Dư luận thực sự công tâm?
- Thưa ông, thời gian gần đây, trên truyền thông và mạng xã hội “nóng” lên một số sự việc liên quan đến đạo đức nhà giáo, như: GV đánh, xâm hại HS; gian lận thi cử... Theo ông, hiện tượng này có phải phổ biến trong ngành GD?
- Vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội có nêu các vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo, như bạo hành, xâm hại HS, gian lận trong thi cử... Cùng với việc “dậy sóng” truyền thông, xã hội cũng có cái nhìn hoài nghi đối với ngành GD.
Hình ảnh của nghề giáo, nhà giáo bị ảnh hưởng nghiêm trọng; điều này tác động tiêu cực tới tâm tư, tình cảm của đội ngũ nhà giáo, ảnh hưởng đến tình thầy - trò, cũng như mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường.
Lãnh đạo của ngành GD, nhất là Bộ trưởng và Ban Cán sự Đảng đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo, xử lý kiên quyết theo đúng quy định của ngành, trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy vậy, có thể khẳng định rằng, đây chỉ là những hiện tượng riêng lẻ, xuất hiện trong một bộ phận rất nhỏ nhà giáo thiếu tu dưỡng, rèn luyện; thiếu kỹ năng trong ứng xử. Còn đại đa số nhà giáo trong ngành vẫn tâm huyết và cống hiến từng ngày, từng giờ cho sự nghiệp giáo dục; khắc phục khó khăn, bám trường, bám lớp, tất cả vì các em HS thân yêu.
Chúng ta có thể gặp nhiều tấm gương nhà giáo từ các thành phố lớn đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ví dụ, thầy giáo Lý Văn Đường (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) nhiều năm âm thầm nuôi dưỡng các HS mồ côi tại trường.
Hay như cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương (Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám, TP Lào Cai) có nhiều thành tích xuất sắc tổ chức hoạt động GD “Khơi nguồn yêu thương”, GD HS yêu lao động, sống có lý tưởng và biết chia sẻ. Còn có cô giáo Lê Thị Bích Chi (Trường Mầm non Trấm, thôn Trấm, xã Triệu Thường, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) là tấm gương về nghị lực, vượt qua hoàn cảnh khó khăn, tâm huyết trong giảng dạy, yêu nghề, “cắm bản” gieo chữ, vận động bà con đóng góp để xây thêm phòng học, vận động các gia đình cho HS đến trường…
Mới đây, cô giáo Trần Thị Thanh (Trường Tiểu học Đồng Lương, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) không quản nguy hiểm, lao vào ngăn chặn hành vi côn đồ của một thanh niên để cứu các HS. Những tấm gương như vậy có rất nhiều. Phóng viên của các báo như: Giáo dục và Thời đại, Dân trí, VnExpress… đã có nhiều bài viết nêu những tấm gương rất đáng quý trọng đó.
- “Vơ đũa cả nắm” về đạo đức nhà giáo liệu có công bằng với hàng triệu thầy cô và cán bộ quản lý GD đang ngày đêm dốc sức cho sự nghiệp trồng người?
- Từ một số hiện tượng thiếu chuẩn mực của một vài GV để thổi phồng và suy diễn, đánh giá tiêu cực về GD Việt Nam nói chung, về đạo đức của các nhà giáo nói riêng là không khách quan và thiếu tính xây dựng. Điều đó gây tâm lý hoài nghi cho xã hội, làm giảm đi nhiệt tình, tâm huyết của những nhà giáo chân chính đối với sự nghiệp GD.
Tôi cho rằng việc truyền thông và mạng xã hội khai thác tập trung vào một số hành vi vi phạm của một vài GV, mà quên đi hoặc thông tin mờ nhạt về những tấm gương nhà giáo đang tận tụy, tâm huyết với nghề, thương yêu HS như con em của mình… là một sự thiếu công bằng đối với đội ngũ nhà giáo Việt Nam.
Giáo viên cảm giác đơn độc
Giáo viên Lý Sơn (Quảng Ngãi) nhận sổ khám bệnh. |
- Ở vị trí của người đứng đầu tổ chức bảo vệ quyền lợi cho người lao động và nhà giáo, ông có suy nghĩ gì trong bối cảnh, họ đang nỗ lực vượt gian khó, không ngừng đổi mới sáng tạo, vì chất lượng và môi trường hạnh phúc của hoạt động dạy và học?
- Trước những tiêu cực phát sinh trong nhà trường và nhà giáo, tôi cùng Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam rất trăn trở, tìm nhiều giải pháp để xác định chính xác nguyên nhân của những hành vi vi phạm này, từ đó kiến nghị với Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định, quy chế của ngành; đồng thời có những hoạt động cụ thể để hỗ trợ nhà giáo nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo.
Qua tiếp cận với đội ngũ nhà giáo bằng nhiều kênh thông tin khác nhau, tôi rất đồng cảm và day dứt với những khó khăn, áp lực mà nhà giáo đang phải đối diện. Đời sống, thu nhập của GV còn nhiều khó khăn, làm cho nhà giáo, nghề giáo trở nên “nhỏ bé” trong điều kiện mặt trái của cơ chế thị trường tác động đến nhiều mặt của xã hội.
Sự thiếu công tâm trong đánh giá GD, quy chụp trách nhiệm đối với GV và nhà trường (mặc dù trong nhiều trường hợp trách nhiệm không hoàn toàn của họ), khiến cho GV vốn đã tự ti càng tự ti hơn. Mặt khác, tâm lý nuông chiều con thái quá, sự thiếu phối hợp của gia đình - nhà trường - xã hội trong GD HS đã làm cho GV có cảm giác đơn độc khi đứng trên bục giảng.
Việc ký kết hợp đồng lao động một cách ồ ạt, rồi lại sa thải hàng loạt GV với lý do tinh giản biên chế (ở một vài địa phương như vừa qua) cũng làm cho nhiều GV lo lắng, bất an. Bên cạnh đó, ở một số nhà trường, dân chủ cơ sở chưa được coi trọng, dẫn tới GV có tâm lý “im lặng là vàng”, không có thái độ đấu tranh đối với hành vi tiêu cực, khiến những hành vi tiêu cực có điều kiện tồn tại.
Những vấn đề như vậy cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới trên tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, với một sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành chứ không chỉ là việc riêng của ngành GD.
- Theo ông, phía các nhà giáo cũng cần chú trọng, trau dồi thêm những phẩm chất, năng lực, kỹ năng gì, khi mà nhất cử nhất động, những sai lầm của họ có thể nhanh chóng được đưa lên mạng xã hội, lên mặt báo và được dư luận nhanh chóng đọc, xem, nghe, bình luận?
- Trong điều kiện hiện nay, để khắc phục triệt để những hiện tượng tiêu cực trong đội ngũ các nhà giáo, được sự chỉ đạo của Đồng chí Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đang tích cực triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực sư phạm, đạo đức nhà giáo cho đội ngũ GV toàn quốc bằng nhiều hình thức đa dạng.
Chúng tôi nhận thức rằng, sự cố gắng của bản thân mỗi thầy cô giáo có ý nghĩa quyết định trong việc khắc phục những hiện tượng vi phạm trong nhà trường. Đội ngũ GV phải thường xuyên tu dưỡng, trau dồi, cập nhật những phẩm chất, năng lực và kỹ năng cần thiết như:
Thứ nhất, mỗi thầy cô giáo phải ý thức sâu sắc về vị thế của nghề giáo, nhà giáo; xây dựng và củng cố lòng tự trọng, tự tôn nghề nghiệp; từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm, sự tâm huyết và gắn bó với nghề.
Thứ hai, mỗi ngày, các thầy cô tự thay đổi bản thân mình, hướng tới việc xây dựng trường học hạnh phúc với các giá trị cốt lõi: Yêu thương, an toàn và tôn trọng; vun đắp tình yêu thương, sự tôn trọng đối với HS; phát huy tính sáng tạo trong mỗi hoạt động GD.
Thứ ba, nhà giáo phải trang bị cho mình những kiến thức pháp luật, kỹ năng giao tiếp ứng xử, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, phương pháp kỷ luật tích cực… để có những cách thức phù hợp trong GD học sinh; tránh xảy ra những hành vi vi phạm.
Thứ tư, nhà giáo cần tranh thủ vận động gia đình HS tham gia một cách tích cực, trách nhiệm trong việc GD HS, nhất là những HS chưa chăm ngoan.
Thứ năm, phải chú trọng giữ gìn hình ảnh của nhà giáo, chấp hành nghiêm túc các quy định của ngành; thận trọng trong phát ngôn cũng như sử dụng mạng xã hội. Khi có sự cố xảy ra, cần bình tĩnh, trung thực khi thông tin với cấp trên và với cơ quan báo chí, truyền thông; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ giúp đỡ của lãnh đạo nhà trường, đồng nghiệp.
Trong hoạt động của mình, Công đoàn Giáo dục Việt Nam luôn đồng hành, chia sẻ với đội ngũ nhà giáo cả nước. Định kỳ, trên
Facebook (địa chỉ: Cđgd Việt Nam), fanpage (địa chỉ: Đồng hành cùng nhà giáo) và các kênh thông tin chính thức của Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ có những chia sẻ và hỗ trợ nhà giáo về kỹ năng ứng xử, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm trong quản lý và GD HS… để đội ngũ GV thêm tự tin trong thực hiện công việc đầy cao cả của mình.
- Xin cảm ơn chia sẻ của ông!