Động đất liên tiếp tại Kon Tum: Hướng dẫn kỹ năng ứng phó cho người dân

GD&TĐ - Động đất liên tiếp xảy ra, UBND huyện Kon Plông đã đề nghị UBND tỉnh đề xuất cơ quan chuyên môn trung ương kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân, nguy cơ ảnh hưởng. Ngoài ra sớm lắp đặt 3 trạm bổ sung để phục vụ đo đạc, nghiên cứu chuyên sâu.

Xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) nơi bị ảnh hưởng bởi các trận động đất.
Xã Đăk Tăng (huyện Kon Plông) nơi bị ảnh hưởng bởi các trận động đất.

Ngày 24/8, UBND huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đã có báo cáo cập nhật thông tin về động đất và tình hình thiệt hại trên địa bàn huyện.

Theo Thống kê của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 14/4 đến nay trên địa bàn huyện Kon Plông đã xảy ra 79 trận động đất.

Cụ thể các trận động đất có cấp độ rủi ro thiên tai từ cấp 0 đến cấp 1, có độ lớn chủ yếu dưới 4.0. Riêng trận động đất xảy ra lúc 12 giờ 54 phút, ngày 14/4 có độ lớn 4.5. Bên cạnh đó trận động đất vào lúc 14 giờ 8 phút ngày 23/8 có độ lớn 4.7 tại vị trí có tọa độ 14.768 độ vĩ Bắc, 108.209 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.2 km là cao nhất từ trước tới nay.

Theo UBND huyện Kon Plông qua rà soát, kiểm tra và tổng hợp báo cáo của UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đến thời điểm hiện tại, các trận động đất khiến ngói ở phần mái phụ phía sau của một số nhà dân thôn Đăk Chờ, xã Đăk Ring bị rơi. Đồng thời, các trận động đất đã gây tâm lý lo lắng, bất an trong người dân.

Trước tình hình trên, UBND huyện tiếp tục phối hợp với các đoàn công tác Tỉnh, của Trung ương để kiểm tra, đánh giá, khảo sát nguy cơ các vùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý người dân trên địa bàn. Đồng thời tập huấn cho lực lượng xung kích, nhân dân cách phòng tránh và diễn tập tình huống.

UBND huyện cũng kiểm tra các kết cấu công trình hạ tầng chịu đựng được động đất ở cấp độ nào để đưa ra phương án xử lý phù hợp. Ngoài ra, rà soát, kiểm tra đánh giá hiện trạng các công trình, nhà dân đã bị sụt lún, rạn nứt từ trước do thiên tai, lụt bão gây ra để có kế hoạch sửa chữa, gia cố kịp thời. Đặc biệt phối hợp với Ban quản lý công trình tỉnh thường xuyên kiểm tra và nắm tình hình an toàn hồ đập và các công trình Thủy lợi trên địa bàn….

UBND huyện Kon Plông cũng đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề xuất cơ quan chuyên môn trung ương tổ chức kiểm tra, nghiên cứu, đánh giá cụ thể nguyên nhân, mức độ và nguy cơ ảnh hưởng của động đất. Bên cạnh đó, đề nghị Viện Vật lý địa cầu phối hợp với các Công ty Thủy điện tổ chức tập huấn về công tác ứng phó tình hình động đất trên địa bàn huyện. Ngoài ra cũng đề xuất Công ty Thuỷ điện Thượng Kon Tum phối hợp với Viện Vật lý địa cầu sớm lắp đặt 3 trạm bổ sung để phục vụ đo đạc, nghiên cứu chuyên sâu.

Trên địa bàn huyện Kon Plông có 6 công trình thủy điện nhưng chỉ có 3 công trình thủy điện có hồ chứa là thủy điện Thượng Kon Tum, thủy điện Đăk Đrinh và thủy điện Đăk Re.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.