Đến với bài thơ hay: Bóng

GD&TĐ - Mọi sự vật sinh ra trên trái đất này, dưới ánh sáng của thiên nhiên và ánh sáng nhân tạo, đều sinh ra bóng và bóng đã như một bức ảnh ảo của hình.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Em về đổ bóng lại tôi

Bóng em ẩn khuất, bóng tôi nhập nhòa

Vô tình kẻ lại người qua

Bóng tôi - em - bóng người ta lẫn rồi!

Chín tầng trời khéo trêu ngươi

Bóng tôi - em - lẫn bóng người vào nhau.

Nguyễn Thị Bình

Lời bình của Trần Thanh Xuân

Cái ảo và cái thực này luôn luôn gắn bó bên nhau, trừ khi gặp đêm tối thì bóng lặn vào hình. Hình nào thì bóng ấy, cho nên ca dao xưa đã có câu:

“Người xinh cái bóng cũng xinh.

Người giòn cái tỉnh tình tinh cũng giòn”.

Như vậy, bóng trong thơ ca nghệ thuật, không phải là cái bóng ảo mà mang nghĩa rộng hơn nhiều. Bóng ở đây là hình ảnh ẩn dụ để nói về một điều gì đó, thuộc về một con người nào đó.

Trong bài thơ “Bóng” của Nguyễn Thị Bình là chiếc bóng chen ngang làm tan vỡ hạnh phúc lứa đôi.

Đã sinh ra là kiếp con người, không ai là không nếm trải hương thơm, sắc thắm và vị ngọt của tình yêu lứa đôi. Sau buổi hẹn hò gặp gỡ ban đầu “nỉ non dưới bóng tre bóng nứa”, trong cái đêm gió mát trăng thanh, ở chốn đồng quê, hoặc nơi danh lam thắng cảnh, với “nước biếc non xanh”, ghềnh sôi thác réo, trong tiếng chim mách lẻo bên khóm hoa trăm sắc ngàn màu, khi tạm chia xa, chân bước đi mắt còn ngoảnh lại, để cho hình bóng còn lặn mãi vào trong nhau.

Nói về cái “giây phút ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ mấy ai quên”, nữ thi sĩ đã dùng hình ảnh “đổ bóng”, đầy sáng tạo:

“Em về đổ bóng lại tôi

Bóng em ẩn khuất bóng tôi nhập nhòa”.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ này là chàng trai, đã cất lên tiếng nói ban đầu chứa chan hạnh phúc. Trong tâm cảm của chàng, bóng người tình còn khi ẩn, khi hiện quấn quýt bên nhau, nhập nhòa trộn lẫn vào nhau như trong một giấc mộng đẹp hoa bướm say sưa vậy.

Từ “đổ bóng”, trong trường hợp này cũng không dùng để nói cái bóng ảo vốn sinh ra từ hình kia; mà nói lên cả gương mặt rạng rỡ xinh tươi, nụ cười đằm thắm. lời nói duyên dáng ý nhị của người bạn gái cùng với tình cảm chủ động, tha thiết, đắm say của nàng dành cho mình từ buổi ban đầu.

Nhưng tình yêu đâu chỉ là mật ngọt mà nhiều khi còn lẫn vào mật đắng, dành để cho nhau. Bởi vì dòng đời vốn éo le như con sông đôi dòng tuôn chảy: Bên lở bên bồi, bên trong bên đục. Ngay đến cả con sông mang tên của tình thương thế mà vẫn không tránh khỏi sự đối lập giữa đôi bờ:

“Sông Thương nước chảy đôi dòng

Đèn khêu đôi ngọn em trông ngọn nào?”.

Vì mật đắng đã rơi lẫn vào mật ngọt, nên giọng thơ đang từ chỗ hồ hởi phô bày, bỗng đột ngột chuyển thành lời than thở:

“Vô tình kẻ lại người qua

Bóng tôi – em - bóng người ta lẫn rồi!”.

“Bóng người ta lẫn rồi!”. Lời thở than bật lên chao chát, làm não lòng người, thể hiện sự bâng khuâng mất mát vì hạnh phúc đẹp như hoa, giờ đây không còn nữa. Trong chuyện này, cái bóng nào là kẻ có tội?

Những bóng người vô tình lại qua là chuyện tất nhiên rồi, nhưng cái bóng thứ ba chen ngang vào giữa đôi bóng đã từng gắn bó, không phải là chuyện vô tình mà là hành động của những kẻ luôn luôn rình rập để phá hoại hạnh phúc của người khác.

Trong hành trình đi tới bến bờ hạnh phúc, có khi do chàng trai đã đánh mất niềm tin yêu ban đầu mà cô gái gửi trao. Nhưng cũng có khi do cô gái coi tình yêu thiêng liêng là một thứ trò đùa, đứng núi này trông núi nọ, nên đã để cho chiếc bóng “người ta” có cơ hội chen ngang.

Tình cảnh bướm phải lìa hoa này, không phải do bóng của chàng trai gây nên mà là do cái bóng của cô gái, chứ không phải bóng ai khác nữa. Không ghìm được nỗi tuyệt vọng trong lòng mình, chàng trai đã lên tiếng oán trách trời cao:

“Chín tầng trời khéo trêu ngươi

Bóng tôi - em - lẫn bóng người vào nhau!”.

Nhưng trời thì ở tận cõi cao xa, biết chi chuyện đời! Chẳng qua đây chỉ là một tiếng kêu cho vơi nỗi uất hận, khi phải nhìn cái bóng tàn ác kia chà đạp lên hạnh phúc đẹp đẽ của mình.

Cuộc tình tay ba, âu cũng là chuyện không hiếm hoi gì trong cuộc sống phù hoa, nhất là vào thời mở cửa, khi mà có biết bao thứ cám dỗ mới lạ, làm cho cái “lô cốt thủy chung” truyền thống luôn luôn bị lung lay.

Nhiều mối tình buổi ban đầu đẹp như giấc mộng, đã bị tan vỡ bởi những kẻ nhẫn tâm tìm cách chen ngang phá hoại hạnh phúc của người khác.

Mong sao đôi lứa đi vào tình yêu hạnh phúc hôm nay, không chỉ là hai cái hình, hoặc hai cái bóng, song song tồn tại bên nhau mà phải có sự gắn bó làm một bên nhau như hình với bóng.

Chỉ với sáu câu thơ, viết theo thể lục bát, nữ thi sĩ đã khái quát được một trong những nguyên nhân sâu xa làm cho tình yêu lứa đôi bị tan vỡ, qua đó mà gián tiếp chia sẻ với những người bị phụ bạc và lên án những kẻ thiếu thủy chung. Đây là tiếng nói của một tấm lòng đầy nhân hậu qua hình tượng thơ độc đáo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ