Đến từng nhà hướng dẫn người dân cách ứng phó với động đất

GD&TĐ - Để đảm bảo an toàn cho người dân, thời gian qua chính quyền huyện Kon Plông thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền, nhắc nhở bà con phương án ứng phó với động đất.

Xã Đăk Tăng nơi liên tiếp bị ảnh hưởng bởi động đất.
Xã Đăk Tăng nơi liên tiếp bị ảnh hưởng bởi động đất.

Chỉ trong 3 ngày, từ 23-25/8 tại huyện Kon Plông (Kon Tum) liên tiếp xảy ra động đất. Đặc biệt có trận động đất với độ lớn 4.7 độ richter khiến người dân bất an, lo lắng.

Khoảng hơn 14 giờ chiều 23/8 khi đang nghỉ trưa ở trong nhà, anh A Khinh (43 tuổi, thôn Đăk Tăng, xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông) bỗng thấy mặt đất rung lắc mạnh. Lo sợ đồ đạc rơi xuống trúng người nên anh A Khinh cùng gia đình vội chạy ra khỏi nhà.

“Đây có lẽ là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay. Đặc biệt trong năm nay động đất liên tục xảy ra với cường độ ngày một lớn. Mình không biết thời gian tới sẽ như thế nào, tuy nhiên do sống quen trong khu vực thường xuyên xảy ra động đất nên không còn lạ lẫm với chuyện này”, anh A Khinh nói.

Sau nhiều lần xảy ra động đất, người dân không còn quá lo lắng và dần chủ quan hơn.
Sau nhiều lần xảy ra động đất, người dân không còn quá lo lắng và dần chủ quan hơn.

Để đảm bảo an toàn cho người dân, thời gian qua ông A Hương - Trưởng thôn Đăk Tăng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà dân tuyên truyền, nhắc nhở bà con phương án ứng phó với động đất.

Theo ông A Hương trên địa bàn thôn có hơn 100 hộ dân thường sống trên các đỉnh đồi cao. Chính vì vậy mà nguy cơ sạt lở trong mùa mưa lũ, đặc biệt là khi có rung chấn luôn hiện hữu. Thời gian đầu khi mới xảy ra động đất người dân khá hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, khi các trận động đất liên tiếp xảy ra thì bà con lại có tâm lý chủ quan.

"Tôi mong muốn cơ quan chức năng sớm tìm hiểu, xác minh, làm rõ nguyên nhân chính thức xảy ra động đất. Từ đó lên phương án để khắc phục, trả lại cuộc sống bình yên cho người dân", ông A Hương nói.

Còn ông Nguyễn Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng - cho biết, người dân ở vùng tâm chấn, nơi hay xảy ra động đất thường có tập quán sống ở nhà đầm, nhà rẫy trong một thời gian dài. Chính vì vậy mà việc cập nhật thông tin về động đất và các phương pháp ứng phó còn hạn chế. Do đó, địa phương tìm nhiều giải pháp như: phát tờ rơi, thông tin qua mạng Zalo, loa phát thanh và đến từng hộ dân để hướng dẫn cách ứng phó khi động đất xảy ra.

Lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum.
Lòng hồ thuỷ điện Thượng Kon Tum.

Còn ông Lê Đức Tín - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông thông tin, thời gian vừa qua, địa phương đã tuyên truyền người dân cách ứng phó với động đất theo phương châm 4 tại chỗ. Bên cạnh đó, UBND huyện Kon Plông đang kiến nghị cơ quan chuyên môn kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá để sớm đưa ra nguyên nhân, nguy cơ ảnh hưởng của động đất.

Đồng thời đôn đốc thủy điện Thượng Kon Tum sớm hoàn thành việc lắp đặt các trạm quan trắc để phục vụ đo đạc, nghiên cứu về động đất để sớm cảnh báo cho người dân.

UBND huyện Kon Plông cũng đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề xuất cơ quan chuyên môn trung ương tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất. Bên cạnh đó, đề nghị Viện Vật lý địa cầu phối hợp với các Công ty Thủy điện tổ chức tập huấn về công tác ứng phó tình hình động đất trên địa bàn huyện.

Theo Thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 14/4 đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra 79 trận động đất.

Cụ thể các trận động đất có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4.0. Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút, ngày 14/4 có độ lớn 4.5. Bên cạnh đó trận động đất vào lúc 14 giờ 8 phút ngày 23/8 có độ lớn 4.7 tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km là cao nhất từ trước tới nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ