Đến với bài thơ hay: Không gian tâm tình vào Thu

GD&TĐ - Một thiên nhiên Thu như được ống kính tâm hồn thu lại cận cảnh vừa đặc trưng mà xôn xao bao tâm tình giao cảm...

Ảnh minh họa: ITN.
Ảnh minh họa: ITN.

Nguyễn Tuệ Nhi

Mùa Thu em yêu

Gió Thu đến nhẹ nhàng

Thoảng đưa hương cốm mới

Bầu trời xanh vời vợi

Nắng vàng theo chân em.

Ôi mùa Thu dịu êm!

Cánh màn sương giăng mỏng

Ổi ngoài vườn chín mọng

Hồng ửng đỏ hây hây!

Mùi hoa sữa đâu đây

Cây bàng mùa trút lá

Ve đi xa cùng Hạ

Bác trống trường ngân vang.

Mùa Thu nay đã sang

Ngày tựu trường mong đợi

Đón chào năm học mới

Em ước ao bao điều!

Ơi mùa Thu em yêu!

Đêm trăng tròn sáng tỏ

Em rước đèn, phá cỗ

Ngắm chú Cuội, chị Hằng.

Mùa đẹp nhất trong năm!

Nắng tỏa vàng rực rỡ

Heo may lùa khung cửa

Ru em vào mùa Thu!

Là cô giáo dạy tiểu học nên tác giả Nguyễn Tuệ Nhi có sự nắm bắt khá nhạy tâm lý của trẻ thơ. Đặc biệt, khi “hóa thân” thành trẻ nhỏ trong bài “Mùa Thu em yêu”, phát sóng “ăng ten” thơ của chị thu nhận những tín hiệu rất riêng qua cái nhìn và cảm thụ thật hồn nhiên và tươi tắn của trẻ thơ.

Mở đầu bài thơ, tác giả mở ra không gian vào Thu rất gợi, có cả hương vị và sắc màu. Hình ảnh gió được miêu tả thật sinh động phù hợp với sự hiếu động của trẻ thơ. Bắt đầu từ gió để từ đó tỏa rộng lan xa như bước chân các em khám phá thế giới mới xung quanh.

Gió Thu “Thoảng đưa hương cốm mới”; rồi bầu trời thì “xanh vời vợi” và “nắng vàng” cũng nhí nhảnh hiếu động theo bước chân em.

Khúc biến tấu của mùa Thu dẫn dắt đến vườn, đến hoa, đến quả. Quả hồng trong vườn Thu là loại quả đặc trưng được xếp trong mâm cỗ Trung thu; và hồng cùng chuối là hai loại quả ăn kèm với cốm, món ẩm thực dân dã rất riêng của mùa Thu.

Ở đây, ta chú ý gió Thu thì nhẹ nhàng và Thu “dịu êm” từ “Cánh màn sương giăng mỏng”. Đây là cảm giác Thu với các em tất cả đều nhẹ nhàng bay bổng. Câu thơ “Hồng ửng đỏ hây hây!” gợi cho ta đôi má hồng bầu bĩnh rất đáng yêu của trẻ. Không gian Thu cứ thế lan tỏa:

“Mùi hoa sữa đâu đây

Cây bàng mùa trút lá”.

Hoa sữa là loài hoa nở khi Thu về có hương thơm nồng nàn, quyến rũ. Cây bàng hay được trồng ở sân trường cũng bước vào “mùa trút lá”. Một thiên nhiên Thu như được ống kính tâm hồn thu lại cận cảnh vừa đặc trưng mà xôn xao bao tâm tình giao cảm khi “Ve đi xa cùng Hạ” nuối tiếc mơ hồ.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Tác giả khá tinh tế khi nói “Ve đi xa” như một người bạn tâm tình sẽ có ngày trở lại. Đồng thời còn có sự lắng lại dư âm để dòng âm thanh nói về thời gian dịch chuyển khi “Bác trống trường ngân vang”.

Chỉ một sự nhân hóa “Bác trống trường” mà gợi bao sự trìu mến thân thương gần gũi. Và cũng chỉ có những thầy cô gắn bó với mái trường với tiếng trống điểm nhịp thời gian mới có sự gọi tên với bao sự trân trọng trìu mến.

Những câu thơ giao mùa từ Hạ sang Thu này khá hay, như một bức tranh chỉ vài nét cọ điểm xuyết với gam màu ấm đã gợi lên bao náo nức trong lòng các em.

Mùa Thu cũng là mùa tựu trường, là thời khắc đón chờ mong đợi của bao học sinh sau kỳ nghỉ Hè. Chuyển động cảm xúc bài thơ tuyến tính theo thời gian vào năm học mới rồi đến Tết Trung thu để thốt lên “Ơi mùa Thu em yêu!”. Đây là điểm nhấn cao trào cảm xúc khi nhân vật trữ tình reo lên khấp khởi, trong lòng hồ hởi đón:

“Đêm trăng tròn sáng tỏ

Em rước đèn, phá cỗ

Ngắm chú Cuội, chị Hằng”

Cứ thế, nhịp thơ tâm tình đưa ta đi qua cảm giác mùa, chuyển dịch mùa để đến với niềm vui trẻ thơ chia sẻ, đồng hành cùng các em. Một Trung thu rộn ràng qua những nét chấm phá gợi mở mang lại cho mùa Thu của em bao sắc thái mới.

Nhịp thơ 5 chữ tạo ra nhịp điệu như bước nhảy hồn nhiên vừa tưng bừng náo nức lại vừa xao xuyến bay bổng. Một sự giao cảm đồng hành với thiên nhiên với một bức tranh mùa Thu có bao sắc màu, âm thanh để khẳng định rằng đây là: Mùa đẹp nhất trong năm.

Tôi có cảm giác, cây bút này lúc hóa thân thành trẻ nhỏ lúc tách mình để quan sát, cả hai đều giao hòa cộng hưởng để cùng chung tần số yêu thương, yêu thiên nhiên, yêu mái trường, thầy cô, bè bạn.

Những nốt nhạc hình ảnh thơ trong veo như hạt sương long lanh kết chuỗi thành vòng cườm ngọc khoác lên ngực áo Thu một vẻ đẹp hòa đồng nhân ái. Khổ thơ cuối khép lại hình ảnh thiên nhiên:

“Nắng tỏa vàng rực rỡ - Heo may lùa khung cửa” nhưng để mở ra một không gian tâm tình mới, một giao cảm mới với bao đón đợi mới mẻ khi “Ru em vào mùa Thu!”

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.