Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh như vậy liên quan đến đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021.
Có cơ sở đề xuất tăng lương
Chia sẻ với PV chiều 5/1, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2021 của cơ quan này đưa ra là dựa trên nhiều cơ sở.
Trước hết, theo Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, trong đó đã xác định rõ từ năm 2021 Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia.
Đồng thời, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 thì bổ sung thêm các tiêu chí điều chỉnh lương tối thiểu như: mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Ông Quảng nhìn nhận, có thể nói nhiều năm qua tiền lương tối thiểu được tăng khá ấn tượng, từ năm 2014 đến nay tăng 66,4%. Tuy nhiên, riêng năm 2020 khi xem xét mức lương tối thiểu vùng cho năm 2021 được đặt trong bối cảnh đặc biệt hơn do tác động của đại dịch Covid -19 đã gây ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp và nền kinh tế.
Do đó, tại phiên họp lần 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia hồi tháng 8/2020, các thành viên của Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người sử dụng lao động đã đề xuất là không xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 trong cả năm, tức là vẫn áp dụng tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 90 cho năm 2021.
"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đồng ý chưa xem xét điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2021 cho đến ngày 30/6/2021, còn từ đầu năm 2021 chúng ta sẽ xem xét lại các thông tin, căn cứ để điều chỉnh theo quy định, từ điều kiện kinh tế xã hội, nhất là khả năng khắc phục đại dịch Covid 19 để điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động", ông Quảng thông tin.
Bên cạnh đó, một lý do nữa là từ đầu năm 2021 Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ được bổ sung thêm 2 thành viên theo Bộ luật Lao động 2019, đây là các chuyên gia độc lập ngoài thành viên như quy định cũ.
"Trong năm nay 2020, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng GDP của chúng ta vẫn tăng trưởng dương, năng suất lao động tăng 5,4%, các chỉ tiêu về tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu, thành lập doanh nghiệp…là có cơ sở để xem xét điều chỉnh tiền lương được. Nếu không điều chỉnh thì tiền lương tối thiểu sẽ không đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ", ông Quảng dẫn chứng.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét sang quý 1/2021 Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp để cân nhắc lại các tiêu chí nhằm đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ 1/7/2021.
Áp lực tăng chi phí lên doanh nghiệp là khó tránh
Về phía doanh nghiệp, ông Quảng cũng thừa nhận việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng chắc chắn là có ảnh hưởng vì sẽ tăng thêm chi phí là khó tránh khỏi.
"Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ sẽ tăng ở mức độ nào đó để hài hòa cho cả hai phía, đảm bảo được người lao động có mức tăng tương ứng để đảm bảo cuộc sống, đặc biệt đảm bảo an sinh xã hội. Tôi cũng nghĩ rằng, chúng ta nên có cách nhìn nhận nữa là đừng nghĩ một chiều, bởi khi người lao động được tăng thu nhập, an sinh xã hội tốt thì họ sẽ gắn bó chặt chẽ, có trách nhiệm hơn với doanh nghiệp, điều này cũng tác động tích cực trở lại doanh nghiệp", ông Quảng nhấn mạnh.
Không phủ nhận việc tăng lương tối thiểu chắc chắn sẽ tạo áp lực cho doanh nghiệp, song đại diện tổ chức công đoàn cho rằng, điều này cũng sẽ tạo cho doanh nghiệp áp lực là cần tiếp tục cải tiến kỹ thuật, tiết giảm những thứ không cần thiết để tăng thu nhập cho người lao động. Nhìn nhận ở góc độ tích cực thì đây vừa là thách thức nhưng cũng là một cơ hội cho các doanh nghiệp.
"Đây mới là kiến nghị của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, còn điều chỉnh thế nào sẽ tính toán trên khả năng chịu đựng của doanh nghiệp cũng như đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, đây là việc Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ xem xét kỹ", ông Quảng khẳng định.
Thông tin thêm, ông Quảng cũng cho biết, theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chính phủ cũng chỉ đạo Hội đồng tiền lương Quốc gia nghiên cứu, kiến nghị về việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng 2021 và việc tăng lương tối thiểu bắt đầu từ ngày 1/7 hàng năm.
Chính phũ cũng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan đánh giá tình hình kinh tế - xã hội làm căn cứ để đề xuất, báo cáo Chính phủ trước quý 2/2021.
"Kiến nghị của chúng tôi đã được Chính phủ ghi nhận còn đề xuất có điều chỉnh hay không thì các cơ quan sẽ làm việc và tham mưu báo cáo với Chính phủ để Chính phủ quyết định", đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thông tin.