Trần Thắng
Tháng Mười quê
Nắng rúc thơm rơm rạ
Tháng Mười tạ ơn đất
Tạ ơn bốn phương trời
Mồ hôi đổi gặt hái
Thóc tràn qua kẽ tay chảy trên vai trên tóc
Những trầy xước nhôn nhốt làn da
Những cánh đồng phơi lưng lột xác
Mong cơn mưa hồi sinh.
Chẳng còn ai dùng rơm nấu bữa
Thương cảm những linh hồn mùa đói
Người nông phu già rút rơm nhen lửa
Mắt cay nhòe
Riu bóng ngoài hè ngóng trẻ săn chim
Cơm mới chim ngói
Khói thơm nếp làng.
Heo may
Chân đất
Thôn nữ giấu hoa chanh trong ngực
Dụ trai làng thiêu thân
Tối trời rạng mặt
Trăng lưỡi liềm khía rượi lông măng
Ráng vàng ngửa ngang sông
Hút hơi ấm cuối ngày lấp loáng.
Một bài thơ tập trung được rất nhiều cách nhìn. Lúc thì cụ thể qua một vài hình ảnh rõ ràng như là đang hiện hữu xung quanh mình, lúc thì trừu tượng siêu thực, lúc lại là những mảng màu chớp nháy của ngôn ngữ họa hình ấn tượng. Tất cả tạo nên một thi phẩm là lạ, độc đáo của họa sĩ kiêm thi sĩ Trần Thắng.
Hình ảnh lao động quá đẹp, tràn trề sức sống “thóc tràn qua kẽ tay chảy trên vai trên tóc”. Câu thơ gom tụ lại được bốn thi ảnh “thóc tràn”, “qua kẽ tay”, “chảy trên vai”, “trên tóc”. Rõ ràng, thi nhân đang vẽ lại cảnh đẹp của lao động đồng quê qua cái sự xốc vác, khỏe khoắn. Và vẻ đẹp ấy được nhìn bằng con mắt của hội họa ánh sáng, vẻ đẹp như chảy tràn, sống động.
Mở đầu bài thơ, nắng đã được xem như một hình tượng nhân cách hóa “nắng rúc thơm rơm rạ”. Là cái “nắng” chủ động chui vào cho “rơm rạ” thơm hương dậy mùi thì đích thị đấy là cái “nắng” sống động, có hồn.
Động từ “rúc” còn cho thấy cái “nắng” rất ư là tinh nghịch và linh hoạt. Do đó, ý thơ mở ra “tháng Mười tạ ơn đất/ tạ ơn bốn phương trời” bằng những giọt “mồ hôi” đánh “đổi” từ “gặt hái”. “Tạ ơn” “đất trời” đã cưu mang, đã dang rộng vòng tay thơm thảo của mình ra mà che chở, cưu mang con người.
“Tháng Mười” là tháng của gặt hái, thu lượm thành quả mà con người nhờ đất ươm trồng đã tựu thành. Điều ấy gợi ra sự no ấm, tươi vui hòa hợp. Bởi thế, hình ảnh “nắng rúc thơm rơm rạ” như một phần tiếng nói hài hòa giữa thiên nhiên và con người cùng chủ động mà véo von lên tiếng êm đềm no ấm.
Hội họa bất chợt đi vào thi ca và làm cho thi ca giàu sức gợi hơn nữa “thóc tràn qua kẽ tay chảy trên vai trên tóc”, thì đó phải chăng là hạnh phúc ấm no được miêu tả bằng thứ ánh sáng của ngôn ngữ tạo hình? Mùa vàng cũng chỉ có thể được miêu tả giàu thi ảnh đến thế là cùng.
Song, chêm xen vào bức tranh trĩu hạt được mùa ấy là cảm giác “những trầy xước nhôn nhốt làn da” thì lại càng làm cho bức tranh thu hoạch mùa màng đồng quê ấy thêm sinh động và hoàn thiện hơn. Tiếng nói của sự lao động cần mẫn lên tiếng đâu chỉ qua cảm giác mà nó còn được hình ảnh hóa qua một thi ảnh mang tính chất siêu thực rất rõ “những cánh đồng phơi lưng lột xác”.
Lời thơ muốn thể hiện sự cống hiến hết mình của thiên nhiên cho con người. Đó là một cách miêu tả mang tính chất song hành thú vị, vừa cụ thể vừa mang tính trừu tượng. Cái đẹp đi liền ngay sau với cái sự vất vả, không thể khác.
Cánh đồng mùa vụ đi qua là “cánh đồng” như đang phải “phơi lưng lột xác”, oằn chịu cái nắng nóng kinh người là cũng để giãi bày và tích tụ thêm nguồn năng lượng mà hứa hẹn mùa màng bội thu cho tương lai? Tư thế ấy vừa đẹp vừa chịu đựng, ẩn chứa một quá trình dưỡng sinh như là một quy luật.
Do đó, câu thơ “mong cơn mưa” tới sẽ “hồi sinh” là đương nhiên và chính nó đã làm mềm đi những hình ảnh gợi ra bao sự vất vả và sức chịu đựng phía trên “phơi lưng lột xác” gợi ra. Một đoạn thơ đã trộn được rất nhiều những cảm giác khác nhau, âu cũng là cái biệt tài của tác giả khi dụng ngôn.
Ảnh minh họa ITN. |
Do đó, điểm nhìn ở đoạn thơ thứ hai là cái sân vườn và khoảng bếp. Nơi ấy từng lưu chứa rất nhiều kỉ niệm thôn quê gần gũi và dấu yêu. Vài hình ảnh nhắc nhở quá khứ từ hiện tại “chẳng còn ai dùng rơm nấu bữa/ thương cảm những linh hồn mùa đói” để cho bảng lảng tâm tư như quay lại với kí ức một thời.
Kí ức ấy hiện ra chớp lóe lên trong tâm tưởng “người nông phu già rút rơm nhen lửa” đủ cho nhân vật trữ tình cảm động cùng kí ức xưa “mắt cay nhòe”. Để rồi, cái nhìn tâm tưởng kí ức xưa như được mở rộng hơn về biên độ “riu bóng ngoài hè ngóng trẻ săn chim/cơm mới chim ngói/khói thơm nếp làng”.
Lại vẫn hòa quyện bao nhiêu những xúc cảm, những cảm giác của trông nhìn và tâm tưởng cứ xoắn quyện vào nhau mà gọi dậy cho bằng được bao nhiêu những hương vị nồng nàn của khói bếp xưa “khói thơm nếp làng”. Cụ thể (khói thơm) và trừu tượng (nếp làng) lại vẫn hòa vào nhau thổi lên thành hương vị văn hóa làng quê qua tâm tình chữ nghĩa. Mới thấy, cảm thức làng quê đã bắt đầu cất tiếng ngay từ trong tâm tưởng nhân vật trữ tình thật rồi.
Ý thơ mở rộng dần biên độ sang lĩnh vực tình cảm lứa đôi qua cái nhìn vô cùng tinh tế. Một không gian chân chất tự nhiên được nhìn gọn lại trong hai hình ảnh thơ “heo may/ chân đất” và vẫn đủ cả hai yếu tố thiên nhiên (heo may) và con người (chân đất). Điều ấy làm nền cho sự bùng nở hết mình chất phồn thực đẹp, căng tràn sức sống “thôn nữ giấu hoa chanh trong ngực/ dụ trai làng thiêu thân”.
Và thế là, cả một thế giới với “trăng lưỡi liềm”, với “ráng vàng ngửa sang sông” tung mình vào một thế giới siêu thực ngồn ngộn những hấp dẫn “khía rượi lông măng” hứa hẹn “hút hơi ẩm cuối ngày lấp loáng”. Ý thơ đã thật sự tung cánh để cho năng lượng khai phóng một lần nữa được kích hoạt. Đẹp và hấp dẫn vô cùng!
Chất liệu siêu thực rõ nhất là ở khổ thơ cuối. Từng mảng màu siêu thực được đắp lên, là cũng để cho chất phồn thực mà thêm lấp lánh sáng. Chất liệu hiện thực rất ít (hoa chanh, tối trời, rạng mặt) nhưng cũng đủ làm nền rải rác đó đây để bức tranh siêu thực ấy sáng lên lóng lánh.
Bởi thế, tưởng là ảo diệu mà lại rất ư là đời thường, tưởng là mơ hồ mà lại rất ư là thực tế. Cảm nhận trong những chất liệu màu sắc, đường nét ấy thôi đã thấy lồ lộ một chân dung văn hóa làng quê đầm đẫm bóng dáng tình tính tang muôn vàn sắc thắm rồi.
Một bài thơ đa thanh, đa sắc đậm đà hồn cốt đồng quê diễn ngôn là lạ mà thân quen đủ để cho chúng ta rạo rực và ấp iu.