vùng phấn bay” viết theo thể lục bát. Sự vận động cảm xúc tuyến tính như một câu chuyện kể. Một hồi ức cảm động thủ thỉ, tâm tình mà trải qua bao cung bậc tâm trạng. Hình ảnh người thầy giáo cũ cứ ẩn hiện thấp thoáng nhưng mái tóc bạc màu bụi phấn thì ám ảnh lạ thường, hội tụ những nét đẹp tinh hoa. Bài học lớn nhất thầy truyền cho các em đó là đạo hiếu làm người khi bước ra với cuộc sống xã hội: “Sông đời bất chợt nông sâu – Học thầy em bắc chiếc cầu chữ Tâm”. Ta lại chợt đến câu thơ bất hủ trong truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du còn vẹn nguyên tính thời sự, lấp lánh minh triết cho hôm nay: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”...