Đề xuất cấm mua bán vàng bằng tiền mặt: Có khả thi?

GD&TĐ - Theo các chuyên gia, đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng là tốt và cần thiết, nhưng vẫn khó thực hiện.

Kiến nghị bắt buộc không dùng tiền mặt mua, bán vàng.
Kiến nghị bắt buộc không dùng tiền mặt mua, bán vàng.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đề xuất bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng là tốt và cần thiết, nhưng vẫn khó thực hiện trong tình hình hiện tại.

Tăng cường quản lý

Nhằm minh bạch hoạt động kinh doanh vàng, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ được kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ khi có đăng ký kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có địa điểm, cơ sở vật chất, các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ.

Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 1/7/2022, hóa đơn điện tử đã được triển khai trên toàn quốc đối với các doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Theo đó, 100% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vàng bạc đã sử dụng hóa đơn điện tử.

Sau hơn một năm triển khai trên toàn quốc, đã có 53.425 cơ sở kinh doanh áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Trong đó, có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng, bạc đã thực hiện áp dụng và sử dụng trên 1,065 triệu hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.

Để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành, địa phương trong công tác quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh vàng, ngoài các giải pháp của ngành thuế, Tổng cục Thuế kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, trình cấp thẩm quyền quy định bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch kinh doanh vàng, đồng thời quy định cơ chế kiểm soát các giao dịch này.

Đồng tình với kiến nghị trên, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử khi mua bán vàng cũng là thực hiện chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện nay, hành lang pháp lý đã có, vàng cũng không thể là mặt hàng ngoại lệ.

Theo ông Hiếu, vàng là một trong những kênh để rửa nguồn tiền bẩn. Những nguồn thu từ hoạt động trốn thuế, tham ô, phạm pháp khác… đều có thể sử dụng qua kênh vàng để rửa bởi giá trị lớn và không cần đứng tên sở hữu. Vàng được mua bằng tiền mặt, sau đó bán ra bằng hình thức chuyển khoản để hợp thức. Chính vì vậy, khi mua vàng miếng thì cần chuyển khoản mà không chờ đến giá trị lên 400 triệu đồng mới thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo TS Hiếu, việc quy định hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong giao dịch vàng không ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường vàng mà tập trung chủ yếu vào các doanh nghiệp kinh doanh vàng.

“Quá trình kinh doanh vàng từ trước đến nay, việc sử dụng tiền mặt được các doanh nghiệp thực hiện nhiều nhằm tránh việc cơ quan thuế kiểm soát doanh thu, giảm bớt lượng thuế phải nộp.

Ngoài ra, các cửa hàng vàng thường thực hiện hoạt động mua bán ngoại tệ, một số trong số đó có thể là hoạt động trái phép. Vì vậy, việc áp dụng các phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt có thể gặp khó khăn. Các giao dịch thông qua ngân hàng được xem xét nghiêm ngặt hơn, đặc biệt hỗ trợ cho việc ngăn chặn hoạt động rửa tiền”, TS Hiếu cho biết.

Người tiêu dùng ảnh hưởng…

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam cho biết, cả nước có 5.835 cơ sở kinh doanh vàng bạc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Con số này chiếm đến 80 - 90% số đơn vị của ngành kinh doanh vàng bạc, cho thấy bước đầu đã kiểm soát được các đơn vị kinh doanh.

Song, ngành thuế lại muốn phải chuyển khoản, không thanh toán bằng tiền mặt với các giao dịch mua bán vàng là không khả thi. Người tiêu dùng sẽ phản ứng đầu tiên, chứ không phải doanh nghiệp.

Nếu mua số lượng vàng lớn hay mua vàng miếng SJC có thể áp dụng nhưng nếu chỉ mua nhỏ lẻ một chỉ vàng hay vàng nữ trang sẽ khó thực hiện bởi không phải ai cũng có tài khoản, thẻ tín dụng, đặc biệt là với người già mua vàng để tiết kiệm, tích lũy.

Cũng theo ông Khánh, nếu bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch mua bán vàng cũng không tác động nhiều đến thị trường, không khiến thị trường vàng trầm lắng hay giá vàng giảm xuống.

“Nếu dùng biện pháp hành chính bắt buộc trong thanh toán giao dịch vàng miếng không dùng tiền mặt nhằm kiểm soát thị trường vàng, nó sẽ đi “ngầm” hết. Hơn nữa, việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ đang tiến tới ngành kinh doanh không có điều kiện, giờ lại đề xuất không dùng tiền mặt với giao dịch mua bán vàng là mâu thuẫn”, ông Khánh cho biết.

Đồng quan điểm, chuyên gia Trần Minh Phong cho rằng, đề xuất trên về tính minh bạch thì tốt nhưng khó khả thi, bởi vàng khác với xăng dầu, xăng dầu là đối tượng người ta làm có cơ sở vật chất, có điều kiện để phát hóa đơn, ngoài ra không phải người dân nào cũng có tài khoản, nếu quy định vậy sẽ bất tiện cho người dân.

“Hiện, các đối tượng mua vàng tại Việt Nam rất phong phú, có nhiều người là người già, người dân ở vùng nông thôn, họ mua vàng để tích trữ, phòng các trường hợp rủi ro, hoặc mua để biếu, tặng với số lượng nhỏ từ nửa chỉ đến một vài chỉ vàng và những đối tượng này thường không hiểu biết về công nghệ, không có điện thoại thông minh để giao dịch thanh toán bằng chuyển khoản nên việc cấm dùng tiền mặt là làm khó người dân”, ông Phong chia sẻ.

Ngoài ra, ở Việt Nam người dân vẫn còn thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch mua bán, cho nên việc cấm dùng tiền mặt đối với bất kỳ giao dịch nào là điều không thể, kể cả là mua bán vàng.

“Đề xuất này chỉ phù hợp với những đối tượng mua vàng để đầu tư, mua với số lượng lớn. NHNN quy định thanh toán không dùng tiền mặt với các giao dịch vàng từ 1 lượng vàng trở lên sẽ khả thi và phù hợp hơn”, ông Phong cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ