Thêm nhiều quy định mới
Dự thảo nói trên gồm 6 chương, 16 điều, trong đó đặt ra những điều kiện hành nghề với lái xe ôm như phải đủ sức khỏe, hiểu biết về quy tắc giao thông đường bộ... Phương tiện hành nghề phải có chứng nhận đăng ký và biển số hợp pháp. Lái xe đủ điều kiện sẽ được cấp thẻ, khi hành nghề thì đeo thẻ tại ngực áo trái hoặc mặc trang phục do tổ chức của người hành nghề (đội tự quản, nghiệp đoàn, hợp tác xã...) đăng ký với địa phương.
Cùng với đó, dự thảo cũng yêu cầu lái xe phải có chứng nhận đăng ký kinh doanh, hộ khẩu thường trú hoặc giấy tạm trú tại nơi đăng ký hành nghề và phải có đăng ký vận chuyển hành khách, hàng hóa... Trong trường hợp không hành nghề từ 30 ngày trở lên, lái xe phải trả lại phù hiệu cho đơn vị quản lý. Nếu phù hiệu bị mất phải có công văn báo mất kèm với xác nhận của công an địa phương để được hướng dẫn cấp lại.
Theo lý giải của Sở GTVT Hà Nội, mô tô, xe máy vẫn là loại hình giao thông chủ yếu trong đô thị, chiếm khoảng 90% nhu cầu đi lại và đang tiếp tục tăng nhanh. Các loại xe này tham gia vận chuyển hành khách, hàng hoá ngày một nhiều, gây nguy cơ mất ATGT và cạnh tranh không lành mạnh. Cơ quan này kỳ vọng, khi được phê duyệt, quy định này sẽ góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo thói quen đi lại văn minh cho người dân.
Trên thực tế, Hà Nội không phải là địa phương đầu tiên triển khai việc này. Trước đó, đầu năm 2011, TPHCM cũng đã triển khai quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô hai bánh. Vậy nhưng, việc triển khai thực hiện quy định gặp không ít vướng mắc khi người hành nghề xe ôm chủ yếu là dân ngoại tỉnh, không có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú dài hạn như quy định. Việc yêu cầu người hành nghề phải có “chứng nhận đăng ký kinh doanh” cũng là một nút thắt khó tháo gỡ.
Loại biển xe ôm tại Bến xe Giáp Bát |
Có “vẽ rắn thêm chân”?
Qua tìm hiểu thực tế tại Bến xe Giáp Bát cho thấy, lâu nay lái xe tham gia chở khách ở khu vực này đều phải có đủ các điều kiện về sức khỏe, bằng lái, đăng ký, bảo hiểm xe và sơ yếu lý lịch, xác nhận của UBND phường cư trú. Tài xế xe ôm trong bến đều phải mặc đồng phục, in mã số và đeo thẻ có ảnh nhận diện. Trong trường hợp nếu xảy ra sự cố, vấn đề trên đường đi, khách hàng có thể đọc mã số tài xế để phản ánh đến quản lý đội xe qua đường dây nóng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Phấn, tài xế xe ôm tại Bến xe Giáp Bát cho rằng, tất cả quy định của pháp luật về đáp ứng điều kiện hành nghề đều đã được các lái xe ôm tuân thủ nghiêm. Trong trường hợp tài xế xe ôm vi phạm pháp luật đã có thông tin của đơn vị quản lý tại bến xe. “Đeo thêm một tấm thẻ trên ngực không nặng nhọc gì, nhưng tôi cho rằng, đây là việc không cần thiết. Pháp luật đã quy định rất rõ về người tham gia giao thông phải thực hiện những gì thì cứ như thế mà thực hiện”, ông Phấn bày tỏ quan điểm.
Anh Nguyễn Văn Thiện, lái xe Grab Bike ở Bến xe Mỹ Đình bày tỏ quan điểm: “Chúng tôi là xe ôm công nghệ. Để được hành nghề chúng tôi đã phải đăng kí thông tin cho doanh nghiệp đầy đủ. Khi đủ điều kiện mới được doanh nghiệp cho phép hoạt động. Khi khách hàng đặt xe, trên ứng dụng đã hiện đầy đủ thông tin về tên tuổi, biển số xe. Vì vậy, sẽ chẳng mấy ai quan tâm đến cái thẻ đeo nhỏ xíu trên ngực áo. Tôi cho rằng, việc làm này giống như “vẽ rắn thêm chân”. Quy định mới thì nên bám sát thực tế cuộc sống để tránh phiền hà thêm cho người lao động”.