Đến với bài thơ hay: Van gió

GD&TĐ - Nếu chuyện quên quên, nhớ nhớ của bậc sinh thành đã làm chúng ta phải ngậm ngùi, thì hiện trạng già cả, ốm yếu ở họ, càng khiến các con thêm phần xa xót.

Ảnh minh họa/INT.
Ảnh minh họa/INT.

Nghe buồng chuối chín, sương lay

Chuối thơm mà mắt con đầy bão giông

Nặng tay mẹ lá trầu không

Và, vôi trắng nữa chẳng nồng trên môi

Chuyện gần, mẹ dặn xa xôi...

Chuyện xa xôi, mẹ ngậm ngùi, hôm nay

Vườn đêm, gió mạnh lay cây

Con van gió nhẹ những giây qua vườn...

Vũ Thị Huyền

Lời bình của Đặng Toán

Cha mẹ của chúng ta, ai rồi cũng sẽ phải đến lúc già yếu và lẫn cẫn, giống hình ảnh người mẹ trong “Van gió” của Vũ Thị Huyền: “Nặng tay mẹ lá trầu không/Và, vôi trắng nữa chẳng nồng trên môi/Chuyện gần, mẹ dặn xa xôi.../Chuyện xa xôi, mẹ ngậm ngùi, hôm nay”.

Nếu chuyện quên quên, nhớ nhớ của bậc sinh thành đã làm chúng ta phải ngậm ngùi, thì hiện trạng già cả, ốm yếu ở họ, càng khiến các con thêm phần xa xót. “Nặng tay mẹ lá trầu không/ Và vôi trắng nữa chẳng nồng trên môi”. Vũ Thị Huyền đã sử dụng lối thậm xưng trong hình ảnh thơ này.

Cảm giác lá trầu không mỏng mảnh bỗng “nặng trên tay mẹ”, cảm giác hàm răng mẹ đã yếu lắm, đã không còn đủ sức làm cho miếng trầu “nồng trên môi” như những ngày xưa được nữa, thì không phải người con nào cũng dễ dàng nhận ra. Phải quan sát, quan tâm lắm, phải có tình yêu thương chan chứa lắm, tác giả mới để tâm đến cả chi tiết nhỏ nhất liên quan đến sức khỏe, đến tâm trạng người mẹ của mình.

Chắc nhiều người đã được nghe câu ca: “Mẹ già như chuối chín cây...”. Một cách ví von thật gần gũi, dân dã và nhiều ám ảnh. Ở tác phẩm của mình, Vũ Thị Huyền không chỉ cụ thể hóa “buồng chuối chín” bằng giác quan mà còn dùng tới cả khứu giác để cảm nhận. Chuối đã có mùi thơm tức là chuối chín lắm rồi. Mẹ cũng như vậy, đã già cả lắm rồi, sẽ “rụng” về miền sương khói bất cứ khi nào.

“Vườn đêm, gió mạnh lay cây

Con van gió nhẹ những giây qua vườn...”.

Ở đầu bài thơ, mới chỉ “Nghe buồng chuối chín, sương lay” thôi, tác giả đã thảng thốt, đã hốt hoảng tới mức “mắt con đầy bão giông”. Đến cuối bài, những tác động từ ngoại cảnh dù rõ rệt hơn, nhiều và lớn hơn “gió mạnh lay cây”, thì người con, bằng tình yêu thương, lòng hiếu thảo của mình, đã có sự chủ động, có hành động cụ thể, thiết thực: “Con van gió nhẹ những giây qua vườn”.

Hẳn Vũ Thị Huyền đã học theo cách của người xưa: “Đố ai quét sạch lá rừng/ Để ta khuyên gió, gió đừng rung cây”. Và chắc mọi người cũng biết, đấy chỉ là một cách nói trong văn học. Ai mà lại có quyền năng khuyên hay van được gió làm theo ý muốn của mình?

Điều tác giả muốn nhắn gửi tới người đọc là hãy biết chấp nhận quy luật của tạo hóa. Chấp nhận nhưng không buông xuôi, không vô tâm, vô cảm. Hãy hành động bằng những việc làm cụ thể, thiết thực để quy luật đó diễn ra trong một không gian chan chứa yêu thương và nhân ái.

Bài thơ nhỏ mà chứa đựng tình cảm sâu nặng. Tôi thích nhan đề “Van gió”. Van chứ không phải xin. Từ van nghe vừa lâm li vừa có độ nhẫn hơn, rất phù hợp với nội dung cũng như tình cảm trong toàn bài. Và đó là điều đáng ghi nhận nữa trong sáng tác của nhà thơ đất Cảng Vũ Thị Huyền.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.