Đề xuất 3 tháng thay đổi giá điện một lần

Bộ Công Thương đề xuất 3 tháng điều chỉnh giá điện một lần. Nếu mức điều chỉnh dưới 5%, EVN sẽ được quyết, từ 5-10% do Bộ Công Thương quyết, từ 10% trở lên Thủ tướng quyết định.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: Kiều Vui.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: Kiều Vui.

Tại cuộc họp công bố giá thành sản xuất, kinh doanh điện năm 2015 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sáng 20/1, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - cho biết Bộ đã chỉ đạo EVN xây dựng giá điện cơ sở năm 2017. Giá điện sẽ được xây dựng dựa trên tính toán giá thành sản xuất của năm 2015, ước tính năm 2016 để trình Bộ thẩm định.

“EVN đang triển khai xây dựng giá cơ sở nên chưa có quyết định điều chỉnh giá điện trong năm nay” - Ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, việc thay đổi giá điện phụ thuộc vào 4 yếu tố gồm chi phí nhiên liệu, tỷ giá, biến động tỷ lệ nguồn điện (tỷ lệ huy động từ các nhà máy nhiệt điện, thủy điện…) và chi phí mua điện từ các nhà máy điện.

Trong năm 2017, nếu các chi phí đầu vào trên ở EVN cao hơn 7%, Bộ sẽ điều chỉnh giá điện.

Năm nay, dự báo giá nhiên liệu trên thế giới và trong nước biến động nhiều, nhanh nên trong dự thảo Luật trình Thủ tướng, Bộ Công Thương đề xuất thời gian điều chỉnh giá điện sẽ giảm xuống còn 3 tháng thay vì 6 tháng như hiện nay.

“Nếu giảm xuống còn 3 tháng sẽ có nhiều cái lợi. Chúng ta sẽ có sự điều chỉnh kịp thời hơn khi có biến động lớn về giá nhiên liệu hay tỷ giá thay đổi…” - Ông Tuấn khẳng định.

Giá điện tăng dưới 5%, cho EVN "chốt"

Ông Tuấn thông tin thêm từ khi thực hiện thông tư 69, bộ đã có phân quyền cho EVN trong việc điều chỉnh giá bán lẻ điện.

Dự thảo trình Thủ tướng cho phép EVN được quyền điều chỉnh giá điện tăng dưới 5%. Giá điện tăng từ 5% trở lên phải trình Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định.

“Dự thảo Luật cũng nêu rõ phạm vi điều chỉnh giá điện phải nằm trong khung giá bán lẻ do Thủ tướng quy định và chúng tôi đang trình Thủ tướng xem xét, sớm ban hành khung giá bán lẻ điện giai đoạn 2016-2020.

Trách nhiệm của EVN là phải đảm bảo cân đối cung cầu, phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân chứ không phải lợi nhuận” - Ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định mỗi lần điều chỉnh giá điện các Bộ, ngành liên quan sẽ xem xét, đánh giá xem việc điều chỉnh ảnh hưởng thế nào đến phát triển kinh tế, sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, cơ quan này sẽ không đưa ra lộ trình trước về việc tăng giá điện.

"Khi có biến động, phát sinh ở chi phí đầu vào, bộ sẽ xem xét tổng hòa các yếu tố rồi mới quyết định có tăng giá hay không, tăng bao nhiêu và vào thời điểm nào" - Ông Tuấn nói.

Ông bày tỏ nếu giá nhiên liệu tăng nhưng tỷ giá giảm thì không có lý do gì để điều chỉnh giá bán lẻ điện cả.

Theo ông Tuấn, năm 2017, bộ cũng sẽ có cơ chế, chính sách để mở rộng thị trường bán buôn điện, tăng tính cạnh tranh thay vì để EVN độc quyền như hiện nay.

“Từ 2017, bộ sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để mở rộng đơn vị mua điện, cho phép các Tổng công ty điện lực, một số khách hàng mua điện lớn được mua điện trực tiếp từ các đơn vị sản xuất điện. Khi đó, mức độ cạnh tranh sẽ cao hơn, tác động tích cực hơn tới thị trường” - Ông Tuấn nói.

Mỗi năm EVN mất 6-7 tỷ USD đầu tư phát triển mạng lưới

Tại cuộc họp, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri cho hay EVN đang phải giãn tiến độ của các nhà máy điện hạt nhân và Bộ đang phải khẩn trương xem xét nguồn điện mới thay thế điện hạt nhân. Cùng với đó, Thủ tướng đã đồng ý bảo lãnh cho EVN vay vốn triển khai các dự án.

Ông Tri nói thêm mỗi năm đơn vị này đầu tư từ 6 đến 7 tỷ USD trong khi việc vay vốn để đầu tư trong thời gian tới là thách thức lớn.

Thừa nhận thực tế này, ông Tuấn cho rằng không có tiền, rõ ràng chúng ta không thể xây dựng được công trình điện phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của người dân...

"Ngành điện chịu sức ép rất lớn. Họ có thể vay tiền từ các tổ chức tài chính quốc tế, vay tiền từ ngân hàng hoặc sử dụng vốn huy động từ các tổ chức tài chính trong nước, các nhà đầu tư tư nhân…” - Ông Tuấn nói.

Trong khi đó, ông Tri khẳng định sẽ cố gắng tự thu xếp vốn, không cần sự bảo lãnh từ Chính phủ. "Nếu vay với lãi suất thương mại 10%/năm và phải trả nợ trong vòng 5-7 năm sẽ tạo sức ép rất lớn với ngành điện. Vì thế, EVN chủ trương là chỗ nào vay ODA được, chúng tôi tiếp tục báo cáo Chính phủ cho phép vay ODA” - Ông Tri nêu giải pháp.

Ngoài ra, giải pháp EVN đưa ra là bàn với Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện các cách huy động vốn theo phương thức mới: WB bảo lãnh một phần từ 15-20% tổng vốn vay thay vì Chính phủ bảo lãnh hết để giảm mức tăng nợ công. Với những nhà máy điện lớn, EVN định sẽ tự thu xếp vốn, không cần Chính phủ bảo lãnh thông qua hình thức vay vốn dưới dạng tài trợ.

Theo ông, đơn cử, dự án Quảng Trạch 1 với vốn đầu tư hơn 2 tỷ USD, sau Tết EVN sẽ đàm phán với các ngân hàng trong nước để thu xếp vốn theo hình thức thành lập một công ty con của EVN ký hợp đồng bán điện dài hạn với 5 Tổng công ty điện lực.

"Chúng tôi sẽ dùng hợp đồng mua bán điện đó cùng với tài sản ở các nhà máy để thế chấp vay ngân hàng” - Ông Tri phân tích đồng thời tiết lộ hiện Vietcombank đã thống nhất về nguyên tắc đứng ra thu xếp vốn cho dự án nhiệt điện Quảng Trạch 1, VietinBank đang thu xếp vốn cho dự án nhiệt điện Quảng Trạch 2.

Khẳng định với các giải pháp trên, EVN sẽ đạt được hai mục tiêu là giảm bảo lãnh từ Chính phủ, không gây sức ép nợ công và huy động vốn trong nước, sử dụng đồng tiền Việt Nam, ông Tri nhấn mạnh: “Với EVN, mục tiêu quan trọng nhất là đáp ứng đủ điện cho nền kinh tế phát triển còn lợi nhuận thì ở mức hợp lý thôi”.

Theo báo cáo tại cuộc họp, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2015 của EVN là 234.736 tỷ đồng. Doanh thu bán điện là 234.339 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện bình quân là 1.630 đồng/KWh). Năm 2015, ngành điện lãi 2.132 tỷ đồng.

Số lãi trên chưa trừ các khoản chi phí như khoản chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phân bổ đến ngày 31/12/2015 của các công ty sản xuất, kinh doanh điện do EVN sở hữu 100% lên tới 8.501 tỷ đồng.

Khoản chênh lệch tỷ giá của khối các công ty cổ phần có vốn góp của EVN cũng lên tới hơn 1.305 tỷ đồng. Các chi phí xây dựng công trình phúc lợi như biệt thự, sân tennis...

Đại diện đơn vị kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam) kiến nghị các đơn vị thành viên của EVN và công ty mẹ cần có báo cáo tài chính, báo cáo tài chính hợp nhất sớm hơn để việc kiểm toán được nhanh hơn.

Theo Zing

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.