Đến trường nhờ học bổng

GD&TĐ - Nhiều sinh viên nghèo, nhất là sinh viên năm thứ nhất, đã có thể nhập học, trang trải được học phí cũng như sinh hoạt phí nhờ các nguồn học bổng. Một số quỹ học bổng ưu tiên xét duyệt cho sinh viên năm 1 - 2, hỗ trợ cho những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt.

Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng.

Rộng mở tương lai

Hà Phạm Bích Trâm (ngành Khoa học Y Sinh, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng) vừa xuất sắc đạt học bổng trao đổi Global Ugrad tại ĐH Boise State, Hoa Kỳ. Đây là một chương trình của Vụ Giáo dục và Văn hóa thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1992. Chương trình được trao cho những ứng viên có năng lực lãnh đạo thông qua kết quả học tập, sôi nổi trong các hoạt động cộng đồng, ngoại khóa và khả năng ngoại ngữ tốt.

Có thành tích khá tốt ở môn Sinh học, tốt nghiệp THPT, Bích Trâm được tuyển thẳng vào một trường đại học danh tiếng. “Song nếu học lên đại học vào thời điểm ấy thì tài chính là cả một vấn đề với gia đình em, cho dù em vẫn được xét học bổng. Ba em là thợ xây, mẹ mất sớm từ khi em mới 3 tuổi. Nuôi em ăn học cho đến khi tốt nghiệp THPT là sự cố gắng lớn của ba em”. Trâm dừng việc học để tự tìm việc làm nuôi sống bản thân, học thêm ngoại ngữ và tiếp tục “săn” học bổng.

Bích Trâm cho biết, việc nhận học bổng Tate & Lyle trị giá 12.000 USD để theo học ngành Khoa học Y Sinh (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh, ĐH Đà Nẵng) là bước ngoặt thay đổi cuộc đời mình. “Gói học bổng được nhận trong suốt 4 năm học đã giúp em trang trải được chi phí học tập và sinh hoạt. Thậm chí, em còn tiết kiệm được một khoản nhỏ từ nguồn học bổng nhận được. Đây là khoản dự phòng để em có thể tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu sau đại học nếu không tìm được học bổng”, Trâm cho biết.

Phạm Hà Bích Trâm là đồng tác giả của bài báo nghiên cứu về SARS-CoV-2 trên tạp chí khoa học Journal of Infection and Public Health, giải thưởng Sinh viên tiêu biểu Đà Nẵng, giải Nhất Cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật SV Innofest, học bổng Tate&Lyle, học bổng Odon Vallet… và nhiều dự án vì cộng đồng như ALNet, Khan Academy…

Cùng với Hà Phạm Bích Trâm, Huỳnh Thị Ly là một trong 8 sinh viên tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt – Anh (VNUK), ĐH Đà Nẵng được nhận học bổng Tate & Lyle. Trước khi chọn theo học ngành Khoa học máy tính tại VNUK, Ly là sinh viên của một trường đại học công lập khác. “Với mức học bổng hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó và cả thu nhập từ công việc bán hàng và gia sư, em cũng không đủ tiền để đóng học phí. Trong khi anh trai của em đang học năm cuối ở ĐH Y – Dược Huế, em lại không muốn thêm gánh nặng cho ba mẹ em khi mà điều kiện kinh tế gia đình còn quá khó khăn”, Ly chia sẻ.

Cùng với kế hoạch tìm kiếm học bổng, Huỳnh Thị Ly đầu tư thời gian tự học thêm ngoại ngữ. “Với bài luận giới thiệu bản thân khi làm hồ sơ xin học bổng của tập đoàn Tate and Lyle dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học tập chương trình đại học và thạc sĩ tại VNUK, em rất tự tin sẽ được xét tuyển vì những cam kết của mình đã được chứng minh bằng kết quả của 3 năm học THPT”. Học bổng Tate & Lyle đã mang lại cho Ly cơ hội được học tập trong một môi trường năng động, tiên tiến mà không phải chịu nhiều áp lực tài chính. Chọn ngành học Khoa học máy tính tại VNUK cũng là thỏa được đam mê và nguyện vọng trước đó của Ly.

Sinh viên Phạm Hà Bích Trâm.

Sinh viên Phạm Hà Bích Trâm.

Tiếp sức cho sinh viên nghèo

Trong đơn gửi đến Quỹ học bổng ABPDN, Đoàn Văn Ấn – sinh viên khoa Sư phạm Kỹ thuật công nghiệp, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng kể: “Bước chân vào giảng đường đại học là việc gì đó rất lớn lao đối với bản thân em vì em phải tự lo mọi thứ”. Để chữa bệnh cho mẹ, gia đình Ấn phải thế chấp sổ đỏ để vay tiền ngân hàng. Ngày Ấn ra Đà Nẵng nhập học, gia đình phải vay mượn khắp nơi mới được 2 triệu đồng để em cầm tạm.

Ngoài giờ học, Đoàn Văn Ấn không ngại làm đủ mọi công việc để có tiền trang trải chi phí học hành và sinh hoạt, từ bốc vác hàng hóa cho một đại lý ở chợ đầu mối giáp ranh Quảng Nam – Đà Nẵng, đi phụ đổ bê tông công trình xuyên đêm, làm nhân viên vệ sinh công nghiệp, phục vụ nhà hàng, phát tờ rơi… “Cũng có những lúc em thấy mệt mỏi, tuyệt vọng quá nhưng lại nghĩ đến còn ba mẹ ở nhà nên lại tự nhủ phải nỗ lực hơn nữa”, Ấn chia sẻ.

Thời gian gần đây, vừa phải kiếm tiền mưu sinh, Ấn còn phải chống chọi với căn bệnh đau đầu và mất ngủ triền miên. Ấn thổ lộ rất thật lòng: Em chỉ mong mình đủ sức khỏe để làm việc, trang trải được việc học hành cho đến khi ra trường, có được một công việc phụ giúp gia đình trả bớt nợ nần. Với Ấn, mức học bổng 3 triệu đồng từ Quỹ học bổng ABPDN, ngoài giá trị về vật chất, còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn lao, tiếp thêm nghị lực cho em để vượt qua những thách thức của cuộc sống.

Từ năm học 2021 - 2022, VNUK đã ban hành chính sách học bổng mới thay thế cho học bổng Tate & Lyle nhằm tiếp tục thực hiện sứ mệnh vì cộng đồng; Hướng tới hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và nhóm người yếu thế trong xã hội. Học bổng INSPIRING SCHOLARSHIP của VNUK được cấp dựa trên nhu cầu tài chính mà không yêu cầu điều kiện đặc biệt về thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa. Theo đó, học bổng sẽ bao gồm học phí từ 25% - 100% cho 4 năm đại học tùy theo điều kiện của mỗi ứng viên.

Quỹ học bổng của GS.TS Yoshiaki Takahashi tại Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng sẽ chu cấp một khoản tiền nhất định hàng tháng cho sinh viên dùng làm chi phí sinh hoạt và học phí của cả năm học để các em chuyên tâm học tập.

Huỳnh Thị Thu Trang – một trong 5 sinh viên đầu tiên được nhận học bổng do chính tay GS.TS Yoshiaki Takahashi trao - nhớ lại: “Khi em nhận được giấy báo đỗ đại học, sau niềm vui, niềm hãnh diện thì cũng là nỗi lo lớn cho ba mẹ em vì phải chạy vạy, vay mượn để lo chi phí học tập, sinh hoạt phí cho em. Thời gian gần đây, nỗi trăn trở ấy càng lớn khi ba mẹ em càng lớn tuổi, sức khỏe yếu dần. Việc em được chọn để nhận học bổng do GS.TS Yoshiaki Takahashi tài trợ đã như một phép màu, giúp cho em tiếp tục con đường học tập tưởng như sẽ dang dở, có công việc để ổn định cuộc sống”.

Quỹ học bổng ABPDN (Amicale Blaise Pascal Da Nang) được các cựu học sinh trường Blaise Pascal - Danang (1955 - 1973) thành lập tại Pháp năm 2005, với mục đích giúp đỡ các bạn học sinh, sinh viên hiếu học có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều sinh viên năm 1, 2 của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng đã được tiếp sức từ quỹ học bổng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.