'Mùa Xuân chín' của Hàn Mặc Tử: Bức tranh ngôn từ tuyệt đẹp

GD&TĐ - Là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hàn Mặc Tử, 'Mùa Xuân chín' thành công trên nhiều phương diện, trong đó có ngôn ngữ thơ.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

“Mùa Xuân chín” là tác phẩm đặc sắc của Hàn Mặc Tử, tác gia được khẳng định là một trong những nhà thơ đỉnh cao của phong trào Thơ mới (1932 - 1945) nói riêng, thơ Việt Nam hiện đại nói chung.

Tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ văn 10 (tập một), bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Đây cũng là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Hàn Mặc Tử. “Mùa Xuân chín” thành công trên nhiều phương diện, trong đó có ngôn ngữ thơ.

Nhan đề giàu sức gợi

Ấn tượng đầu tiên và sâu đậm, trở thành “thương hiệu” của thơ Hàn qua bài thơ này chính là nhan đề. Thành công của Hàn Mặc Tử là tạo lập được một nhan đề mới lạ, độc đáo, giàu sức gợi qua việc tạo hình hóa cho khái niệm “mùa Xuân”.

Như chúng ta biết, “mùa Xuân” là một phạm trù thời gian. Khái niệm “mùa Xuân” vì thế mang tính mơ hồ, trừu tượng.

Mặt khác, mùa Xuân luôn gắn liền với sự khởi đầu, sinh sôi, non tơ, tươi trẻ. Bởi đó, cũng như mùa thu thường gắn với sắc vàng, mùa Xuân thường gắn với màu xanh, như trong cách nói “xuân xanh/thanh xuân”, hay cách cảm “mùa Xuân xanh” của nhà thơ Nguyễn Bính trong bài thơ cùng tên: Mùa Xuân là cả một mùa xanh/Giờ ở trên cao, lá ở cành.

Tuy nhiên, với Hàn Mặc Tử, ông tri nhận về mùa Xuân theo cách khác biệt của riêng mình. Nhà thơ kết hợp “mùa Xuân” với tính từ “chín” một cách đầy táo bạo. Kết hợp mới lạ này mang lại những giá trị rất đắt.

Trước hết, tính từ “chín” có khả năng tạo hình rất cao. Nó không chỉ cho phép liên tưởng mùa Xuân như một thứ quả mà còn gợi đến trạng thái phát triển đầy đủ, tận cùng với màu sắc rực rỡ (đỏ hoặc vàng), hương thơm, vị ngọt, trặng thái căng mọng…

Với Hàn, xuân không chỉ mơn mởn, non tơ mà phải còn viên mãn, trọn đầy, chín mọng; cũng như cách mà nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhìn nhận “trái” trăng trong trạng thái chín muồi: Một trái trăng thu chín mõm mòm/ Này vừng nguyệt quế đỏ lòm lom (Trăng thu).

Thế giới thơ Hàn Mặc Tử là thế giới của mọi thứ được đẩy đến tột cùng. Mùa Xuân chín trong bài thơ cùng tên của ông là một trường hợp như vậy.

Như vậy, tự thân nhan đề “Mùa Xuân chín” là một hình ảnh giàu sức gợi, mang lại những cảm xúc thẩm mỹ khác lạ, có khả năng mở ra những trường liên tưởng thú vị.

Hình tượng hóa khái niệm thời gian, nhan đề của bài thơ ngay lập tức gây một ấn tượng thị giác mới mẻ, đồng thời dự báo những giá trị hình ảnh, màu sắc dồi dào, sống động của nội dung bài thơ.

Thế giới lung linh của sắc màu

Một trong những ấn tượng thị giác nổi bật của “Mùa Xuân chín” là thế giới lung linh, rực rỡ của sắc màu. Đây là một trong những bài thơ có tần số xuất hiện của trường từ vựng chỉ màu sắc khá cao của thơ Hàn Mặc Tử.

Toàn bài gồm 4 khổ với 16 dòng thơ nhưng có đến 4 từ chỉ màu sắc với 5 lần được sử dụng: Vàng (của đôi mái nhà tranh), biếc (của tà áo), xanh (của sóng cỏ và của xuân), trắng (của cát dọc bờ sông).

Trong 4 từ chỉ màu sắc trên, có một trường hợp được miêu tả cụ thể bằng bổ ngữ (có tác dụng bổ nghĩa cho tính chất của màu sắc): Lấm tấm vàng và một trường hợp đi với từ cùng từ loại, trường nghĩa nên có tác dụng gia tăng hiệu quả cộng hưởng: Xanh tươi.

Câu thơ Sóng cỏ xanh tươi gợn tới trời gợi nhớ về câu Cỏ non xanh tận chân trời của Nguyễn Du và xa hơn là Phương thảo liên thiên bích (cỏ thơm liền với trời biếc) của thơ cổ trong tính liên văn bản đã mở ra một trường không gian xanh biếc ngút ngàn đến vô tận của cỏ và trời như đang hoà vào làm một.

Bên cạnh đó, trong bài thơ còn có những từ ngữ tuy không gắn với từ chỉ màu sắc trực tiếp nhưng có khả năng gợi dẫn đến màu sắc. Đó là những hình ảnh quen thuộc, gần gũi nơi thôn quê được đặc tả hoặc gợi nhắc: Nắng ửng, nắng chang chang, khói mơ, đôi mái nhà tranh, giàn thiên lí, trời, đồi, núi, nước mây, trúc, thóc, bờ sông…

Không gian trong bài thơ nhờ đó hiện lên một cách cụ thể, chân thực với những đường nét, gam màu sống động. Tất cả hài hoà trong tổng thể bức hoạ mùa Xuân bình dị, thân thương mà không kém phần tươi mới, rạng rỡ, đồng thời mang lại nhiều xúc cảm thẩm mĩ và gây được nhiều ấn tượng cho độc giả.

Có thể nói, nếu “Mùa Xuân chín” là một bức tranh xuân bằng ngôn từ thì những gam màu bằng từ ngữ được nhà thơ sử dụng hợp lý, tài tình là một yếu tố quan trọng làm nên vẻ đẹp của bức tranh ấy.

Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Đồi Thi Nhân, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh minh họa: INT.

Mộ nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Đồi Thi Nhân, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn (Bình Định). Ảnh minh họa: INT.

Những từ láy tài hoa

Từ láy là một thành công khác của “Mùa Xuân chín” trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật. Trong bài thơ, từ láy được tác giả sử dụng với tần số rất cao. Có 8 từ láy/ 16 dòng thơ, trung bình cứ 2 dòng thơ với 14 âm tiết lại xuất hiện một từ láy. Trong đó, ngoại trừ bâng khuâng là từ láy chỉ tâm trạng, các từ còn lại đều lại những từ láy tượng thanh (sột soạt, hổn hển, thầm thĩ), tượng hình (lấm tấm, vắt vẻo, lưng chừng, chang chang).

Rõ ràng, với một mức độ tập trung cao như trên, các từ láy sẽ có tác dụng cộng hưởng để mang đến những ấn tượng thính giác, thị giác mạnh, sâu cho người đọc. Có thể thấy rõ điều này trong khổ thơ thứ ba:

Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi

Hổn hển như lời của nước mây

Thầm thĩ với ai ngồi dưới trúc

Nghe ra ý vị và thơ ngây

Trong khổ thơ này, để đặc tả tiếng ca giữa mùa Xuân, tác giả huy động sử dụng liên tục ba từ láy: Vắt vẻo, hổn hển và thầm thĩ. Ba từ là ba trạng thái khác nhau của tiếng hát: Vắt vẻo chỉ trạng thái cao, chông chênh; hổn hển chỉ tính chất gấp, vội, thầm thĩ lại mang sắc thái nhỏ, nhẹ, trầm. Ba từ láy được huy động sử dụng chính xác, hợp lý đã giúp cho hình ảnh tiếng ca được miêu tả một cách sống động, đủ mọi cung bậc và đầy “ý vị”.

Tài năng sử dụng từ láy của nhà thơ Hàn Mặc Tử là điều không cần bàn cãi. Bên cạnh khổ thơ 3, hai câu cuối của khổ 1 với hai từ láy lấm tấm, sột soạt được dùng đầy sáng tạo cũng nói lên được phần nào điều này:

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Không khó để nhận ra cả lấm tấm và sột soạt trong khổ 1 của bài thơ đều có chung các đặc điểm: Đều giữ vai trò làm bổ ngữ (cho tính từ vàng và cụm chủ vị gió trêu tà áo biếc) và, đặc biệt là, đều được đảo ra trước.

Nếu lấm tấm được đảo ra giữa câu thì sột soạt được đảo ra đầu câu. Hai từ láy trên vì thế nổi bật hơn, tác dụng nhấn mạnh, khắc hoạ cũng đậm nét hơn. Nhờ đó, dù khép lại bài thơ, hình ảnh “đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng” đầy thơ mộng và “sột soạt gió trêu tà áo biếc” có chút gì tinh nghịch, dễ thương có lẽ sẽ còn đọng mãi trong tâm trí của người đọc.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Những vẻ đẹp ngôn từ khác

“Mùa Xuân chín” là bài thơ tương đối ngắn nhưng thể hiện được khá nhiều về tài năng ngôn ngữ của Hàn Mặc Tử. Bên cạnh thủ pháp lạ hoá nhan đề, sử dụng từ láy, từ chỉ màu sắc một cách đắt địa, bài thơ còn thành công ở các thủ pháp sử dụng phép nhân hoá, so sánh tu từ, kiến tạo nhạc tính…

Trong bài thơ, tác giả dùng 3 phép nhân hoá: Gió trêu tà áo biếc; Bóng xuân sang và Tiếng ca [….] hổn hển, […] thầm thĩ… Đây đều là những phép nhân hoá đầy bất ngờ, thú vị, khiến đối tượng trở nên thật sinh động, có hồn: Gió thì nghịch ngợm, mùa Xuân như đang bước đi và tiếng ca như biết biểu lộ tâm trạng, cảm xúc. Bức tranh mùa Xuân vì thế luôn ở trong trạng thái động, tràn đầy sức sống với vẻ đẹp tươi trẻ, rạo rực nhưng cũng rất đỗi đằm thắm, bình yên, “ý vị” và duyên dáng.

Bài thơ sử dụng một phép so sánh trong khổ thứ 3: Tiếng ca […] hổn hển như lời của nước mây. Đây là một so sánh rất ấn tượng bởi sự độc đáo, cách liên tưởng mới lạ trong việc sử dụng hình ảnh so sánh của nhà thơ. Trong so sánh này, đối tượng cần so sánh là tiếng ca, với tính chất hổn hển, được so sánh với hình ảnh lời của nước mây.

Như ta biết, trong cấu trúc một phép so sánh tu từ, giữa cái cần so sánh và hình ảnh dùng để so sánh dù khác loại (nếu cùng loại thì đây là một so sánh logic) nhưng bắt buộc phải có mối liên hệ nào đó. Tuy nhiên, Hàn Mặc Tử gần như đã phá bỏ quy luật này.

Cái so sánh tiếng ca với tính chất gấp, nhanh, vội (hổn hển) hết sức cụ thể lại được so sánh với lời của nước mây, một đối tượng khá trừu tượng, mơ hồ, thiên về tính chất tĩnh, lặng, nhỏ nhẹ. Phải chăng thi nhân có điều nhầm lẫn?

Hay trong cách cảm nhận đầy rạo rực của thi nhân với một nội tâm mãnh liệt cùng những cung bậc cảm xúc luôn được đẩy lên đến tận cùng, nước mây vốn lững lờ, êm ái cũng biết “hổn hển” như tiếng ca vắt vẻo lừng chừng núi của “bao cao thiếu nữ hát trên đồi”. Nếu quả vậy thì thiên nhiên mùa Xuân trong bài thơ cũng được lột tả một cách đầy ấn tượng trong trạng thái “chín muồi”, một tứ thơ vô cùng độc đáo của Hàn thi sĩ.

“Mùa Xuân chín” còn thành công ở nhạc tính dồi dào của lời thơ. Việc phối hợp sử dụng hài hoà giữa các thanh bằng trắc (ví như: Dọc bờ sông trắng nắng chang chang), sử dụng nhiều từ láy, nhất là từ láy tượng thanh (ví như: Sột soạt, hổn hển, thầm thĩ), cách ngắt nhịp linh hoạt (bên cạnh nhịp 4/3 chủ đạo, bài thơ còn ngắt theo nhịp 2/5 như: Khách xa,/ gặp lúc mùa Xuân chín; 2/2/3 như: Chị ấy,/ năm nay/ còn gánh thóc) đã góp phần kiến tạo tính nhạc phong phú cho từng dòng thơ, khổ thơ cũng như toàn bộ bài thơ.

Đặc biệt, việc gieo vần tài tình đã mang đến cho bài thơ những dòng thơ đầy thanh âm sống động. Có thể thấy rõ điều này trong khổ thơ đầu tiên:

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý. Bóng xuân sang.

Khổ thơ này có 4 dòng như có đến 5 tiếng có vầng an/ ang: 3 tiếng gieo ở cuối dòng 1, 2 và 4 là tan, vàng, sang và 2 tiếng bên trong dòng thơ làn, giàn.

Điều đặc biệt là, nếu tách riêng khổ 1 thành một bài thất ngôn tứ tuyệt Đường luật thì hai tiếng làn, giàn này nằm đúng vị trí của hai tiếng niêm (hai tiếng thứ 2 của dòng 1 và dòng 4). Hai tiếng này không chỉ đúng niêm (cùng thanh bằng) mà lại trùng vận (vần an), hoà phối nhịp nhàng với 3 tiếng tan, vàng, sang ở cuối dòng; và đặc biệt, cả 5 đều là những tiếng có vần mở, vang… Tất cả cộng hưởng tạo nên tính chất mở, vang, sáng cho âm thanh của lời thơ khi đọc lên.

Hơn nữa, không chỉ gia tăng nhạc tính cho lời thơ của khổ một, 5 tiếng vần an/ ang này còn góp phần làm cho không gian như mở ra, sáng lên và ngân vang. Bức tranh mùa Xuân mở đầu bài thơ vì thế cũng trở nên thật tươi sáng, khoáng đãng, mang đến cảm xúc khoan khoái, dễ chịu.

Ngoài ra, bài thơ còn thành công ở nhiều thủ pháp nghệ thuật độc đáo khác, như sử dụng ẩn dụ (hình ảnh sóng cỏ tươi xanh gợn tới trời), sử dụng đại từ phiếm chỉ (kẻ, ai, ấy), câu hỏi tu từ (Chị ấy, năm nay còn gánh thóc).

Nhưng trên hết, thành công lớn nhất của “Mùa Xuân chín” là sử dụng từ ngữ hết sức giản dị, gần gũi, trong sáng nhưng kiến tạo nên lời thơ giàu tính tạo hình, nhạc tính, thể hiện thành công bức tranh mùa Xuân tươi sáng, bình dị, rạo rực yêu thương cũng như tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của nhân vật trữ tình trước khung cảnh mùa Xuân.

Ngôn tận nhưng ý, tình, hình, nhạc bất tận; lời thơ giản dị mà tứ thơ khôn cùng, đó là mới là cảnh giới cao của nghệ thuật ngôn từ trong thơ ca mà không nhiều tác phẩm như “Mùa Xuân chín” làm được.

“Mùa Xuân chín” là một trong những thi phẩm xuất sắc, tiêu biểu của thơ Hàn Mặc Tử nói riêng, phong trào Thơ mới nói chung, có thể xem là một trong những đỉnh cao về nghệ thuật ngôn từ của thơ Việt hiện đại. Bài thơ là một đoá hoa quý mà Hàn Mặc Tử, thi sĩ tài hoa bạc mệnh, đã góp vào vườn thơ muôn sắc màu, đượm hương thơm của tinh thần nhân văn của nền văn học Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ