Để trẻ tránh xa tư tưởng tiêu cực, cha mẹ làm sao đây?

GD&TĐ - Mấy ngày nay, tôi vẫn còn bồi hồi xúc động trước vụ việc, 2 cháu học sinh nữ rơi từ tầng cao của chung cư T.H (P.Tân Thới Nhất, Q.12, TPHCM) tử vong.

Ảnh minh họa, mẹ và con như 2 người bạn. Nguồn ảnh: Tú Nguyên
Ảnh minh họa, mẹ và con như 2 người bạn. Nguồn ảnh: Tú Nguyên

Liên quan đến vụ việc nêu trên, chiều 23.3 một lãnh đạo UBND Q.12 cho biết đây không phải là vụ án mạng, và nghi vấn đây là vụ tự tử.

Cách đây khoảng 9 tháng, cái chết của cháu Nguyễn Thị Hương L. học sinh 17 tuổi ở xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh và May mắn hơn, cháu khác tên T.T.Y. N, học sinh 13 tuổi ở Đồng Nai được cứu sống kịp thời. Cả 2 cháu tìm đến cái chết sau khi đã “cãi nhau với bố mẹ” nhiều lần. 

Các cháu đã chọn cho mình một giải pháp “đáng thương hơn đáng trách” để giải thoát những bế tắc sau nhiều lần cãi với mẹ, tự tử.

Câu chuyện thương tâm của các cháu làm tôi đau đáu trong đầu mình một câu hỏi, vì sao các các bậc cha mẹ, cho dù vô tình và không mong muốn, lại để cho các cháu chọn cho mình đi vào một ngõ cụt? 

Điều đáng nói hơn nữa là các cháu đều là học sinh, tức là ở lứa  tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Lứa tuổi cần đến sự tìm hiểu, thông cảm, bao dung, độ lượng và khi cần thiết… rất cần sự hy sinh của người lớn.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi hoàn toàn quy lỗi cho người lớn; nhưng phải thẳng thắn nhận định rằng, người lớn đã không làm hết mọi cách để tiên liệu và ngăn chặn kịp thời có hiệu quả một cái kết đầy bi thảm.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là tôi khoán trắng nguyên nhân cho gia đình mà không đề cập tới trách nhiệm của giáo dục học đường và xã hội.

Nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng chính cái nguyên nhân cha mẹ không làm bạn được với con cái là cái cốt lõi của hệ lụy.

Ở góc độ gia đình, theo tôi, đó chỉ là nguyên nhân phần ngọn. Cái “cốt lõi”  vẫn là sự khiếm khuyết về nhân cách của các em mà cha mẹ đã quên hoặc không kịp giáo dục hoàn thiện nhân cách lúc các em còn thơ ấu. 

Không phải 100 gia đình không giáo dục nhân cách cho trẻ, đều có trẻ có vấn đề về nhân cách; nhưng trong 100 trẻ có vấn đề về nhân cách thường ở trong những gia đình thiếu sót việc giáo dục nhân cách ngay từ lúc còn bé. 

Do vậy, việc sớm rèn luyện nhân cách cho trẻ xem ra rất quan trọng.

Ông bà ta thường nói: “dạy con dạy thuở còn thơ”. Thỏa mãn những nhu cầu ăn mặc, học hành, vui chơi là niềm vui và hạnh phúc của các bậc làm cha mẹ.  Nhưng trong thực tế, khi được thỏa mãn những nhu cầu cần thiết, trẻ cảm thấy mình được nuông chiều nên từ đó có khuynh hướng tiếp tục đòi hỏi những nhu cầu mới, đôi khi không cần thiết thậm chí bất hợp lý và tai hại nữa. 

Đối với trẻ, sự ương bướng, ỷ lại cha mẹ sẽ ăn sâu vào tiềm thức khi mà sự nuông chiều, sự nhượng bộ của cha mẹ đã trở thành một tiền lệ ngay từ lúc nhỏ. Lớn lên, những hệ lụy mà trẻ gây ra sẽ bắt nguồn từ những ngày khi trẻ còn ấu thơ. 

Cha mẹ phải làm gì để “hoàn thiện” nhân cách trẻ khi trẻ khi trẻ còn thơ?

Trước hết, khi đứa trẻ đến tuổi lên năm lên ba, cha mẹ cần thiết phải cẩn trọng lời nói, không được buột miệng hứa đùa khi chưa suy nghĩ chính chắn và chưa có cơ sở. 

Trong thực tế một số cha mẹ vì để được việc của mình nên có thói quen dỗ dành trẻ bằng những câu đại loại như: hôm nay con đi học một mình nhé! Ngày mai mẹ sẽ đưa con đi chợ mua đồ chơi hoặc chủ nhật tuần tới ba sẽ đưa con đi xem hát…

Sau đó vì cơm áo gạo tiền mà cha mẹ rất dễ dàng quên đi; nhưng với trẻ, chúng sẽ luôn ghi nhớ và rất có thể hàng ngày, hàng giờ… đang mong đợi cha mẹ thực hiện những lời hứa đó. Trẻ sẽ nhắc lại bất cứ lúc nào và cha mẹ rất dễ dàng bị động và trở nên thất hứa . 

Chỉ một lời hứa cho đựơc việc, vô tình người lớn đã đánh mất lòng tin của trẻ.

Thứ hai là phải kiên quyết không nhượng bộ đối với trẻ khi cần thiết. Khi một đòi hỏi nào của trẻ mà cha mẹ thấy cần không thực hiện và đã phải nói “không” thì phải dứt khoát nói “ không” cho tới cùng. 

Trong trường hợp trẻ có vòi vĩnh, làm nũng thậm chí có khóc la, gào thét đòi cho bằng được… cha mẹ cũng phải tìm mọi cách giải thích an ủi dỗ dành, không được nhượng bộ nửa chừng. Cho dù trẻ có “ giãy nẩy” đến mức nào, cha mẹ cũng phải nói “ không” bằng mọi cách. Tất nhiên không nên dùng lời quát mắng, roi vọt để trấn áp trẻ. 

Thực tế cho thấy rằng, nếu cha mẹ đã kiên quyết từ chối một đôi lần với những đòi hỏi không chính đáng của trẻ, tự khắc những lần sau trẻ sẽ nghiệm ra và ngoan ngoãn nghe lời. Ngược lại, nếu cha mẹ không kiên nhẫn trẻ sẽ lợi dụng ngay điểm yếu này để tiếp tục có thói quen đòi hỏi những lần tiếp theo. 

Thật là tai hại khi để trẻ có thói quen xấu này, chúng sẽ “đựợc đằng chân, lân đằng đầu” đòi cho bằng được những yêu cầu càng ngày càng tăng của chúng. 

Tôi đã hơn một lần chứng kiến tại một siêu thị ở TPHCM, một đứa trẻ khoảng 6 tuổi “nằng nặc” đòi mẹ mua cho bằng được một món đồ chơi. Cho dù mẹ cháu không bằng lòng mua, nhưng cháu vẫn cứ khư khư ôm giữ món đồ chơi ấy trong tay, khóc lóc làm mình, làm mẩy trước mặt mọi người.

Trong trường hợp này không ít ông cha, bà mẹ vì lịch sự và thể diện nơi công cộng phải chiều con. Như vậy là vô tình họ đã hình thành một thói quen không tốt cho trẻ.

Thứ ba là phải giải thích cho trẻ hiểu biết và quí trọng giá trị đồng tiền. Trẻ thường có thói quen qua “đôi mắt” đòi hỏi mua sắm bởi chúng chẳng hiểu giá trị đồng tiền. Cha mẹ phải giải thích cho chúng hiểu rằng đồng tiền có được là do công sức lao động của con người, không phải lúc nào cũng dễ dàng có, đôi khi phải khó khăn chật vật lắm mới có được. Vì thế, khi mua một món đồ nào cho trẻ ta cũng phải giải thích cho chúng hiểu sự cần thiết của nó để tạo ý thức tiết kiệm. Ví dụ, khi chọn một cây viết ta cũng nên nói với trẻ: “cây viết kia tuy đẹp nhưng đắt quá! Con nên chọn cây này nó cũng bền nhưng lại rẻ hơn,  và như vậy con đã tiết kiệm được một ít tiền để dùng vào việc khác”. 

Sự so sánh mang tính tiết kiệm này còn tạo cho trẻ thói quen không tranh đua vật chất với bạn bè. Và cũng trong ý thức này, cha mẹ đừng bao giờ nói rằng: “để mẹ mua cho con cái khác đẹp hơn” khi trẻ có ý thèm muốn món đồ nào đó của bạn. Câu nói này vô tình hay cố ý tạo cho trẻ thói đua đòi ganh tị.

Thứ tư là phải giải thích cho trẻ biết lý do khi nhận được quà tặng của cha mẹ. Ngoài nhu cầu ăn mặc, vui chơi… để khuyến khích việc học hành cho trẻ bằng quà tặng, cha mẹ cũng nên nói rõ lý do. Ví dụ như : đây là quà tặng cho con được nhiều điểm 10… đây là quà tặng con đạt giỏi học kỳ 1… Cần tránh tiện tay mua sắm một món quà gì cho trẻ mà xét ra không cần thiết nhân một chuyến du lịch chẳng hạn. Món quà tiện tay này chẳng những không giúp trẻ có một ý thức tốt, mà còn tạo cho trẻ một thói quen mua sắm tuỳ tiện.

Và cuối cùng các bậc cha mẹ đừng bao giờ tiết kiệm lời giải thích với trẻ khi trẻ thất vọng vì ta không thỏa mản một yêu cầu nào đó. Cũng nên chú ý, lời giải thích sao cho phù hợp với từng lứa tuổi và dễ hiểu, để trẻ tiếp thu được. Ở lứa tuổi lên 3, 4 nếu trẻ có thói quen ăn nhiều kẹo thì ta giải thích ăn kẹo nhiều sẽ bị đau bụng và hư răng. Nếu chúng thích những món đồ chơi súng đạn, cha mẹ giải thích: đồ chơi này nếu đạn trúng vào sẽ làm cho mù mắt thay vì nói: con không nên chơi vì nó mang tính bạo lực.

Hình thành một nhân cách tốt cho trẻ lúc có thể được, để trong tương lai trẻ là một đứa con hiếu thảo biết nghe lời cha mẹ. Lớn lên trẻ là một công dân tốt, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

Rèn nhân cách sớm cho trẻ là một việc làm rất cần thiết của các bậc làm cha mẹ, ngay từ ngày hôm nay để tránh nhiều hệ lụy không mong muốn ngày mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Park Hang Seo gây sốt trên mạng xã hội trong tháng 3.

HLV Park Hang Seo gây 'sốt' mạng xã hội

GD&TĐ - Dù đã chia tay tuyển Việt Nam từ lâu nhưng HLV Park Hang Seo vẫn luôn nhận được sự quan tâm rất lớn của người hâm mộ bóng đá trên dải đất hình chữ S.