Đề xuất nhiều giải pháp quản lý ô nhiễm nước sông Hà Nội

GD&TĐ - Đại diện các sở ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế vừa góp ý tham vấn cho Hà Nội về các giải pháp xử lý nước sông ô nhiễm. 

 Ô nhiễm ở sông Tô Lịch, Hà Nội.
Ô nhiễm ở sông Tô Lịch, Hà Nội.

Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo tham vấn các bên liên quan về nghiên cứu quản lý, kiểm soát ô nhiễm nguồn nước các sông: Tô Lịch, Nhuệ, Đáy, Tích, Bùi. Dự hội thảo có đại diện các sở, ngành, địa phương, cơ quan nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, để giảm ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy và các sông khác, cần thiết đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thành phố Hà Nội đã phê duyệt như: Xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc; xây dựng Nhà máy Xử lý nước thải tập trung tại các địa phương dọc lưu vực sông Nhuệ - Đáy... Bên cạnh đó, bố trí đủ nguồn lực để thực hiện các quy hoạch về tiêu, thoát nước...

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, Hội Cấp thoát nước Việt Nam, Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường... chia sẻ, Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền để nhân dân bảo vệ các dòng sông; có chế tài xử lý nghiêm các hành vi xâm hại nguồn nước, quan tâm bổ cập nguồn nước, nâng cao khả năng tự làm sạch của các dòng sông...

Đánh giá cao những ý kiến, tham luận tại hội thảo, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội mong muốn các cơ quan và các nhà khoa học trong nước và quốc tế tiếp tục nghiên cứu các giải pháp, công nghệ, hỗ trợ cho thành phố trong quản lý, xử lý nguồn nước ô nhiễm của các dòng sông.

Về vấn đề xử lý nước sông ô nhiễm, trước đó, vào 11/4/2019, đoàn chuyên gia Nhật trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất tài trợ miễn phí thiết bị công nghệ bio-nano, thí điểm xử lý ô nhiễm một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây.

Nhật Bản sẽ mang thiết bị có tốc độ xử lý siêu nhanh đặt dưới lòng sông Tô Lịch. Công nghệ này gồm máy sục khí công nghệ nano sử dụng vật liệu thiên nhiên. Chuyên gia Nhật cho biết, chỉ sau ba ngày, mùi ô nhiễm sẽ giảm nhiều.

Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành cho biết: "Đây mới là đề xuất thử nghiệm nên chúng tôi cần chờ kết quả xem mức độ hiệu quả ra sao, sau đó mới quyết định.

Hiện, mọi giải pháp xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch mới là tạm thời, chúng ta vẫn cần phải có giải pháp căn cơ cho việc ô nhiễm ở con sông này". Ông Thành nhấn mạnh nguồn ô nhiễm ở sông Tô Lịch vẫn là việc nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra sông, giải pháp này vẫn chỉ là tạm thời.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ