Thy Sương
Hoa bưởi vườn cũ
(Với mẹ chồng… cũ)
Vườn nhà chồng cũ giờ chắc bưởi đã đầy hoa
Chỉ sợ xác rụng kín lối xưa làm xót lòng người tóc trắng
Mẹ chồng hay hái nấu nước cho dâu gội đầu rồi ghì lấy hít hà khen tóc con thơm lắm
Mẹ sẽ để dành cả tháng Giêng ấy phần con
Giờ xa
Chỉ đường này lối kia mà như cách biển ngăn non
Hoa bưởi thơm hương mẹ nhớ người dưng chắc lại trốn một mình cuối vườn mà khóc
Úp mặt vào tay thấy lòng như gió lùa qua rối bời bời đâu đây vạt tóc
Tháng Giêng đem trả hết cho trời
Hoa ơi
Thơm bao nhiêu hương mới qua hết một phận người
Người đi hết mấy đời hoa còn dang dở
Mẹ nấu nước cho khói lên hương để thỏa thuê cơn nhớ
Biết rồi thương đến tận những mùa sau
Chiều nay con buông tóc gội đầu
Bên vườn bưởi nhà lạ
Bật khóc gọi tên từng cánh hoa trắng rã
Rụng bơ vơ hun hút tháng Giêng dài
Mẹ ơi lối cũ bước gầy
Con không về qua ngõ xưa mẹ đừng ra ngóng nữa
Mỗi lần hoa bưởi thơm tháng Giêng tóc con lại rối đầy trời tan tác nhớ
Mang ơn mùi hương ấy con đi...
Ấy là sự “xót lòng của người tóc trắng” khi con dâu yêu quý ngày xưa giờ đã là con dâu cũ.
Ấy là hành vi chăm sóc gần gũi “mẹ chồng hay hái nấu nước cho dâu gội đầu rồi ghì lấy hít hà khen tóc con thơm lắm”.
Ấy là đoán định trong một sự chắc chắn của tình thương mến “mẹ sẽ để dành cả tháng Giêng ấy phần con”.
“Hoa bưởi vườn cũ” không trực tiếp nói về tình cảm con dâu mẹ chồng cũ nhưng câu chữ thì lại cứ ngời ngợi tình cảm gắn bó yêu thương ấy. Là nói bằng gián tiếp, nói bằng kỷ niệm qua một thi phẩm đẫm đặc cảm xúc và giàu thi ảnh.
Dĩ nhiên, những kỷ niệm đẹp ấy sống mãi trong kí ức của nhân vật trữ tình. Không thế, sao có được cái dự đoán có vẻ đoan chắc này: “Vườn nhà chồng cũ giờ chắc bưởi đã đầy hoa”?
Và chỉ một người thôi, lại vẫn trong đoán định đoan chắc ấy: “Chỉ sợ xác rụng kín lối xưa” chỉ tổ “làm xót lòng người tóc trắng”, nghe sao bồn chồn, ray rứt lạ. Cái tình thương yêu, sự cảm mến đã như đan chéo vào nhau, cái gì còn thì còn, cái gì không còn thì hẳn nhiên đã mất.
Hình ảnh hoa bưởi rụng đầy lối xưa làm xót lòng người mẹ chồng cũ gợi ra trùng điệp những lo lắng, ân cần mà hình ảnh “lối xưa” hoa bưởi đã có thể “rụng kín” che hết lối đi mất rồi.
Và thế là, kí ức nhân vật trữ tình là người con dâu cũ lại một lần nữa bùng lên đẹp và giàu lòng thương yêu gắn bó với người mẹ chồng cũ trìu mến vô cùng: “Mẹ chồng hay hái nấu nước cho dâu gội rồi ghì lấy hít hà khen tóc con thơm lắm/Mẹ sẽ để dành cả tháng Giêng ấy phần con”! Không còn khoảng cách con dâu mẹ chồng nữa rồi, mà y như là tình cảm mẹ con ruột! Vì nó thấm đẫm sự trân trọng, hết lòng. Tấm lòng người mẹ chồng cũ quả là quá lớn đã như ôm được, trùm phủ lấy hình tượng con người con dâu cũ “mẹ sẽ dành cả tháng Giêng ấy phần con”.
Đoạn thơ thứ hai, lại vẫn đoán định song, trên nền tảng thời khắc rõ nghĩa hơn, “giờ xa” là con với con trai của mẹ trên danh nghĩa không còn ràng buộc chi pháp lí chồng vợ nữa nhưng sao lời thơ lại nặng lòng đến vậy “chỉ đường này lối kia mà như cách biển ngăn non”? Rồi ý thơ lại xoáy vào tâm can mẹ “hoa bưởi thơm hương mẹ nhớ người dưng (là nhớ con dâu cũ của mẹ đó) chắc lại trốn một mình cuối vườn mà khóc”.
Sự đoan chắc ấy một lần nữa đầm đẫm chân dung tình cảm bao la của người mẹ chồng cũ. Mẹ khóc vì nhớ đứa con dâu mẹ từng thương yêu nó, và có lẽ mẹ cũng khóc cho mối tình của hai đứa nó giờ đây đã không còn.
Con trai mang về cho mẹ đứa con dâu thương mến nhưng rồi cũng chính nó đã quyết tâm chia lìa tình cảm ấy thì mẹ chỉ còn biết “trốn một mình cuối vườn mà khóc”. Giọt nước mắt của mẹ có sự xót thương, tiếc nuối.
Mẹ “úp mặt vào tay thấy lòng như gió lùa qua rối bời đâu đây vạt tóc” là một chuỗi những liên tưởng trong cảm thương của mẹ. Mẹ lại mường tượng ra đâu đây, mùa hương bưởi, làn mái tóc thơm hương người con dâu cũ của mẹ. Mẹ lại khóc. Nước mắt chân thành rỏ xuống đâu không chỉ ướt tấm lòng người con dâu cũ mà có thể còn đẫm ướt cả cảm xúc của độc giả lắng lòng cùng thi phẩm không chừng!
Trong cảm thức của mẹ, không còn con dâu cũ bên mẹ thì tháng Giêng với mẹ, vườn bưởi đẫm hương hoa kia cũng chỉ là hương hoa của thiên nhiên, của trời đất mà thôi “tháng Giêng đem trả hết cho trời”. Đã xót xa lại càng xa xót hơn! Từng lời thơ như cứa vào tâm can độc giả.
Dĩ nhiên, sau yêu thương đẫm đầy cảm xúc là suy tư ló dạng. Đối thoại với hoa cũng chính là độc thoại với mình, những câu thơ:
“Hoa ơi
Thơm bao nhiêu hương mới qua hết một phận người
Người đi hết mấy đời hoa còn dang dở
Mẹ nấu nước cho khói lên hương để thỏa thuê cơn nhớ
Biết rồi thương đến tận những mùa sau”.
Lời thơ vừa như bộc bạch vừa như cố đi tìm lời giải thích. Tấm lòng của mẹ là thế, mẹ mượn nồi nước nấu hương bưởi kia là để muốn gặp được hình ảnh con dâu cũ ngày nào cho “thỏa thuê cơn nhớ” đó thôi.
Ảnh minh họa: ITN. |
Nhưng, ở góc nhìn của người con dâu cũ thì sự nhớ mong đã vọt lên đỉnh điểm, trở thành một sự xúc động khó kìm hãm:
“Chiều nay con buông tóc gội đầu
Bên vườn bưởi nhà lạ
Bật khóc gọi tên từng cánh hoa trắng rã
Rụng bơ vơ hun hút tháng Giêng dài
Mẹ ơi lối cũ bước gầy
Con không về qua ngõ xưa mẹ đừng ra ngóng nữa
Mỗi lần hoa bưởi thơm tháng Giêng tóc con lại rối đầy trời tan tác nhớ
Mang ơn mùi hương ấy con đi...”.
Cao trào của bài thơ là ở đoạn thơ này, cũng là đoạn kết thúc bài. Vẫn gội đầu hương bưởi nhưng là hương bưởi của “vườn bưởi nhà lạ”, dấu hiệu của sự ngáng trở tình mẹ con xuất hiện thì nhân vật trữ tình sao không khỏi “bật khóc”? Hình ảnh “từng cánh hoa trắng rã” được gọi tên rồi “rụng bơ vơ hun hút tháng Giêng dài”, như dựng dậy y nguyên những kỷ niệm êm đềm ngày xưa con còn là dâu con của mẹ. Day dứt quá! Nặng lòng quá! Giọng nhân vật trữ tình như lạc đi và da diết hơn:
“Con không về qua ngõ xưa mẹ đừng ra ngóng nữa
Mỗi lần hoa bưởi thơm tháng Giêng tóc con lại rối đầy trời tan tác nhớ
Mang ơn mùi hương ấy con đi…”.
Nhân vật trữ tình nói với mẹ mà cũng như đang nói với lòng mình. Bởi thế, nỗi nhớ cứ cồn lên, da diết. Trên thì mẹ nhớ con, dưới thì con nhớ mẹ. Hai người phụ nữ nhớ nhau mà làm đau lòng độc giả. Và chính điều ấy đã tạo ra giá trị nhân văn cao đẹp cho bài thơ.
Do vậy, thi phẩm “Hoa bưởi vườn cũ” đã dựng nên được chân dung tình cảm của người mẹ chồng ngày nay rất độc đáo. Mẹ thương dâu con chẳng khác chi mẹ thương yêu con gái ruột của mẹ. Song, sự éo le đã không cho tình mẹ chồng con dâu được xuôi chèo mát mái. Một sự trớ trêu đã xảy ra khiến họ xa cách nhưng ở giữa vẫn đẫm đầy tình cảm yêu quý trân trọng nhau. Điều ấy há chẳng làm cho chúng ta rung theo nhịp đập tình thương yêu trìu mến của bài thơ?