Đêm nhạc Richard Clayderman: Cả đêm diễn như kiểu trả bài

Nghệ sĩ chơi trên nền nhạc sẵn, như trả bài, khiến khán giả không có cảm xúc khi thưởng thức.

Phần trình diễn của Richard tối qua không làm khán giả thấy "đã". Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.
Phần trình diễn của Richard tối qua không làm khán giả thấy "đã". Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.

Tối qua, khán phòng Trung tâm hội nghị quốc gia đông kín khán giả, ai cũng chờ đợi giây phút được chứng kiến danh cầm Richard Clayderman xuất hiện. 

Với rất nhiều thế hệ khán giả Việt Nam, Richard là thần tượng, những bản hòa tấu của ông gắn với kỷ niệm hay thậm chí là một quãng đời đáng nhớ. 

Sự gần gũi trong các bản nhạc của Richard khiến người nghe dễ cảm nhận và yêu mến. Tuy nhiên phần trình diễn của ông trong live concert ở Hà Nội đã không thành công như mong đợi.

Một số khán giả thậm chí còn nghi ngờ Richard và dàn dây chơi nhép. Tuy nhiên ban tổ chức cũng như nghệ sĩ trong dàn nhạc đã lên tiếng khẳng định tất cả họ đều chơi thật, chỉ có nhạc nền điện tử là thu sẵn vì không đủ kinh phí để mang cả dàn điện tử sang biểu diễn trong 1 đêm tại Hà Nội. 

Thông tin này trước khi chương trình diễn ra được giấu kín. Nhà tổ chức không hề nói đến chuyện Richard sẽ chơi trên nhạc nền. Do vậy khán giả cảm giác mình bị nói dối, họ không chuẩn bị tâm lý cho một đêm nhạc "công nghiệp" như vậy.

Tất cả các ca khúc được Richard trình tấu trên đàn piano đều được chơi trên nền nhạc playback. Dàn dây với 8 nghệ sĩ Việt trên sân khấu gần như mờ nhạt và bị lấn át bởi âm thanh điện tử của nhạc nền. 

Thậm chí tiếng piano của Richard cũng cảm giác không được mộc mạc và trầm ấm. Chính vì thế, cả đêm diễn giống như một kiểu trả bài, nhạc nền nổi lên là nghệ sĩ phải chơi theo như một cái máy khiến người nghe mất đi cảm giác sân khấu - điều quan trọng nhất trong bất cứ live concert nào. 

Một khán giả ở thế hệ 8X thất vọng cho rằng: "Kiểu chơi như vậy chẳng khác gì ca sĩ hát karaoke".

4-3645-1408849221.jpg

Dàn dây với 8 nghệ sĩ không được tỏa sáng vì bị lấn át bởi nhạc nền điện tử. Ảnh:The Q Chemistry.

Tuy rất nhiều người không hài lòng với chất lượng chương trình nhưng tất cả khán giả đều tỏ ra tôn trọng và yêu mến Richard Clayderman. 

Họ vỗ tay nồng nhiệt để cổ vũ cho các phần trình diễn của ông, hưởng ứng theo những màn pha trò của ông khiến khán phòng trở nên rộn ràng và thân mật. 

Richard không chỉ chơi đàn điêu luyện mà ông còn rất biết cách giao lưu với khán giả, từ cách giới thiệu bài hát hài hước, từ cách nói tiếng Anh ngập ngừng rồi chuyển qua nói tiếng Pháp siêu nhanh hay bước xuống sân khấu dành tặng bản nhạc của mình cho khán giả. 

Ông còn khiến khán giả cười sảng khoái khi làm... diễn viên hài trên sân khấu trong một phân đoạn tiểu phẩm. Cảnh ông cầm cây súng nhựa màu đỏ bắn con ruồi vo ve và "thủ phạm" trúng đạn rơi bịch xuống sân khấu làm cho khán giả rất vui thích, đặc biệt là các em nhỏ. 

Điều đó thể hiện rằng Richard muốn làm một nghệ sĩ gần gũi với khán giả, không câu nệ hay tỏ ra sang chảnh, cao ngạo khi trình diễn. Có lẽ vì thế mà ông nhận được nhiều tình thương mến của người nghe.

6-2585-1408850358.jpg

Màn pha trò "bắn ruồi" của Richard khiến khán giả cười thoải mái. Ảnh: Lý Võ Phú Hưng.

Đêm nhạc của ông diễn ra trong vòng 1 tiếng rưỡi và hầu hết những bản hit được tái hiện như Ballade pour Adeline hay những bản cover các tác phẩm nổi tiếng trong phim Titanic, liên khúc ABBA, Stevie Wonder. 

Với những ai mong tìm lại kỷ niệm gắn với Richard, những ai muốn được thấy thần tượng thật ngoài đời chắc hẳn họ thấy hài lòng. Nhưng với những khản giả mong muốn thưởng thức nghệ thuật thì họ đều bị thất vọng từ âm thanh, tới kỹ thuật và cách tổ chức của chương trình.

Theo ngoisao.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ