Không để Tô Lịch thành dòng sông chết

GD&TĐ - Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TS Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên Hợp Quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản đã đưa ra đề nghị: Nhật Bản sẽ mang thiết bị công nghệ bio-nano đặt dưới lòng sông Tô Lịch, chỉ sau 3 ngày xử lý, sẽ giảm đáng kể mùi hôi thối, dần làm sạch lòng sông.

Sẽ cải tạo ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ nano Nhật Bản
Sẽ cải tạo ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ nano Nhật Bản

Sông chết giữa lòng thành phố

Bao đời nay, con sông Tô Lịch với chiều dài hơn 10 km chảy trong địa phận Thủ đô Hà Nội, qua các quận huyện như: Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì. Sông còn như một đường thủy bao quanh để bảo vệ kinh đô Thăng Long.

Tuy nhiên, sông Tô Lịch đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm nặng. Nguyên do bởi quá trình đô thị hóa của Thủ đô Hà Nội diễn ra quá nhanh. Dân đông, cống nước thải từ khu dân cư đều đổ ra dòng sông. Thêm vào đó, những người dân kém ý thức đã vứt rác xuống lòng sông, làm cho dòng sông nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân ven sông.

Anh Nguyễn Văn Minh, sống ở làng Quan Hoa, cạnh sông cho biết: “Mùa đông dân sống gần sông đỡ khổ chứ mùa hè mùi hôi thối bốc lên rất ngột ngạt và khó chịu. Rác nhiều lúc dồn về phía Cầu Giấy. Thậm chí, nếu ngồi trong ô tô, sử dụng lấy không khí từ ngoài vào, qua sông này cũng không chịu nổi từ mùi xú uế”.

Theo quan trắc của Sở TN&MT TP Hà Nội, vào mùa khô hàm lượng oxy hòa tan (DO) thấp hơn so với tiêu chuẩn cho phép 2,5 lần, nhu cầu oxy hóa học (COD) vượt quá TCCP trung bình 4,2 lần, hàm lượng amoniac (NH4+) vượt quá TCCP trung bình 17,3 lần, hàm lượng chất tẩy rửa vượt quá TCCP trung bình 6,5 lần, tổng số coliform vượt quá TCCP trung bình hơn 9,55 lần... vào mùa mưa, mức độ ô nhiễm có giảm đi nhưng nước sông Tô Lịch vẫn bị ô nhiễm nặng, nước sông có màu đen, có váng, cặn lắng.

GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho biết: “Sông Tô Lịch ô nhiễm, bấy lâu nay các nhà khoa học đã đề cập. Lãnh đạo thành phố cũng hứa hẹn xử lý nhiều rồi để đấy, chưa có hướng triệt để, nên nguồn nước vẫn ô nhiễm nặng. Thành phố mới đưa một số bè cây sinh thái đặt trên từng khúc sông, nhưng nhìn chung chưa đến nơi đến chốn. Hy vọng thành phố sẽ có những giải pháp tốt để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch. Chúng ta không nên để sông Tô thành dòng sông chết giữa thành phố”.

Sông Tô Lịch qua đoạn Cầu Giấy
  • Sông Tô Lịch qua đoạn Cầu Giấy

Thử nghiệm hiệu quả sẽ làm đại trà

Theo TS Tadashi Yamamura, phía Nhật Bản dự kiến sử dụng thiết bị công nghệ nano đặt dưới lòngđể làm sạch sông Tô Lịch. Đặc biệt, với công nghệ bio-nano hiện đại nhất hiện nay, chỉ sau 3 ngày, mùi hôi thối của nước sông sẽ giảm đi nhiều. Phía Nhật Bản đã điều tra, khảo sát trong 2 năm mới đưa ra đề nghị này.

Với tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch hiện nay, việc áp dụng công nghệ hiện đại để xử lý ô nhiễm luôn là vấn đề cấp bách, cần làm ngay. Tuy nhiên, ở góc độ khoa học môi trường, cũng có cách nhìn thận trọng, triển khai sao cho hiệu quả. “Theo tôi, đây là công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Song muốn làm phải thí nghiệm, chưa nên đại trà. Công nghệ nano tốn tiền, cần phải làm thử, trong vòng 1 - 2 tuần kết quả tốt sẽ nhân rộng đại trà. Còn nếu tốn kém mà không hiệu quả thì chúng ta sẽ dừng lại, tìm công nghệ khác cho phù hợp hơn”, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh nhấn mạnh.

Ông Huỳnh cũng cho biết thêm, các nước trên thế giới triển khai biện pháp này nhiều nhưng với nước ta, áp dụng công nghệ nano vào giải quyết ô nhiễm môi trường nước là mới. Nhiều quốc gia đã sử dụng công nghệ hiện đại này, tiêu biểu như Đức, họ tự sản xuất công nghệ và áp dụng đại trà xử lý ô nhiễm nước, bởi công nghệ của họ làm ra. Gần đây, Hàn Quốc cũng áp dụng giải pháp này. Áp dụng công nghệ này sẽ giúp TP Hà Nội giải quyết vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.