Đến với bài thơ hay của Xuân Miền

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xuất thân là một quân nhân nhưng Xuân Miền lại có cảm xúc dạt dào với những con người, cảnh vật xung quanh mình.

Ảnh minh họa: INT
Ảnh minh họa: INT

Xuân Miền

“Bóng hồng” trong nắng gió

công trường

“Nắng gió làm đỏ tóc, đen da”

Mà dáng hình em vẫn nõn nà

Trong bộ áo quần màu xanh đậm

Em cười xinh đẹp tựa bông hoa.

Mười tám tuổi tròn em tới đây

Cùng bao đồng nghiệp kết chung tay

Núi rừng nhộn nhịp công trường mở

Thuỷ điện Sơn La đang dựng xây.

Rừng núi điệp trùng em có nghe

Gió reo suối hát gọi nương chè

Công trường nắng nóng lầm bụi đất

Có tiếng em cười mát lán che.

Khó khăn gian khổ chẳng hề nao

Tình nghĩa quê hương mãi dạt dào

Những lúc nhớ nhà lòng khắc khoải

Bạn bè, thầy mẹ - dạ nôn nao.

Tô đẹp trang đời những ý thơ

“Yêu em - xin hẹn... với mong chờ

Một mai dòng điện lên, ngời sáng

Là lúc chúng mình trọn ước mơ”.

Và khi được đọc bài “Bóng hồng trong nắng gió công trường” đăng trên báo Tuổi Trẻ của tác giả Trần Đình Tú, Xuân Miền rất cảm phục những người chị, người em gái (nhất là các cô gái trẻ) đã chịu đựng mọi khó khăn vất vả giỏi việc nước, đảm việc nhà trụ vững trên công trường thuỷ điện Sơn La.

Khởi nguồn cảm xúc từ một câu chuyện, nhà thơ đã sáng tác nên bài thơ ““Bóng hồng” trong nắng gió công trường”. Bài thơ được viết và đăng cùng ngày với câu chuyện. Có thể thấy, thi phẩm là lời cảm thán, khâm phục, trân trọng của tác giả tới những cô gái nơi công trường Thủy điện Sơn La.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh thật đẹp:

“Nắng gió làm đỏ tóc, đen da”

Mà dáng hình em vẫn nõn nà

Trong bộ áo quần màu xanh đậm

Em cười xinh đẹp tựa bông hoa.

Mười tám tuổi tròn em tới đây

Cùng bao đồng nghiệp kết chung tay

Núi rừng nhộn nhịp công trường mở

Thuỷ điện Sơn La đang dựng xây”

Nắng gió nơi công trường khắc nghiệt không chỉ lấy đi những giọt mồ hôi, sức khỏe của người phụ nữ mà còn làm mái tóc đen hoe đỏ, làm làn da vàng bị rám nắng. Ấy thế mà với tác giả “dáng hình em vẫn nõn nà”, họ vẫn giữ được vẻ đẹp hình thể ấy, vẫn làm say đắm, ngất ngây bao người như những bông hồng khoe sắc tỏa ngát hương.

Những nữ công nhân mặc “bộ áo quần màu xanh đậm” vốn đã quen thuộc từ lâu. Tuy vậy, trong chính bộ đồng phục ấy, nét cười của họ hiện lên mới đẹp mà lại ý nghĩa làm sao. “Xinh đẹp tựa bông hoa” là phép so sánh khẳng định vất vả ở công trường không những không làm phai mờ nét đẹp của người phụ nữ mà còn tôn lên vẻ đẹp tiềm ẩn trong họ.

Các nữ công nhân tới với dự án trọng điểm Quốc gia này khi mới bước sang tuổi 18 - tuổi hướng về mục tiêu phía trước với hoài bão, ước mơ thay đổi cuộc sống, ước mình có đôi cánh thật khỏe để tự do bay trên bầu trời.

Họ đã chọn Thủy điện Sơn La để gửi gắm ước mơ của mình. Ước mơ cho đất nước mạnh giàu ấy thật lớn lao, đáng trân trọng. Họ cùng bao người có cùng chí hướng chung tay xây dựng, khai phá. Không phải trên chiến trường nhưng vẫn có thể gọi nhau hai tiếng “đồng chí”.

Ảnh minh họa: INT.

Ảnh minh họa: INT.

Người phụ nữ Việt Nam vốn đã đẹp, nhưng đối mặt với những khó khăn, gian khổ thì vẻ đẹp ấy càng được tôn lên rõ nét:

“Rừng núi điệp trùng em có nghe

Gió reo suối hát gọi nương chè

Công trường nắng nóng lầm bụi đất

Có tiếng em cười mát lán che.

Khó khăn gian khổ chẳng hề nao

Tình nghĩa quê hương mãi dạt dào

Những lúc nhớ nhà lòng khắc khoải

Bạn bè, thầy mẹ - dạ nôn nao”.

Các công nhân khi thì làm việc giữa rừng núi điệp trùng ẩn trong đó là những nguy hiểm khó biết trước, khi thì phơi mặt ra cái nắng rát da, rát thịt. Bụi công trường mịt mù, phủ khắp người, họ cũng chẳng quản ngại.

Họ nghe âm thanh của gió, tiếng chảy róc rách thánh thót của dòng suối như làm mát cả thể xác và tâm hồn. Tiếng gió, tiếng suối được kết hợp với các động từ “reo”, “hát” qua nghệ thuật nhân hóa cho ta cảm tưởng thiên nhiên đang cùng nữ công nhân lao động. Chỉ cần có thế, người phụ nữ nở nụ cười tươi sáng giữa ánh nắng chói chang. Khó khăn, mệt mỏi chẳng còn là gì trước sự lạc quan, yêu đời ấy.

Đối với các nữ công nhân, gian khổ đến mấy cũng có thể vượt qua bởi họ có ý chí nghị lực cùng với đó là tình yêu quê hương dạt dào. Họ sẽ tiến lên để kiến thiết, xây dựng quê hương, mang hạnh phúc đến muôn nơi.

Có những lúc chạnh lòng bởi nỗi nhớ nhà, cha mẹ, bạn bè. Cứ khi nỗi nhớ ùa về, trong tâm thức họ có chút rượi buồn, “dạ nôn nao”. Nhưng vì con đường đã chọn lựa, tương lai phía trước, các nữ công nhân vẫn sẽ tiếp tục cống hiến cho công trình mang theo niềm hi vọng của đất nước Việt Nam. Họ sẽ luôn cố gắng.

Cuối cùng, kết lại bài thơ nhà thơ đã bộc lộ tất cả sự trân trọng, cảm tình với những nữ công nhân xinh đẹp:

“Tô đẹp trang đời những ý thơ

“Yêu em - xin hẹn... với mong chờ

Một mai dòng điện lên, ngời sáng

Là lúc chúng mình trọn ước mơ”

Một mai, khi công trình Thủy điện Sơn La được hoàn thành, khi dòng điện được mang đi thắp sáng các nẻo đường từ vùng quê đến thành thị là ngày các cô hoàn thành tâm nguyện cháy bỏng của tuổi trẻ. Tác giả không chỉ thể hiện tình yêu với những con người tần tảo, chịu hi sinh tuổi trẻ cho đất nước ấy mà còn có sự “mong chờ”, hẹn ước ở trong đó. Có thể một câu chuyện tình đẹp sẽ được dệt nên từ ý thơ thầm kín, trong sáng ấy.

Gói gọn trong 5 khổ thơ 7 chữ, bài thơ bộc lộ sự khâm phục, tự hào, trân trọng của Xuân Miền cũng như nhiều người dành cho “một nửa kia của thế giới”. Kiên cường dám hy sinh tuổi xuân để quên mình phục vụ nhân dân, vượt qua khó khăn gian khổ, những “bóng hồng” trong nắng gió công trường đã đem ánh sáng đến cho mọi miền đất nước. Dù là ở lĩnh vực nào, họ cũng xứng đáng được tôn vinh bởi vẻ đẹp bên ngoài cùng những điều tiềm ẩn trong sâu thẳm tâm thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ