Trước đó, ngày 17-6, Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo phát hiện Phạm Văn Tân trú tại khu dân cư số 7, huyện Côn Đảo vận chuyển 116 quả trứng qua khu vực mũi Chim Chim, huyện Côn Đảo.
Di dời trứng vích về lò ấp.
Qua kiểm tra, 116 quả trứng này màu trắng, hình tròn, vỏ ngoài có dính cát, nghi là trứng của loài rùa xanh hay còn gọi là vích. Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Côn Đảo đã phối hợp với Công an, VKSND huyện Côn Đảo tạm giữ tang vật để xác minh.
Tân khai nhận đã sang hòn Bảy Cạnh lấy trộm trứng vích. Công an huyện Côn Đảo đã trưng cầu giám định và kết quả số trứng trên là trứng vích (tên gọi khoa học là Chelonia mydas). Sau khi hoàn thiện hồ sơ, Công an huyện Côn Đảo ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Văn Tân về hành vi “vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ” nhưng không được phê chuẩn.
Rùa con về biển.
Lý do Viện kiểm sát nhân huyện Côn Đảo không phê chuẩn quyết định khởi tố đối tượng có hành vi trộm 116 quả trứng vích vì “trứng vích không phải là sản phẩm của vích vì không qua chế biến từ một cá thể vích, trứng cũng không được xem là một cá thể hay bộ phận của cá thể” và do đó không thể khởi tố vụ án hay bị can được. VKSND huyện Côn Đảo cũng đã xin ý kiến VKSND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và được trả lời không đủ yếu tố cấu thành tội phạm.
Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) đã đề xuất khởi tố vụ án hình sự đối với đối tượng trộm trứng vích. Theo ENV, trong Công văn số 538/PLHSHC-HS ngày 9/8/2016 về việc góp ý kiến xác định loài thuộc danh mục nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính thuộc Bộ Tư pháp gửi Ban quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo, cơ quan này đã giải thích: “Theo quy định tại Điều 3 Luật Thú y năm 2015 (trước đây là Pháp lệnh Thú y) thì trứng của động vật trên cạn hay động vật dưới nước đều là sản phẩm của chúng. Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành thì trứng vích là sản phẩm của con vích”.
Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc phụ trách chương trình Chính sách – Pháp luật của ENV cho biết: “Theo quy định tại Điều 190 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), hành vi vận chuyển, buôn bán sản phẩm, bộ phận của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ như vích đều phải ngay lập tức bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự bất kể số lượng, khối lượng hay giá trị tang vật.
Rùa biển (vích) con.
Tuy theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP, trứng vích là “mẫu vật” của loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nhưng rõ ràng trong trường hợp 2 quy phạm pháp luật cùng quy định một vấn đề, văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn sẽ được áp dụng. Vậy nên trứng vích phải được coi là sản phẩm của vích như Bộ Tư pháp đã phân tích và các cơ quan chức năng huyện Côn Đảo có đầy đủ căn cứ pháp lý để khởi tố vụ án cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng trộm trứng Vích”.
Vích (Chelonia mydas) và các loài rùa biển khác là loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm thuộc Phụ lục I của Công ước về việc buôn bán quốc tế động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và đồng thời nằm trong Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ của Việt Nam, ngang hàng với hổ, voi, tê giác.