Tiết kiệm hơn 4 nghìn tỷ đồng/năm
Ngày 9/12, Cổng Dịch vụ công Quốc gia (Cổng dịch vụ) đã chính thức khai trương và đi vào vận hành sau 9 tháng triển khai. Cổng Dịch vụ hoạt động sẽ góp phần làm minh bạch hóa, giảm thời gian và chi phí để người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính. Ví Điện tử MoMo cũng được Chính phủ lựa chọn là kênh thanh toán điện tử của Cổng dịch vụ.
Việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến qua Cổng dịch vụ sẽ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, tái sử dụng các thông tin. Từ đó giảm đáng kể chi phí xã hội trong thực hiện thủ tục hành chính.
Theo tính toán từ Ban đề án, việc chuyển phương thức thanh toán sẽ tiết kiệm được 4.222 tỷ đồng/năm. Con số này sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ thuận với số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng dịch vụ.
Chia sẻ về sự kiện này, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch Công ty CP Dịch vụ Di động trực tuyến cho biết: “Cổng Dịch vụ công Quốc gia chính thức đi vào hoạt động và sẽ là công cụ quan trọng, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam. Hướng tới phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội đất nước”.
Theo ông Diệp, trong giai đoạn đầu, Ví MoMo sẽ miễn thu phí dịch vụ để khuyến khích người dân sử dụng. Hỗ trợ về mặt công nghệ trong quá trình kết nối. Song song đó, Ví MoMo cũng phối hợp với các tỉnh/thành phố tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tạo thói quen sử dụng các công cụ thanh toán không dùng tiền mặt.
Cổng dịch vụ đang thí điểm thanh toán trực tuyến một số dịch vụ công thiết yếu như: Đổi giấy phép lái xe; Thông báo hoạt động khuyến mại; Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế do mất, hỏng; Dịch vụ cấp điện hạ áp... Do đó, việc kết nối giữa Ví MoMo và các tỉnh/thành phố khác sẽ vẫn diễn ra bình thường.
Ông Diệp cho biết thêm, về lâu dài, cổng dịch vụ công của các tỉnh/thành phố sẽ được liên kết vào Cổng dịch vụ công Quốc gia, tập trung về một mối. Tuy nhiên, với những dịch vụ công mang tính đặc thù của từng địa phương thì vẫn do địa phương giải quyết.
Đại diện của VNPT - đơn vị cung cấp dịch vụ khẳng định: “Áp dụng thanh toán không tiền mặt là một xu thế tất yếu. Nó giúp giảm tải thời gian, công sức, nhân lực cho người dân, doanh nghiệp và cả bộ máy hành chính quốc gia”. “Hình thức thanh toán trực tuyến sẽ được quy hoạch để triển khai theo tiến độ ở từng lĩnh vực. Tiến tới, tất cả các lĩnh vực đều có thể thanh toán trực tuyến trên phạm vi cả nước” - đại diện Tập đoàn VNPT cho hay.
Xu thế tất yếu
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI nhận định, thanh toán không dùng tiền mặt đang là một xu thế ngày càng phát triển. Nó mang lại sự thuận tiện cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Góp phần thay đổi cách thức quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại.
Dù thương mại điện tử tăng trưởng nhưng phương thức thanh toán chủ yếu vẫn là dùng tiền mặt. Ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử đưa ra dẫn chứng rằng, trong 5 năm gần đây, 80% khách hàng hiện vẫn dùng phương thức nhận hàng trả tiền (COD).
Nhiều chuyên gia cho rằng, người dân vẫn còn lo ngại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn do bảo mật kém. Tuy nhiên, ông Hồ Cảnh Liêm - Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) cho biết, ngành ngân hàng đang triển khai các nội dung về rà soát, đánh giá rủi ro và triển khai các giải pháp an ninh bảo mật.
Điều này nhằm nâng chất lượng dịch vụ, đồng thời tăng độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ. Qua đó tạo lòng tin, giúp người dùng dần bỏ thói quen tiêu tiền mặt.
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico khẳng định, tăng cường các hình thức bảo mật là điều quan trọng ở thời điểm hiện nay. Đã có rất nhiều vụ việc mất tiền của người dùng qua các giao dịch điện tử thời gian qua.
Để thúc đẩy xu thế thanh toán không tiền mặt, ông Hồ Cảnh Liêm cũng cho biết thêm, NHNN đã đề xuất bổ sung quy định về tiền điện tử.
Trong đó, các hình thức thể hiện của tiền điện tử là ví điện tử, thẻ trả trước (Prepaid Card), tiền di động (Mobile Money); đối tượng cung ứng tiền điện tử gồm có ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (thẻ trả trước) và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (ví điện tử, tiền di động).