Đêm nay Việt Nam đón mưa sao băng Quadrantids cực đại

GD&TĐ - Đêm nay, Việt Nam xuất hiện trận mưa sao băng rực rỡ đầu tiên năm 2023 có tên gọi là Quadrantids.

Mưa sao băng Quadrantid dự kiến đạt cực điểm vào ngày 3-4/1. Ảnh: Reuters.
Mưa sao băng Quadrantid dự kiến đạt cực điểm vào ngày 3-4/1. Ảnh: Reuters.

Thông tin từ Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), mưa sao băng Quadrantids hàng năm đã bắt đầu vào ngày 26/12. Tuy nhiên, dự báo người yêu thích thiên văn có cơ hội quan sát cơn mưa sao băng đầu tiên trong năm Quadrantids, đạt cực đại vào đêm nay 3/1 và rạng sáng 4/1 (giờ Hà Nội).

Mưa sao băng Quadrantids được coi là trận mưa sao băng rực rỡ nhất năm 2023 bởi nó tạo nên những vệt lửa dài sáng hơn những ngôi sao băng thông thường nhìn thấy trên bầu trời đêm.

Trận mưa sao băng là kết quả của vệt mảnh vụn của tiểu hành tinh 2003 EH1, được phát hiện vào năm 2003.

Người ta tin rằng 2003 EH1 hoặc là một sao chổi đã chết.

Theo phân tích, mưa sao băng Quadrantids năm nay đã bắt đầu vào ngày 26/12/2022 và sẽ đạt cực đại vào ngày 3/1. Sau đêm cực đại, mưa sao băng sẽ yếu dần và hoàn toàn biến mất sau ngày 12/1.

Quadrantids là trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2023 và có thể quan sát được tại Việt Nam. Ảnh: Getty Images/ iStock.

Quadrantids là trận mưa sao băng đầu tiên của năm 2023 và có thể quan sát được tại Việt Nam. Ảnh: Getty Images/ iStock.

Theo trang Time and Date, số lượng sao băng mà người yêu thiên văn tại Việt Nam quan sát được trong đêm cực đại của mưa sao băng Quadrantids lên tới 110 ngôi sao băng mỗi giờ, gấp 10 lần nhiều trận mưa sao băng khác.

Còn theo NASA, mưa sao băng Quadrantids có thể xuất phát từ hướng đông bắc. Thời gian quan sát mưa sao băng Quadrantids tốt nhất tại Việt Nam là quá nửa đêm 3/1, khoảng từ 2h sáng trở đi.

Trở ngại lớn nhất cho việc quan sát mưa sao băng Quadrantids là trăng sói (trăng tròn tháng 1) đã đạt độ tròn khoảng gần 90% trong đêm 3/1, với ánh sáng có thể che lấp một số sao băng.

Tuy nhiên, do Quadrantids rơi rất dày nên người yêu thiên văn vẫn có thể chiêm ngưỡng hiện tượng thiên văn kỳ ảo này từ Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ