Nguyễn Đình Thi
Ngày về
Hà Nội chiều nay mưa tầm tã
Ta lại về đây với phố xưa
Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá
Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa
Ta nhìn hai mắt ta nhìn mãi
Lòng ta như lửa đốt dầu sôi
Nằm lại những chân rừng đầu núi
Hôm nay bao đồng chí đâu rồi
Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt
Leng keng chuông xe điện đổ hồi
Lòng ta bỗng như dòng suối mát
Ta đã về đây, Hà Nội ơi!
Em Hà Nội má em ửng đỏ
Áo hoa em cất tự bao giờ
Góc phố bờ tường bao máu đổ
Còn tươi nguyên như những lá cờ
Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán
Ta lại xây Hà Nội của ta.
Sau những náo nức tưng bừng của cờ hoa rực đỏ phố phường, sau những hân hoan chào đón của nhân dân Thủ đô với bộ đội Cụ Hồ trở về sau 9 năm kháng chiến, nhà thơ lặng đi phút giây khi hồi tưởng lại những ký ức, những tháng năm chiến đấu với bao mất mát hy sinh để có những phút giây huy hoàng với niềm vui trào dâng như hôm nay.
Đó là nốt trầm sâu lắng của bản giao hưởng dạt dào trong lòng người nhạc sĩ tài hoa này.
“Ngày về” chính là một khúc biến tấu hòa thanh chứa chan bao cung bậc cảm xúc sâu lắng, bắt đầu từ cơn mưa chiều Hà Nội chứ không phải nắng Thu vàng rực rỡ. Âm thanh mưa, giăng mắc mưa, mát lạnh mưa và cả tầm tã mưa trong một không gian văn hóa lịch sử thiêng liêng của hồ Gươm, Tháp Rùa:
“Nước hồ Gươm sao xanh dịu quá
Tháp Rùa rơi lệ cười trong mưa”
Hai cung bậc cảm xúc bất chợt đến đan xen buồn vui thảng thốt. Một Tháp Rùa rơi lệ “cười trong mưa” trầm ngâm, trầm mặc”; một hồ Gươm nước xanh đến nao lòng. Nhà thơ bồi hồi nhớ lại:
“Nằm lại những chân rừng đầu núi
Hôm nay bao đồng chí đâu rồi”
Một câu hỏi tự vấn xót xa khi: “Lòng ta như lửa đốt dầu sôi”. Đó như là một nghĩa cử nhân ái, nhân tình, nhân văn, một sự biết ơn bao hàm nghĩa.
Ảnh minh họa. |
Cơn mưa chiều Hà Nội trong trời Thu tháng 10 là cơn mưa ân nghĩa đã làm mát lòng người lúc “lửa đốt dầu sôi” khi nghĩ về bao đồng đội đã ngã xuống không có mặt trong ngày giải phóng Thủ đô hôm nay. Thật bất ngờ khổ thơ chuyển tiếp là hình ảnh: “Ta đứng khóc giữa trời mưa hắt/Leng keng chuông xe điện đổ hồi”.
Thì ra, cơn mưa như một tấm áo choàng thân thiết và nhà thơ bỗng hồn nhiên như trẻ nhỏ trong hồi âm của tiếng chuông xe điện. Đó cũng là những âm thanh trong trẻo của cuộc sống mới hồi sinh hòa bình. Tiếng chuông đánh thức dậy bao kí ức một thời mà “Ngày về” hôm nay đã được chứng kiến, được hồi âm, được đồng hành.
Giai điệu của “Ngày về” bỗng ngân lên dào dạt với niềm hứng khởi mới như một tiếng reo ca “Ta đã về đây Hà Nội ơi”. Ta đã về đây, về với 36 phố phường, về với Hà Nội hào hoa.
Trước đó 9 năm, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” giành giật từng góc đường, ngõ phố. Đại từ “ta” như tự vấn, độc thoại, đối thoại với chính mình và hòa chung với âm vang ngày giải phóng. Nhà thơ gọi tên: “Em Hà Nội má em ửng đỏ” thật thân thương trìu mến, giao cảm thiết tha.
Một chi tiết nhỏ mà gây xúc động lòng người: “Áo hoa em cất tự bao giờ”. Nhà thơ không vẽ nên không khí tưng bừng ngày giải phóng Thủ đô mà chỉ vài sắc màu tươi đỏ, tươi tắn màu của áo hoa cũng đã ngời sáng lên, rực rỡ lên. Từ “Má em ửng đỏ” đến màu áo hoa và cả “Còn tươi nguyên của những lá cờ” tung bay trên: “Góc phố bờ tường bao máu đổ”. Đây là khúc hát ngày về với bao thăng giáng, bao tâm trạng, bao sẻ chia.
Khổ thơ cuối khép lại nhưng chính là mở ra – mở ra bao khát vọng dựng xây Thủ đô “đàng hoàng hơn to đẹp hơn”. Đó cũng chính là khúc vĩ thanh thật hào hùng khi:
“Từ khắp bốn phương trời lửa đạn
Đàn con về sau những năm xa
Cởi súng gạt mồ hôi trên trán”
Một hình ảnh thật đẹp, thật khỏe, thật tươi. Đó là động thái “cởi súng” và “gạt mồ hôi” thật bình dị hồn hậu mà mang bao khí chất đã tạo ra dự âm, dư ba ngân xa vang vọng của “Ngày về”, ngày mới hướng tới tương lai tươi đẹp: “Ta lại xây Hà Nội của ta”.