Đề xuất quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy

GD&TĐ - Một số đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới.

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).

Báo cáo tiếp thu giải trình về các nội dung liên quan do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - Lê Tấn Tới trình bày.

Ông Lê Tấn Tới cho hay, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng như chủ đầu tư, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình trong việc chuẩn bị các phương tiện, thiết bị PCCC theo quy định và phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện.

Tiếp thu ý kiến về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC&CNCH.

Trong đó, có trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông.

Các chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở cũng nằm trong quy định này.

Về phòng cháy, theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Cũng có ý kiến đề nghị tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đề nghị tách Điều 17 về phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều, 1 điều về phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.

Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà) cho rằng, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc phòng cháy.

dbqh.jpg
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hoà).

Đại biểu cho biết, Điều 7 dự thảo Luật có quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.

Tuy nhiên, điều luật này cũng chưa nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình.

Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 3 Điều này nội dung: "Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình phải chịu trách nhiệm chính trong việc phòng cháy, trong trường hợp để xảy ra cháy tại cơ quan, tổ chức, gia đình mình".

Điều 23 của dự thảo Luật có quy định về phòng cháy trong lắp đặt, sử dụng điện.

Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa nêu rõ hệ thống thiết bị an toàn trong việc sử dụng điện cho sinh hoạt cũng như sản xuất, kinh doanh, mới chỉ nêu chung chung các điều kiện an toàn phòng cháy.

Đại biểu cho rằng, cần nêu rõ hơn trong mỗi thiết bị sử dụng điện phải có hệ thống cầu chì, để khi xảy ra cháy, cầu chì sẽ tự ngắt nguồn điện, không gây cháy các phương tiện, thiết bị khác.

Đại biểu đề nghị bổ sung Điều 23 một khoản với nội dung: Khi lắp đặt, sử dụng điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phải có thiết bị bảo đảm tự ngắt nguồn điện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.