Đề Văn điều kiện vào chuyên Sư phạm tương đối nhẹ nhàng

GD&TĐ - Sáng 29/5, các thí sinh dự thi vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Sư phạm đã trải qua bài thi Ngữ văn điều kiện. Theo nhận xét của các thầy cô giáo, đề thi nhẹ nhàng, đánh giá được các kĩ năng sử dụng ngôn ngữ và năng lực cảm thụ chung của thí sinh

Đề Văn điều kiện vào chuyên Sư phạm tương đối nhẹ nhàng

Hình thức đề thi quen thuộc với 3 câu hỏi lần lượt bao gồm: Câu thứ nhất thuộc dạng Đọc hiểu; Câu 2 thuộc chủ đề Nghị luận xã hội và Câu thứ 3 thuộc chủ đề Nghị luận văn học.

Cũng như đề thi năm 2018, đề năm 2019 không có cấu trúc điểm, học sinh phải tự xác định vai trò của từng câu để phân bổ thời gian làm bài cho phù hợp.

Cụ thể: Câu 1 là câu hỏi liên quan về kiến thức tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn, ngữ liệu văn bản nằm ngoài sách giáo khoa Ngữ văn 9 (đoạn trích được trích trong Ai đã đặt tên cho dòng song của Hoàng Phủ Ngọc Tường). Xu hướng sử dụng ngữ liệu bên ngoài chương trình xu hướng chung với các dạng bài Đọc hiểu.

Câu 2 là câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, chủ đề liên quan đến môi trường đất, tầm ảnh hưởng và vai trò của đất với con người. Ẩn ý sâu xa của câu hỏi gắn với tình mẫu tử - một chủ đề tương đối quen thuộc và gần gũi với thí sinh.

Câu 3 là câu hỏi nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận về 3 khổ thơ trong bài thơ Bếp lửa của nhà thơ Bằng Việt. Yêu cầu đề bài không lạ, không khó nhưng yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức và có năng lực cảm thụ tốt vì đây là đoạn thơ rất xúc động trong suốt chiều dài nỗi nhớ của người cháu về bà của mình.

Về nội dung và phạm vi kiến thức: Các câu hỏi trong chương trình Ngữ văn 9 là chủ yếu, kiến thức nghị luận xã hội học sinh đã được học trong chương trình Ngữ văn 6.

Về độ khó và hình thức thể hiện: Đề thi không có câu hỏi khó và không có câu hỏi mang tính đánh đố. Đối với câu hỏi Nghị luận xã hội, học sinh chú ý tránh sa vào kể lể, xa đề, liệt kê những vấn đề thiếu trọng tâm. Học sinh cần chú ý đến yêu cầu tiếng Việt và số lượng của đoạn văn Nghị luận xã hội ở câu 2.

Thầy Nguyễn Phi Hùng- giáo viên Ngữ văn Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Đề thi kiểm tra khá toàn diện các đơn vị kiến thức, kĩ năng của thí sinh.

Các câu hỏi không lắt léo hay đánh đố nhưng muốn hoàn thành tốt bài làm, các em cần nắm chắc những kiến thức trong chương trình học, có kiến thức thực tế đồng thời kĩ năng làm bài phải thành thạo, nhuần nhuyễn.

Với đề thi này, nhiều bạn sẽ cảm thấy "dễ thở" vì mình có thể hoàn thành tốt đa phần các yêu cầu của đề thi, điểm 6-7 sẽ phổ biến.

_____________

Đề thi môn Ngữ văn (Dùng cho mọi thí sinh thi vào trường chuyên)

Câu 1.

“Tôi qua A Sao vào cuối mùa xuân. Miền Tây xa xôi đang trải qua những tháng ngày tương đối yên tĩnh sau khi căn cứ địch bị quét khỏi thung lũng. Trong lúc A Pách lúi húi nhóm bếp để làm thêm thức ăn, tôi ngồi tựa nửa người trên võng, hai tay vòng dưới gáy, yên lặng ngắm vẻ đẹp của rừng tùng trải rộng chung quanh. Rừng thoáng, nhẹ nhõm, mặt đất sạch quang như có người quét tước, những đám rêu xanh lục trải rộng mịn như nhung, trên đó hơi ấm kết những hạt cườm tấm mưa bụi mát rượi. Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vẳng lại từ núi cao. Tâm hồn tôi tự buông thả trong một trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn. Tôi nhắm mắt để nhìn thấy tỏa ra cái vừng sáng dịu dạng của giấc mơ nhẹ, nghe trong tiếng hát kia của từng loại tùng bách một điều gì đấy thật xa xôi, như là thuộc về muôn đời. Con chim gõ kiến ẩn sĩ vẫn gõ đều nhịp thời gian, tiếng trầm và đục, trên một cây tùng nào đó.”

(Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đời rừng trong Ai đã đặt tên cho dòng sông, NXB Kim Đồng, 1999, tr 30-31)

a. Trong đoạn văn bản trên, tác giả đã kết hợp những phương thức biểu đạt nào?

b. Chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: “Không có gió nhưng rừng tùng vẫn reo mơ hồ, như mạch suối ngầm mùa xuân, như điệu nhạc khèn bát ngát của sơn nhân vẳng lại từ núi cao.”

Câu 2.

“… Đất là Mẹ. Điều gì xảy ra với đất đai tức là xảy ra đối với những đứa con của Đất.”

(Trích Bức thư của thủ lĩnh da đỏ, dẫn theo SGK Ngữ văn 6, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr.138)

Viết một đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 12 câu) theo cách lập luận quy nạp trình bày suy nghĩ của em về những điều câu văn trên gợi ra.

Câu 3.

“Tám năm ròng cháu cùng bà nhóm lửa,
Tu hú kêu trên những cánh đồng xa.
Khi tu hú kêu bà còn nhớ không bà
Bà hay kể chuyện những ngày ở Huế
Tiếng tu hú sao mà tha thiết thế!
Mẹ cùng cha bận công tác không về
Cháu ở cùng bà, bà bảo cháu nghe
Bà dạy cháu làm, bà chăm cháu học
Nhóm bếp lửa nghĩ thương bà khó nhọc,
Tu hú ơi! Chẳng đến ở cùng bà
Kêu chi hoài trên những cánh đồng xa

Năm giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi
Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi
Đỡ đần bà dựng lại túp lều tranh
Vẫn vững lòng, bà dặc cháu đinh ninh:
“Bố ở chiến khu, bố còn việc bố,
Mày có viết thư chớ kể này, kể nọ,
Cứ bảo nhà vẫn được bình yên!
[…]
Giờ cháu đã đi xa. Có ngọn khói trăm tàu
Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả
Nhưng vẫn chẳng bao giờ quên nhắc nhở:
- Sớm mai này bà nhóm bếp lên chưa?...”

(Bằng Việt, Bếp lửa, SGK Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, tr. 144-145)

Cảm nhận của em về ba khổ thơ trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thực phẩm đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển não bộ ở trẻ. Ảnh minh họa: INT

Thực phẩm ảnh hưởng tới trí nhớ

GD&TĐ - Chế độ ăn thực phẩm nhiều dầu mỡ và chiên rán, nhiều đường làm giảm khả năng học tập và trí nhớ, cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm.