Nhà thơ Hữu Thỉnh là người có nhiều thành công viết về đề tài người lính. Ông cũng là tác giả của trường ca “Biển” như một bản giao hưởng dào dạt cuộn sóng trên biển Đông.
Hữu Thỉnh
Căn hộ biển
(Thân tặng các chiến sĩ Trường Sa)
Quây đại dương làm một căn hộ lính
lát biển làm sân
kê gió làm thềm
mây đến treo tranh lồng tứ hải
thủy triều đưa võng cõng trăng lên
Quây vô tận làm một căn hộ biển
lính đảo canh gần cơn bão xa
nhận mặt ngày đang tới
ngắm lưng ngày đang qua
ngắm bất trắc vần vụ
ngẫm tình nghĩa nhạt nhòa
chao chân trên thế sự
vừa hay nhận tin nhà
Quây thử thách làm một căn hộ thép
bốn bề chật chội tuổi thanh xuân
thở cùng nhịp biển, nghe trăng quẫy
xuân mới loi thoi, én liệng gần.
Thơ ông nhiều trực cảm, sâu sắc giàu suy tưởng đã khái quát thành những ý tưởng để từ đó thổn thức và lan tỏa cộng hưởng với bao đồng cảm, bao sẻ chia, bao lắng đọng. Nhà thơ đã định vị vững chắc một “Căn hộ biển” như một cột mốc thép cắm xuống biển khơi, quy tụ và sum suê, ấm áp một nét thân quen của quê nhà, của ngàn đời thôn Việt.
Tứ thơ vững chãi qua những trục cảm xúc bắt đầu từ “quây đại dương” đến “quây vô tận” và “quây thử thách”. Câu thơ như neo lại, như thẳm sâu mà cứ nâng dần lên từ cụ thể đến khái quát qua góc nhìn, góc cảm của một người lính, người trong cuộc. Bắt đầu từ “Quây đại dương làm một căn hộ biển”, từ “quây” vừa thôn dã lại có gì gần gũi ôm trọn vòng tay vừa thân thiết đồng lòng.
Vật liệu “Căn hộ biển” này cũng rất đặc biệt:
“lát biển làm sân
kê gió làm thềm”.
Hữu Thỉnh rất tài hoa linh hoạt chuyển đổi từ ảo sang thật, từ mộng mơ sang hiện tại. Tần số tâm tình luôn thường trực trong ông khi:
“mây đến treo tranh lồng tứ hải
thủy triều đưa võng cõng trăng lên”.
Đó là một căn hộ như trong cổ tích, đẹp đến nao lòng. Cái chất lãng mạn tâm hồn người lính hòa cùng thiên nhiên chưng cất một “Căn hộ biển” vững chãi trước bao thử thách. Và nhà thơ đã mở cánh cửa tâm hồn mời người đọc khám phá những chủ nhân của căn hộ độc đáo này.
Từ “quây đại dương” đến “quây vô tận” không chỉ nói trong biên độ địa lý, mà còn tỏa rộng biên độ của tấm lòng, của tâm hồn, của ý chí những người làm chủ căn hộ. Đó là: “Lính đảo canh gần cơn bão xa”.
Cơn bão ấy không chỉ là bão thiên nhiên, mà còn là bão của những âm mưu đen tối “ngẫm tình nghĩa nhạt nhòa”. Người lính đang neo mình neo căn hộ giữa hai cơn bão: Bão tố dễ nhận mặt nhưng bão người thì khó thay! Đó là lúc hơn bao giờ hết:
“nhận mặt ngày đang tới
ngắm lưng ngày đang qua
ngắm bất trắc vần vụ”.
Mỗi người lính luôn trong tư thế cảnh giác cao độ để giữ vững bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ Tổ quốc biên giới hải đảo. Chỉ mấy cử chỉ “nhận mặt” và “ngắm lưng” cũng đủ cho ta thấy sự bình tĩnh kiên định của tư thế người lính. Chỉ một động thái: “Chao chân trên thế sự” mà gợi được sự làm chủ trong mọi tình huống vừa chủ động thanh thoát; vừa kiên định vững mạnh vừa an hòa đàng hoàng, thấu hiểu mạch lạc.
Một cái chao chân ngỡ như chanh chao thì được định vị lại chắc chắn, cân bằng lại niềm tin khi: “Vừa hay nhận tin nhà” từ một hậu phương xa mà thật gần trong cánh thư thăm tiếp thêm sức mạnh.
Có lẽ, khi viết “Căn hộ biển” nhà thơ Hữu Thỉnh hướng tâm thức về đất liền bởi trong căn cốt mỗi người lính đều có một căn cước văn hóa làng. Chính điều này khi vươn xa ra biển khơi thì cội nguồn tiềm ẩn ấy là nền móng bền vững neo giữa biển khơi. Phải chăng “Căn hộ biển” ở đây chính là những nhà giàn trên sóng biển Đông dù có “loi thoi” nhưng vững chãi vô cùng với bốn mùa sóng gió.
Khổ thơ cuối chính là cột cái vững chắc nâng đỡ cả “Căn hộ biển”: “Quây thử thách làm một căn hộ thép”. Căn hộ ấy của những người lính trẻ tuổi thanh xuân đang rạo rực, phơi phới, tung tẩy: “Bốn bề chật chội tuổi thanh xuân”.
Căn hộ ấy chính là một bệ phóng, một điểm tựa không chỉ xây bằng vật liệu sắt thép xi măng mà bằng cả vật liệu tâm hồn, ý chí khi: “Thở cùng nhịp biển, nghe trăng quẫy” thật lãng mạn, tươi mới và sinh động. Tuổi thanh xuân lại gặp mùa Xuân trong “Căn hộ biển” với sức Xuân, nhịp sóng Xuân: “Xuân mới loi thoi, én liệng gần” báo tin Xuân, dự cảm Xuân và khát vọng Xuân.