Phương tiện gia dụng đường thủy liên tiếp gặp tai nạn
Ủy ban ATGT Quốc gia vừa có báo cáo gửi Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về tình hình tai nạn của phương tiện gia dụng trên đường thủy nội địa.
Theo đó, hồi 15h10 ngày 25/02/2020, trên tuyến sông Vu Gia thuộc địa phận thôn Khương Mỹ (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) xảy ra vụ lật thuyền gia dụng làm 6 người chết.
Theo thông tin ban đầu, chiếc thuyền gia dụng chở theo 10 người (7 người lớn, 3 trẻ em) trú ở xã Đại Cường đi làm ruộng ở bãi bồi Mỹ Thuận khi về đến giữa sông gặp gió chướng cộng với việc chở quá nhiều người (thông thường chỉ chở tối đa 6 người) khiến cho thuyền bị lật.
Sự cố xảy ra, người dân trên các phương tiện gần khu vực thuyền bị nạn đã nhanh chóng cứu sống được 4 người. Chính quyền địa phương cũng đã huy động hơn 200 người nỗ lực tìm kiếm các nạn nhân còn lại dưới sự chỉ huy trực tiếp của lãnh đạo các cấp tại địa phương. Đến 22h45 cùng ngày, toàn bộ thi thể của 6 nạn nhân còn lại (2 nam, 4 nữ trong đó có 2 trẻ em) đã được tìm thấy.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cũng đã trực tiếp xuống hiện trường phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ tai nạn; thăm hỏi, hỗ trợ động viên gia đình các nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương.
“Hiện tại, các cơ quan chức năng địa phương đang tiến hành điều tra, xác minh để kết luận nguyên nhân vụ việc. “Tuy nhiên, với những thông tin ban đầu từ hiện trường cho thấy, chiếc thuyền được đưa vào hoạt động mà không có áo phao hoặc thiết bị cứu sinh cho người tham gia giao thông theo quy định. Ngoài ra, việc chở quá nhiều người và gió mạnh, sóng lớn cũng là lý do dẫn đến xảy ra vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này”, văn bản nêu.
Đáng lưu ý, theo số liệu thống kê, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn khi sử dụng thuyền gia dụng chở người, hàng hoá, làm chết nhiều người, điển hình là: vụ lật thuyền tự chèo do 6 em học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt sử dụng trên lòng hồ thủy điện Thác Mơ (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) làm 3 học sinh tử vong vào trưa ngày 20/9/2019; Vụ lật thuyền gia dụng trên sông Trà Lý (TP. Thái Bình) làm 2 người trên thuyền tử vong vào trưa ngày 6/1/2020. Gần đây nhất là vụ lật thuyền gia dụng chở theo 12 người là 6 cặp vợ chồng đi khai thác keo tràm làm 3 người chết trên sông La Ma (huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế) vào sáng ngày 15/2.
Tăng nặng mức phạt phương tiện gia dụng thiếu an toàn trên đường thủy
Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo đánh giá của cơ quan chức năng, nguyên nhân của các vụ tai nạn đường thuỷ nêu trên chủ yếu do các phương tiện gia dụng đều do người dân và các cơ sở sản xuất thủ công tự đóng để phục vụ nhu cầu đi lại, sản xuất nông nghiệp, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm, kiểm định về ATGT.
“Hiệu lực, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục quy định pháp luật, hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT đường thuỷ đối với việc sử dụng và tham gia giao thông bằng phương tiện gia dụng còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, chế tài xử phạt đối với việc đưa phương tiện không có thiết bị an toàn, phao cứu sinh hoặc thiết bị cứu sinh vào hoạt động còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi không mặc áo phao (không mang dụng cụ cứu sinh) đối với người điều khiển phương tiện và người tham gia giao thông đường thuỷ trên phương tiện gia dụng”, Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay.
Trước thực trạng trên, Ủy ban ATGT Quốc gia đã đề nghị đồng chí Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm TTATGT đường thuỷ nội địa.
Đặc biệt, Bộ GTVT cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 132/2015 của Chính phủ theo hướng siết chặt quy định, tăng nặng chế tài xử phạt để ngăn ngừa các hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường thuỷ, trong đó có hành vi đưa phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 - 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 - 12 người, phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa mà không tuân thuỷ các quy định về ATGT; Bổ sung chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định bắt buộc về mặc áo phao hoặc cầm theo dụng cụ cứu sinh đối với người đi trên các loại phương tiện nêu trên.
Ủy ban ATGT Quốc gia cũng kiến nghị Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an yêu cầu công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về TTATGT đường thuỷ nội địa.
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ cần chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật ATGT đường thủy nội địa nhằm nâng cao ý thức chấp hành cho người dân; Cảnh báo các nguy cơ tai nạn, đuối nước khi tham gia giao thông bằng phương tiện thủy gia dụng mà không có trang thiết bị cứu sinh theo quy định; Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về việc đưa vào sử dụng và tham gia giao thông đối với các loại phương tiện nêu trên.