Đêm trừ tịch trong ngày cuối cùng của năm có ý nghĩa gì?

Trừ có nghĩa là đã qua, tịch có nghĩa là đêm. Theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, trừ tịch nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy.

Đêm trừ tịch trong ngày cuối cùng của năm có ý nghĩa gì?
1.001 thủ tục cúng, lễ, kiêng kị, xuất hành Tết 2015

Đêm trừ tịch là khoảng thời gian giao thừa giữa năm cũ và năm mới, tính trong khoảng thời gian từ 11h đêm 30 đến 1h sáng mùng 1 Tết. Khi đó, các gia đình người Việt đều làm lễ trừ tịch, còn gọi là lễ cúng Giao thừa.

Ở thời điểm trừ tịch, các gia đình người Việt thường dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thu dọn mọi thứ gọn gàng.

Ý nghĩa của lễ trừ tịch là đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới, tốt đẹp của năm mới.

Đây cũng là khoảng thời gian thiêng liêng của mỗi gia đình người Việt khi các gia đình sum họp đón Tết.

Thông thường, các gia đình thường cúng lễ trừ tịch cả ở ngoài trời và trong nhà. Việc cúng này cũng có nơi cử hành ở đình, miếu.

Mâm cỗ cúng trừ tịch thường gồm đĩa xôi, con gà luộc hoặc thủ heo, hoa quả, trầu cau, bánh kẹo, vàng hương, bánh chưng, rượu, nước...

Lễ vật có đầy đủ hay không cũng tùy thuộc vào gia cảnh của gia chủ. Nhà nghèo thì người ta làm lễ trừ tịch với những lễ vật đơn giản mà gia đình có thể sắm sửa được.

Tuy nhiên, người xưa cho rằng, lễ vật bao giờ cũng phải có vàng hương và rượu.

Theo quan niệm của dân gian, mỗi năm thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một người có trí như quan toàn quyền.

Do đó, năm nào quan toàn quyền giỏi giang, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như được mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật.

Trái lại, nếu gặp phải quan toàn quyền lười biếng, kém cỏi, tham lam thì hạ giới sẽ chịu mọi thứ khổ.

Sau khi cúng Giao thừa ngoài trời xong, các gia đình sẽ cúng ở trong nhà.

"Cúng Giao thừa trong nhà là lễ cúng tổ tiên vào chính thời khắc Giao thừa vừa tới, nhằm cầu xin tổ tiên phù hộ độ trì cho gia đình mình gặp những điều tốt lành trong năm mới sắp đến.

Khi cúng Giao thừa trong nhà, tất cả các thành viên trong gia đình đứng trang nghiêm trước bàn thờ, khấn tổ tiên để xin được các cụ phù hộ độ trì trong năm mới, cầu an khang thịnh vượng, sức khỏe dồi dào.

Trước khi khấn tổ tiên để mời tiền nhân về ăn Tết cùng với con cháu hậu thế, các gia chủ khấn Thổ Công, tức là vị thần cai quản trong nhà để xin phép cho tổ tiên về ăn Tết", theo thông tin trên Ban Tôn giáo Chính phủ.

Một tục lệ mà từa xưa đến nay, ở cả nông thôn và thành thị vẫn còn giữ đó là tục đi lễ chùa, hái lộc và xông đất sau lễ cúng Giao thừa.

Nguồn gốc lễ trừ tịch

Người xưa cho rằng có 12 vị Hành khiển, Phán quan nhà trời tượng trưng cho 12 con giáp từ năm Tí (con chuột) đến năm Hợi (con lợn), luân phiên trông coi việc dưới hạ giới.

Cứ sau mỗi chu kỳ 12 năm lại quay trở về vị Hành khiển đầu tiên. Các “quan nhà trời” đều có ông Thiện và ông Ác.

Ông Thiện chuyên phù hộ những điều tốt đẹp cho con người. Còn ông Ác gây ra hạn hán, lụt lội, mất mùa, đói kém.

Việc lành hay việc dữ là do sớ tấu của các quan Hành khiển, Ngọc Hoàng dựa trên sớ tấu đó mà ban phúc hay trừng phạt con người. Với quan niệm như thế, người xưa làm lễ rất cẩn trọng.

Đúng lúc nửa đêm, quan cũ giao lại công việc, quan mới tiếp nhận. Vào thời điểm này, mọi gia đình đều bày cỗ ra ngoài trời để cúng hai đoàn các quan.

Ngày xưa, thậm chí các vị chức sắc ở thôn xã cũng phải thiết lập hương án chào lạy các quan trời ở nơi trung thiên, ở sân đình, ở văn chỉ, vàng hương trầu rượu, hoa quả, xôi gà, tế lễ trọng thể với trống chiêng vang dậy đêm khuya.

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ