Chị chú tâm trong việc cách tân câu chữ, song cái ấn tượng ở câu chữ của chị, theo chúng tôi thì đó là mảng thơ lục bát.
Nguyễn Thị Kim Lan
Biết
Biết ngồi yên sẽ xốn xang
em mang em cất lên hàng mây xuân
gió xông xổng và lần chần
xốn xang trở lại khi gần khi xa
xa thì đằng đẵng hằng hà
mới giêng thấp thỏm ngỡ là hết giêng
lặng phùn bỗng hóa huyên thuyên
lao xao nhẹ thở ở bên nhau đời
biết đi mỏi chẳng khỏi trời
ngày mang thư thả đến ngồi bên đêm
cầm anh tay lạnh ấp lên
hoa từ mùa hạnh giấu tên cất dành
biết là biết chẳng lòng đành
rũ sương mờ mịt thấu manh mong tà
áo li hương thoắt phôi pha
dãi dầu nỗi ấy cũng là nỗi nhau
biết ngày mai chẳng mãi lâu
em quày quả khỏi giấc sâu mộng dài
trong cùng tận buốt ai hoài
luồn anh sợi chỉ cổ tay ấm niềm
Lục bát Kim có cái hoạt náo va đập của chữ nghĩa, có cái râm ran bứt rứt của cách gieo vần, có cái nhào lộn tung hoành của sự xếp đặt. Nên đọc lục bát Kim vừa có cái êm đềm của truyền thống lại vừa có cái xốc nảy của kiểu xe ngựa chực hất tung người lên theo lối cách tân. “biết” là một bài lục bát như thế.
“Xốn xang” nỗi lòng ngay từ khổ thơ đầu:
“Biết ngồi yên sẽ xốn xang
em mang em cất lên hàng mây xuân
gió xông xổng và lần chần
xốn xang trở lại khi gần khi xa…”
Biết là “ngồi yên” sẽ chẳng xong, tác giả đã cố tình mượn hình ảnh ẩn dụ “cất lên hàng mây xuân” để cho nhân vật trữ tình “em” chạy trốn sự xôn xao chăng?
Trốn ai? Trốn mình, trốn cái thổn thức sẽ thức dậy lay mình, gọi mình… Nhưng chạy trốn rồi thì liệu có yên không?
Cất mình trên “hàng mây xuân” thì sao có thể trốn mãi được. Là bởi hình ảnh “mây xuân” tưởng cao mà thấp, tưởng xa mà gần. Vì ở đó “gió xông xổng và lần chần” như là cứ chực ngóc đầu dậy nhắc nhân vật trữ tình “em” sẽ “xốn xang trở lại khi gần khi xa”.
Lời thơ như điệu nhạc, bập bùng và dập dồn. Lòng thức dậy và ánh mắt xuân kia đã trở lại “khi gần khi xa” là cũng phải. Khó có thể khác. Một sự mở đầu đầy những “xốn xang” và không kém phần rạo rực…
Thế là, đến đoạn hai “mâu thuẫn” xuất hiện. Sự “mâu thuẫn” ấy cốt yếu giải thích cho cái mong ngóng đâu đó đang nhăm nhe bùng dậy:
“xa thì đằng đẵng hằng hà
mới giêng thấp thỏm ngỡ là hết giêng”
Câu thơ gieo ý tưởng nhẹ mơ hồ mà cảm thức thời gian thì vùn vụt là nhờ hai cụm từ “thấp thỏm” và “ngỡ là” đặt liền nhau. Nên tâm trạng ấy mượn cái mưa phùn của trời đất để gửi gắm tâm tư: “lặng phùn bỗng hoá huyên thuyên/ lao xao nhẹ thở ở bên nhau đời”.
Đọc “biết” mới thấy thơ Kim câu chữ luôn luôn nhấp nhổm, chị dồn quá nhiều trạng thái cảm xúc vào bài thơ, lắm lúc chữ nghĩa cứ vun vút lao qua tưởng thật khó nắm bắt mà rồi lại cứ vẫn hiển hiện song quy cũng bởi sự thúc bách của tâm hồn phải nói ra bằng con chữ đó thôi.
Sau những ồ ạt của sóng tình thì chợt thấy lóe lên sự góp mặt của lí trí:
“biết đi mỏi chẳng khỏi trời
ngày mang thư thả đến ngồi bên đêm
cầm anh tay lạnh ấp lên
hoa từ mùa hạnh giấu tên cất dành”
Một chút từng trải để cho lời hứa hẹn chung thủy bật lên. Chầm chậm thôi mà tha thiết nồng nàn. Sự đảo ngữ “cầm anh tay lạnh” mang đến một cảm giác là lạ của chiêm nghiệm vỗ về “hoa từ mùa hạnh giấu tên cất dành”. Câu chữ trầm lại, nhịp chậm là để cho sự dồn ứ bao lâu cất tiếng. Hứa hẹn một sự ào ạt sẽ đến.
Một chút chen ngang thấu cảm sự đời: “biết là biết chẳng lòng đành/ rũ sương mờ mịt thấu manh mong tà”. Bóng dáng thời gian lại trồi lên vun vút. Biết cái chênh chao đó mà vẫn cứ miệt mài gần gũi đó. Giằng xé thì muôn đời vẫn là giằng xé.
Thêm hô ngữ xuất hiện “biết là biết” càng làm cho sự thấu cảm kia mang màu sắc của sự thảng thốt, để rồi vỡ òa ra bao nhiêu tâm trạng: “áo li hương thoắt phôi pha/dãi dầu nỗi ấy cũng là nỗi nhau”. Có thể “li hương” như chiếc áo, cởi bỏ dễ không khi sự “dãi dầu” đã thấm vào tận cùng tâm khảm? Không hiểu nhau thì sao có thể thốt lên “dãi dầu nỗi ấy cũng là nỗi nhau”? Do đó, nỗi niềm “dãi dầu” do “li hương” kia đâu còn là nỗi niềm riêng tư mang màu sắc cá nhân? Nó đã thấm vào sự chia sẻ và cả sự đồng cảm với nhau rồi. Thơ vẫn im im mà đầy hứa hẹn. Bật tung chăng?
Lại vẫn “biết” của sự nối dài tâm tư, lí trí vẫn hiện diện mà nghe chừng như muốn đổ ập vào bao nhiêu là cảm xúc: “biết ngày mai chẳng mãi lâu/em quày quả khỏi giấc sâu mộng dài”. Một sự vụt thức không muốn cho giấc mộng ảo che mờ nhưng vẫn không tránh khỏi cảm giác “buốt” lạnh khi “em” đã đi đến tận cùng nhớ mong, tận cùng trải nghiệm.
Cảm xúc vén màn lặng im cho lí trí vùng dậy. Song, mọi cái chỉ là cảm thức mơ hồ chen lấn sao tránh khỏi âu lo vẫn còn mờ mịt? Phải vậy chăng mà hy vọng đã hiện hình, lời thơ tung ra sự ấm áp là lạ tươi vui “luồn anh sợi chỉ cổ tay ấm niềm”.
Cuối cùng thì qua bao co giãn lo âu dồn nhân vật trữ tình vào những cung bậc cảm giác phập phồng, câu chữ lại cứ vẫn ăm ắp niềm tin yêu, sự chung thủy đã sáng lên ở cuối bài, xua đi mọi khắc khoải. Ào ạt đã hiện ra hình hài yêu thương đằm dịu. Ánh sáng cuối đường hầm cho những tâm hồn chân thành quả quyết! Mừng thay!
Thơ lục bát Nguyễn Thị Kim Lan có cái xếp đặt đầy chủ ý về câu chữ, nghe như âm thanh va đập kiểu xóc đĩa nhưng đọc lên vẫn xuôi chiều. Lạ nhưng không gắt, đủ cho người ta ấn tượng để thỏa thuê con chữ. Ý ngoan ngoãn xếp vào khuôn vần nên có đôi chỗ tưởng xộc xệch mà vẫn thuận tai, không làm mất đi sự êm ái truyền thống của thể lục bát.
Những cặp từ láy chị đặt đúng chỗ nên câu chữ cựa quậy, rất có hồn, diễn tả rất hay nhiều trạng thái tâm lí cảm thức của tình yêu. Con chữ ấy cứ chực phập phồng lên trong từng đoạn thơ đủ cho chúng ta tin yêu rằng cuộc đời này vẫn luôn có những tình yêu dám đi dám đến.