2021 - Năm lý tưởng để quan sát mưa sao băng Perseids

GD&TĐ - Mưa sao băng Perseids, được coi là lớn nhất hàng năm, sẽ đạt cực điểm vào gần giữa tháng 8 này. Năm nay, nếu không có biến cố đột ngột về thời tiết, bạn sẽ có điều kiện lý tưởng để quan sát hiện tượng này.

2021 - Năm lý tưởng để quan sát mưa sao băng Perseids

Nguốc gốc và đặc điểm

Mưa sao băng Perseids là hiện tượng diễn ra vào tháng 8 hàng năm với cực điểm rơi vào khoảng rạng sáng ngày 12, 13. Các sao băng của nó là những mảnh vụn còn sót lại khi sao Chổi 109P/Swift-Tuttle tiến về phía Mặt trời. Lần cuối sao Chổi này tới gần Mặt trời và cắt qua quỹ đạo của Trái đất là năm 1992 và lần tiếp theo sẽ là năm 2026.

Nhiều năm qua, Perseids là hiện tượng đáng chú ý đối với người yêu thích quan sát bầu trời đêm, nó là một trong hai mưa sao băng lớn nhất trong năm cùng với Geminids.

5 năm trước, vào tháng 8/2016, Perseids đã có một vụ bùng nổ sao băng với số lượng được quan sát rất lớn, lên tới hơn 1.000 sao băng mỗi giờ ở những khu vực có điều kiện quan sát tốt nhất.

Mưa sao băng năm nay rơi vào đầu tuần trăng. Cực điểm của Perseids sẽ có thể được theo dõi một cách hoàn toàn mà không bị ánh trăng cản trở. Mặt khác, dù chẳng phải hoàn toàn đáng vui mừng, việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19 đang khiến bầu trời ở các vùng đô thị trở nên trong lành hơn và giúp cho người quan sát được ngắm nhìn bầu trời một cách thoải mái hơn nhiều.

Vào khoảng thời gian cực điểm, số lượng sao băng mà bạn có thể nhìn thấy gần 100 sao băng mỗi giờ, hoặc nhiều hơn nếu đủ may mắn. Khoảng thời gian phù hợp nhất để quan sát mưa sao băng là vào các đêm lân cận cực điểm của nó.

Đối với Perseids thời điểm đó là rạng sáng các ngày 12, 13 và 14/8. Trong đó, rạng sáng ngày 13 năm nay sẽ là lúc gần cực điểm nhất. Bạn có thể quan sát hiện tượng này cả đêm, nhất là sau lúc nửa đêm, tuy nhiên lý tưởng nhất sẽ là từ sau 2 giờ sáng, vì khi đó Mặt trăng đã sắp lặn còn chòm sao Perseus đã lên đủ cao.

Vào rạng sáng các ngày nêu trên, hãy nhìn về bầu trời phía Đông Bắc và tìm chòm sao Perseus. Chòm sao này có lẽ không dễ xác định đối với những người chưa có nhiều kinh nghiệm, do đó đơn giản nhất là bạn chỉ cần nhìn lên bầu trời Đông Bắc với góc nhìn tính từ mặt đất từ 30 đến 50 độ.

Bạn cần theo dõi tình hình thời tiết. Nếu trời có mây mù hay mưa thì không có bất cứ hy vọng nào. Nếu không mưa, để kiểm tra một cách tốt nhất, trước thời điểm quan sát vài phút hãy ra nơi bạn định quan sát, nhìn lên bầu trời phía Đông, Đông Bắc từ 2 đến 3 phút để mắt bạn quen với bóng tối.

Nếu bạn có thể thấy khá nhiều các ngôi sao trên bầu trời thì tức là bạn chắc chắn thấy được sao băng. Không cần ống nhóm hay kính thiên văn hoặc bất cứ dụng cụ nào để nhìn thấy sao băng. Mắt thường chính là cách quan sát tốt nhất.

Mưa sao băng không giống như pháo hoa mà nhiều người vẫn tưởng. Ngay cả ở lúc cực điểm với điều kiện quan sát lý tưởng, khoảng thời gian giữa các sao băng có thể từ vài giây cho tới nhiều phút.

Thiên thạch và sao băng

Thiên thạch (meteoroid) là các vật thể nhỏ có thể di chuyển trên quỹ đạo bất kỳ trong không gian. Kích thước của thiên thạch là rất nhỏ, chỉ vài centimet như một viên đá trên Trái đất cho tới vài mét hay thậm chí lớn hơn, thường không có ranh giới thật rõ ràng với giới hạn kích thước của tiểu hành tinh.

Có hàng triệu thiên thạch lao vào Trái đất hàng ngày, hầu hết chúng rất nhỏ và bị nghiền nát ngay khi va chạm với tầng cao khí quyển. Những thiên thạch có kích thước lớn hơn (khoảng 10cm trở lên) bị đốt nóng do áp suất nén của khí quyển và phát sáng thành vệt dài trên đường chuyển động.

Thông thường vệt sáng này được quan sát thấy khi thiên thạch ở độ cao khoảng 75 đến 120km so với mặt đất (nếu khi tới đó nó chưa cháy hết), hiện tượng đó được gọi là sao băng.

Khi trời không mây và ít ô nhiễm ánh sáng, bất cứ đêm nào người quan sát cũng có thể thấy được một vài sao băng, mặc dù vậy, sự xuất hiện của chúng là không có chu kỳ cụ thể. Những sao băng sáng nhất có thể kéo dài một vài giây, nhưng hầu hết sao băng thông thường chỉ kéo dài chưa tới 1 giây trước khi tắt do thiên thạch cháy rất nhanh trong khí quyển.

Mưa sao băng

Mưa sao băng là hiện tượng quang học xảy ra khi nhiều sao băng xuất hiện cùng lúc hoặc liên tiếp với điểm xuất phát chung trên bầu trời. Mưa sao băng bắt nguồn từ đám mảnh vụn gồm rất nhiều thiên thạch trên quỹ đạo Trái đất, thường là phần sót lại của các tiểu hành tinh hay sao Chổi khi chúng đi qua quỹ đạo hành tinh.

Những đám thiên thạch này thường chứa nhiều thiên thạch, không đi toàn bộ vào khí quyển Trái đất trong một lần hành tinh của chúng ta đi qua khu vực của chúng. Do đó, hầu hết mưa sao băng là hiện tượng diễn ra hàng năm theo định kỳ.

Mưa sao băng thường kéo dài nhiều ngày, nhưng chỉ có một khoảng cực điểm ngắn. Tại cực điểm, một mưa sao băng có thể cho phép người quan sát nhìn thấy từ 10 đến hơn 100 sao băng (hoặc hơn) mỗi giờ (tùy thuộc vào mưa sao băng lớn hay nhỏ).

Đặc biệt, đã có một số mưa sao băng đặc biệt lớn với mật độ hàng nghìn hay thậm chí hàng chục nghìn sao băng mỗi giờ từng được ghi nhận, được gọi là các trận bão sao băng. Nổi tiếng về khả năng tạo bão nhất là mưa sao băng Leonids được ghi nhận đã gây ra bão sao băng vào các năm 1799, 1833 và 1966.

Sao băng và mưa sao băng chỉ có thể quan sát vào ban đêm, mặc dù ban ngày các thiên thạch vẫn lao vào khí quyển Trái đất nhưng chúng quá mờ nhạt so với ánh sáng Mặt trời.

Việc quan sát sao băng đòi hỏi yếu tố khí quyển rất quan trọng. Các đám mây mang nước ở thấp hơn nhiều so với độ cao mà thiên thạch cháy sáng, do đó, những đêm mây mù hay có mưa hoàn toàn không có khả năng quan sát hiện tượng này.

Tại các khu vực ô nhiễm khí quyển như các đô thị lớn, các công trường xây dựng, khả năng quan sát cũng hạn chế. Trăng sáng hoặc ánh đèn chiếu trực tiếp vào mắt cũng làm giảm mạnh khả năng quan sát sao băng.

Tên của các trận mưa sao băng được đặt theo tên chòm sao có chứa tâm của nó (nơi xuất phát tất cả sao băng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.