Trước khi làm người yêu của anh
Tôi đã là một cây đèn điện
Người ta đem đặt giữa công viên
Soi sáng cho những cặp tình nhân
Từng đêm rồi từng đêm
Nó cứ đổ ánh sáng xuống
Thật gần - thật gần
Để thấy rõ trong đôi mắt người thiếu nữ
Những đợt sóng ngọt ngào
Rồi nó lại đổ ánh sáng
Trên khuôn mặt người thanh niên
Để thấy trên ấy muôn vàn mũi tên tẩm độc
Cây đèn điện bỗng dưng bật khóc
Nó đổ nước mắt xuống mặt đường
Vàng vọt - Đau thương
Cây đèn điện ngậm ngùi rồi vụt tắt
Và tôi trở thành tôi
Người tình duy nhất
Đứng dưới cột đèn điện - không phải của mình
Tôi bàng hoàng ném xuống đất một bài thơ
Nghe nỗi buồn rưng rưng chạy vào xương tủy.
Đặng Thị Thanh Liễu
Lời bình của Đặng Toán
Những câu mở đầu khá thú vị mang vẻ đẹp lãng mạn đúng với phong vị một câu chuyện cổ: “Trước khi làm người yêu của anh/ Tôi đã là một cây đèn điện/ Người ta đem đặt giữa công viên/ Soi sáng cho những cặp tình nhân”. Bởi được triển khai như vậy cho nên cách ví von của tác giả không gợn một chút khiên cưỡng nào.
Điều gây bất ngờ chính là ở những gì cây đèn điện được chứng kiến từng đêm, từng đêm nơi công viên có các đôi lứa đang yêu nhau: “Trong đôi mắt người thiếu nữ/ Những đợt sóng ngọt ngào.../ Trên khuôn mặt người thanh niên/ ...muôn vàn mũi tên tẩm độc”.
Đáng sợ quá. Hai hình ảnh đối lập “những đợt sóng ngọt ngào” và “muôn vàn mũi tên tẩm độc” mang đầy tính biểu cảm được đặt cạnh nhau, không chỉ khiến “cây đèn điện” không biết làm gì đành “bật khóc”, mà nó còn làm người đọc phải bất giác rùng mình ớn lạnh.
Và khi những làn ánh sáng mà giờ đây đã trở thành những dòng nước mắt “vàng vọt - đau thương” của nó đổ xuống thì điều thần kỳ trong cổ tích đã xảy ra: “Cây đèn điện ngậm ngùi rồi vụt tắt/ Và tôi trở thành tôi”.
Phải chăng chính những giọt nước mắt kia đã “hóa kiếp” để cây đèn điện khỏi phải chứng kiến thêm bao điều giả dối nơi cõi con người? Nhưng hóa ra không phải vậy.
Lại thêm điều bất ngờ nữa. Vừa kịp thoát khỏi hình hài cây đèn điện để trở thành “tôi” thì ngay lập tức cây đèn điện, mà giờ đây là “tôi”, là tác giả lại trở thành “người tình duy nhất” của nhân vật “anh”.
Dù biết mười mươi sự thật, nhân vật “tôi” lại vẫn cùng người yêu hẹn hò dưới cột đèn điện nơi công viên để rồi “bàng hoàng ném xuống đất một bài thơ/ mà nghe nỗi buồn rưng rưng chạy vào xương tủy”.
Hai câu thơ cuối có lẽ là hay nhất và ám ảnh nhất trong bài. Nghịch lý của cuộc sống nói chung, của tình yêu nói riêng chính là ở chỗ này.
Biết hết sự thật phũ phàng, biết sẽ phải chịu đau khổ mà vẫn không tài nào tránh được, nếu không muốn nói là tự nguyện dấn thân vào.
Bài thơ mang hơi hướng hoang đường song lại hết sức gần gụi như một sự thật hiển nhiên. Và chính vậy nó mới thực sự phản ánh được những phức tạp của tình yêu, của cuộc sống.