Tuy nhiên không phải tất cả cán bộ quản lý, giáo viên (GV)… đều hiểu thế nào là khái niệm, tiêu chí cũng như cách thức xây dựng “Trường học hạnh phúc”...
Khái niệm “Trường học hạnh phúc”
Lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO, mô hình “Trường học hạnh phúc” được triển khai thí điểm vào tháng 4/2018 ở một số trường học tại TP Huế, được nhân rộng trên địa bàn cả nước và nhiều trường đang phấn đấu xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Vậy “Trường học hạnh phúc” là gì và các tiêu chí xây dựng nó ra sao?
Liên Hợp Quốc (UN) từng thừa nhận “hạnh phúc là một trong những quyền cơ bản của con người” và lấy ngày 20/3 hằng năm là “Ngày Quốc tế hạnh phúc”.
Còn trong nhà trường, theo bài học “viết đơn từ” mà học sinh (HS) được học từ lớp 3 cấp tiểu học, quy định trong phần mở đầu bất cứ một văn bản hành chính nào, HS đều phải viết dòng tiêu ngữ mang tính bắt buộc: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”, thể hiện khát vọng cao cả của toàn xã hội; đó chính là một giá trị, là mục đích phấn đấu suốt đời của mỗi công dân, của mọi gia đình.
Theo “Từ điển tiếng Việt”, các từ đồng nghĩa: Học đường/ nhà trường/ trường học chỉ “nơi tiến hành công tác giảng dạy, đào tạo toàn diện hay về một lĩnh vực chuyên môn nào đó cho những tập thể HS, sinh viên. [HP 1021] Còn hạnh phúc là danh từ chỉ “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”, còn khi là tính từ thì nó mang nghĩa “có hạnh phúc, được hưởng hạnh phúc. Ví dụ: Gia đình hạnh phúc. Sống hạnh phúc”.
Nghĩa của cụm từ “Trường học hạnh phúc” có thể hiểu là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và HS. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô và HS vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày GV và HS đến trường là một niềm hạnh phúc.
Để xây dựng trường học hạnh phúc đúng với các tiêu chí của nó, cán bộ quản lý, thầy cô giáo và HS trong nhà trường phải nỗ lực không ngừng, với nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực.
Hạnh phúc được bồi đắp hằng ngày
Trong lễ phát động trên, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ từng nhấn mạnh: Có ba tiêu chí quan trọng để xây dựng nên một trường học hạnh phúc đó là yêu thương, an toàn và tôn trọng, đồng thời xác định hoạt động nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo - người lao động là yếu tố quyết định để xây dựng nên một trường học hạnh phúc.
Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là một trong những hoạt động trọng tâm của ngành Giáo dục từ năm học 2018 - 2019 đến những năm tiếp theo, nhằm giúp cho đội ngũ GV ngày càng vững mạnh mọi mặt và sẵn sàng tích cực đồng hành với lộ trình đổi mới giáo dục của nước nhà.
Biểu hiện của tình yêu thương là sự quan tâm, chia sẻ, tin tưởng, hỗ trợ và bao dung giữa các cá nhân với nhau. “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, HS cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Đó là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo với nhau, giữa thầy và trò, giữa HS với nhau được trân trọng và bồi đắp hằng ngày.
Ngoài ra, Trường học hạnh phúc phải là nơi an toàn cho các hoạt động dạy và học của thầy trò, không tồn tại cách hành xử bạo lực, không diễn ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những sự việc xúc phạm danh dự, nhân phẩm, tính mạng nhà giáo và HS.
Trường học hạnh phúc là nơi bên cạnh việc lưu tâm truyền thụ kiến thức, kỹ năng, thái độ cho HS, còn chú trọng giáo dục cảm xúc cho các em. Mọi xúc cảm riêng biệt, cá tính sáng tạo của thầy và trò được tôn trọng, chứ không bị áp đặt một cách máy móc, rập khuôn theo phương cách giáo dục xưa cũ lỗi thời, lạc hậu.
Mục tiêu các hoạt động của nhà trường không chỉ nhằm làm cho GV và HS cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học, mà còn từ nơi khởi đầu đó hạnh phúc sẽ lan tỏa đến phụ huynh HS và toàn xã hội.
Lan tỏa một phong trào
HS chính là đối tượng trung tâm của sự nghiệp giáo dục và là chủ nhân của “Trường học hạnh phúc”, cần được lưu tâm đầu tiên.
Trường học hạnh phúc, trước hết là nơi HS cảm nhận được hạnh phúc. Các em không chỉ được tiếp thu kiến thức, mà còn vui chơi, giải trí, tự do thể hiện tư duy, năng lực cá nhân và kỹ năng sáng tạo theo đúng tâm sinh lý lứa tuổi của mình.
Ở đó, HS được chăm sóc, bảo vệ, không có bạo lực học đường, các em HS và thầy cô có cơ hội đến gần với nhau hơn; HS được thầy cô tôn trọng sự khác biệt, thấu hiểu, chia sẻ khó khăn và hỗ trợ mọi phương diện, không còn bị áp lực về điểm số, về thành tích học tập, về các phong trào thi đua mang tính hình thức.
Tiếp theo, “Trường học hạnh phúc” được tạo nên bởi các hành vi chuẩn mực của thầy, cô giáo có đạo đức trong sáng, yêu nghề, tận tụy.
Phong trào xây dựng Trường học hạnh phúc nhằm tạo cơ hội cho nhà giáo đổi mới, thực hiện phương pháp giáo dục và ứng xử các tình huống sư phạm phù hợp, đảm bảo các quy định về đạo đức nhà giáo và giáo dục HS đạt hiệu quả.
GV cần tích cực tự học, tự rèn luyện, bổ sung kỹ năng nghiệp vụ để nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, tiến tới khắc phục hoàn toàn hiện tượng nhà giáo vi phạm đạo đức, có hành vi ứng xử phản sư phạm; biến những khó khăn, thách thức trong nghề thành những cơ hội để khẳng định phẩm chất, năng lực của bản thân trước phụ huynh, đồng nghiệp và HS.
GV phải dũng cảm phá vỡ lối mòn, thay đổi bản thân. Chuyển đổi phương pháp dạy học đọc chép sang dạy học tương tác, không áp đặt mặc định “thầy cô luôn đúng”, cùng HS phân tích mổ xẻ vấn đề của bài học.
Mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, đồng thời cũng không đánh mất vai trò trung tâm của người thầy, GV cần chủ đạo định hướng, gợi mở cho HS chủ động truy cập những thông tin liên quan đến bài học.
Không đặt nặng yêu cầu thi đua để đạt danh hiệu dạy giỏi mà GV nên chú trọng phấn đấu thành một nhà giáo dục, nhà tâm lý giáo dục HS hiệu quả.
Vai trò nhà trường cũng rất quan trọng, trong đó hiệu trưởng là “đầu tàu”, luôn hướng các hoạt động của nhà trường vào mục tiêu “Tất cả vì HS thân yêu”.
BGH cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở GV về nhận thức, năng lực nghề nghiệp, tình cảm và sự thân thiện đối với HS. Xây dựng những tập thể nhà giáo chuẩn mực, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Nhà trường giúp cho HS tiến bộ, không gây áp lực điểm số; cần tạo cơ hội để các em mạnh dạn bộc lộ những tâm tư, nguyện vọng, và nhà trường tìm cách giải quyết những vướng mắc, đáp ứng những yêu cầu chính đáng của HS. Thường xuyên tổ chức các buổi tiếp HS, phụ huynh để kịp thời nắm bắt về hoàn cảnh, tâm tư HS. Xây dựng hộp thư điện tử, đường dây nóng để các em kịp thời trao đổi chia sẻ với GV khi cần.
Nhà trường tôn trọng tinh thần tự chủ và sáng tạo trong giảng dạy, đảm bảo các điều kiện vật chất cho dạy học, hỗ trợ GV về kỹ năng quản lý HS, đảm bảo môi trường làm việc an ninh, an toàn.
*
* *
Xây dựng “Trường học hạnh phúc” luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà giáo. Đây chính là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong chặng đường dài trước mắt, đòi hỏi từ lãnh đạo, GV đến HS đều phải phấn đấu chuyển biến.
Để xây dựng thành công “Trường học hạnh phúc”, trước hết phải xây dựng môi trường hạnh phúc, GV hạnh phúc. Thầy cô hạnh phúc trong công việc của mình, từ đó mới lan tỏa hạnh phúc đến HS.
Thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc sẽ tạo nên lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc. Khi ấy, niềm hạnh phúc không chỉ bó hẹp dưới mái trường, mà còn lan toả, song hành cùng gia đình hạnh phúc, xã hội hạnh phúc.