Để trẻ mầm non 5 tuổi vững tâm vào lớp 1: Thay đổi để tiệm cận thực tiễn

GD&TĐ - Chương trình giáo dục mầm non và chuẩn trẻ mầm non 5 tuổi được xây dựng từ khá lâu nên có nội dung, tiêu chí không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như bản thân trẻ.

Chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020 nên tiếp tục kế thừa và phát huy quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ảnh minh họa: ITN
Chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020 nên tiếp tục kế thừa và phát huy quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ảnh minh họa: ITN

Đặc biệt là yêu cầu với học sinh lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Do đó rất cần có những điều chỉnh, bổ sung thích hợp.

Làm sâu sắc hơn nội dung lấy trẻ làm trung tâm

Bà Trịnh Thị Xim, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Mẫu giáo Trung ương, cho biết: Chương trình giáo dục mầm non ban hành vào năm 2009 và đã qua 2 lần được sửa đổi, bổ sung (lần đầu tiên vào năm 2016 và lần thứ hai vào 31/12/2020). Tại thời điểm ban hành, chương trình đã thể hiện tính ưu việt; có kế thừa những điểm mạnh của chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ trước đây, được phát triển trên các quan điểm bảo đảm đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, đối tượng trẻ, hướng đến sự phát triển toàn diện và tạo cơ hội cho trẻ phát triển...

Tuy nhiên, do những yêu cầu thực tiễn phát sinh, nên đến thời điểm này, chương trình giáo dục mầm non có những nội dung chưa đáp ứng được. Đơn cử, có những nội dung chương trình hiện hành đã “chạm” tới, nhưng chưa thực sự sâu sắc, một số còn chung chung; hoặc điều kiện thực hiện chương trình chưa thực sự rõ nét và gắn với tính vùng miền.

Giữa kết quả mong đợi và nội dung có điểm chưa thực sự khớp với nhau, có chỗ kết quả mong đợi nhưng lại chưa rõ nội dung sẽ được thực hiện và ngược lại. Có nội dung cần chi tiết thì lại đưa ra chung chung, nhưng có nội dung cần khái quát lại đưa ra hơi cụ thể… Do đó, Bộ GD&ĐT đang tiến hành xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới, dự kiến ban hành vào năm 2024.

Nhấn mạnh chương trình khung cần chọn lọc những nội dung cơ bản, đại diện, có tính chất định hướng cho phần hướng dẫn thực hiện chương trình để địa phương có thể nhìn vào đó để thực hiện, bà Trịnh Thị Xim cho rằng: Chương trình giáo dục mầm non mới cần làm rõ nét hơn nội dung lấy trẻ làm trung tâm, tôn trọng quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được tham gia của trẻ. Theo đó, trẻ có thể được tham gia thực hiện kế hoạch giáo dục hàng ngày, được hỏi ý kiến, quan tâm, lắng nghe, chia sẻ, được tham gia vào các hoạt động, không bị các rào cản…

Cùng với đó, chương trình cũng phải hướng tới việc thúc đẩy các năng lực của con người thế kỷ 21, đặc biệt là kỹ năng làm việc nhóm, khả năng giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp… để trở thành công dân toàn cầu. Các phẩm chất như yêu thương, trung thực, tự tin, sáng tạo… cần được thể hiện rõ nét hơn. Cùng với đó là tính nhân văn trong tiếp cận thực hiện chương trình, làm sao để trẻ được tham gia một cách tốt nhất, được đáp ứng toàn diện về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội…

Cô trò Trường Mầm non Hồng Thủy, Thừa Thiên - Huế.
Cô trò Trường Mầm non Hồng Thủy, Thừa Thiên - Huế.

Ban hành hướng dẫn thực hiện song song với chương trình mới

Chương trình giáo dục mầm non là văn bản thể hiện mục tiêu giáo dục mầm non, quy định các yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non và đánh giá sự phát triển của trẻ, làm căn cứ cho việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức chăm sóc, giáo dục trẻ ở tất cả các cơ sở giáo dục mầm non trên phạm vi cả nước.

Chia sẻ điều này, bà Nguyễn Phương Dung, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương, cho rằng: Chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020 nên tiếp tục kế thừa và phát huy quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Nội dung giáo dục trong chương trình giáo dục mẫu giáo có thể bổ sung nội dung, yêu cầu cho trẻ làm quen với ngoại ngữ ở những nơi có điều kiện.

Về tiêu chí đánh giá, theo bà Nguyễn Phương Dung, Chương trình giáo dục mầm non mới sau năm 2020 nên gồm các tiêu chí: Giáo dục tình cảm - kỹ năng xã hội, cho trẻ làm quen với ngoại ngữ, dạy tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số, giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt, giáo dục giới, giáo dục công nghệ, bảo đảm tính phù hợp, khoa học, hiện đại. Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Dương cũng lưu ý nên có hướng dẫn thực hiện chương trình song song với chương trình mới ban hành.

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Rà soát lại tiêu chí Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

Riêng với Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, bà Trịnh Thị Xim nêu quan điểm: Năm 2010 Bộ chuẩn đưa ra 4 lĩnh vực với các chỉ số, chỉ báo phù hợp với thời điểm đó. Nhưng hiện nay, bối cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi; những mong đợi của phụ huynh, xã hội trong giai đoạn mới cũng có những điểm khác; trẻ em phát triển với nhiều điểm mới cả về thể chất, vận động, ngôn ngữ… Do đó, cần phải rà soát để làm lại Bộ chuẩn này; trong đó đặc biệt cần quan tâm, làm rõ hơn đến việc học, phát triển trong quá trình học của trẻ. Trên cơ sở Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, có thể định hướng xây dựng chuẩn cho lứa tuổi thấp hơn nếu có điều kiện.

Là giáo viên mầm non đã và đang dạy trẻ 5 tuổi, trong quá trình triển khai thực hiện, cô Nguyễn Thị Dung (Trường Mầm non Bằng Lãng, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) nhận thấy Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi có nhiều điểm chưa phù hợp, cần phải sửa đổi để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội hiện nay.

Cụ thể, các chỉ số quá nhiều nhưng không có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho giáo viên trong việc đánh giá trẻ. Một số chỉ số không phù hợp với từng vùng miền; một số chuẩn đưa ra mang tính chất ép buộc và trừu tượng không rõ ràng đối với trẻ. Ví dụ, ở lĩnh vực 1 (Phát triển thể chất), chỉ số 16 (Tự rửa mặt, chải răng hàng ngày) và chỉ số 17 (Giữ đầu tóc quần áo gọn gàng)… đưa vào lĩnh vực phát triển thể chất là không phù hợp, mà nên ở lĩnh vực sự phát triển tình cảm và quan hệ xã hội.

Hoặc cũng trong lĩnh vực phát triển thể chất, ở chỉ số 12 đòi hỏi trẻ “chạy 18m trong khoảng thời gian 5 - 7 giây” là chưa phù hợp với điều kiện từng trường học. Có trường sân bãi hẹp hoặc ở vùng núi sân tập là sân đất nhiều đá, ổ gà…, rồi một số trẻ chậm, không thể nào trong 5 giây có thể chạy được 18m…

Cần sự liên thông giữa chương trình và bộ chuẩn đầu ra

Cấu trúc của bộ chuẩn 5 tuổi cũng được cô Nguyễn Thị Dung đánh giá là chưa hợp lý và phù hợp. Theo đó, trong khi cấu trúc của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi gồm 4 lĩnh vực phát triển, 28 chuẩn và 120 chỉ số; thì Chương trình giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi lại có cấu trúc là 5 lĩnh vực phát triển. Vì vậy, giáo viên gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn nội dung, xây dựng mục tiêu và lập kế hoạch năm, tháng, tuần, ngày.

“Để tạo cho trẻ 5 tuổi có kiến thức vững chắc và sẵn sàng vào lớp 1, tôi cho rằng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi và Chương trình giáo dục mầm non giai đoạn tới cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tế, phù hợp với từng vùng, miền đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh và thiên tai.

Ví dụ: Nên bổ sung các chuẩn, chỉ số giúp trẻ có những năng lực cần thiết như kỹ năng sống; kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ có thể xảy ra; dạy trẻ tránh bị xâm hại; kỹ năng phòng chống dịch bệnh tại trường, gia đình, cộng đồng. Và đặc biệt, cần thêm những tiêu chuẩn, tiêu chí về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số, để trẻ vùng dân tộc thiểu số có đủ vốn từ và phát triển về ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi giúp trẻ tự tin bước vào lớp 1. Bộ chuẩn hiện hành cũng cần xây dựng lại với các tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, rõ ràng hơn và có hướng dẫn thực hiện cụ thể” - cô Nguyễn Thị Dung cho hay.

Liên quan đến Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, bà Lê Thị Huỳnh Duyên, Phó Trưởng phòng Giáo dục Mầm non – Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT An Giang, thông tin: An Giang vẫn duy trì Bộ chuẩn này để lồng ghép vào Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi. Tuy nhiên, hạn chế của Bộ chuẩn là chỉ có 4 lĩnh vực, trong đó Chương trình giáo dục mầm non 5 tuổi lại phát triển theo 5 lĩnh vực, do đó trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn.

“Chương trình giáo dục mầm non là chương trình khung, có tính mở, các địa phương tùy vào tình hình thực tiễn để thực hiện, nên An Giang có đề xuất nên lồng ghép Bộ chuẩn vào chương trình để các tỉnh/thành dễ thực hiện. Cùng với đó, cũng không nên áp đặt 120 chỉ số vì hiện Bộ chuẩn không còn phù hợp với Chương trình giáo dục mầm non. Ví dụ, có chỉ số phải qua 9 - 10 chủ đề mới đánh giá được trẻ, không phải đánh giá qua 1 chủ đề, nên giáo viên khi triển khai thực hiện sẽ rất vả” - bà Lê Thị Huỳnh Duyên cho hay.

Bà Đặng Thị Cẩm Tú – Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho rằng: “Theo Bộ chuẩn phát triển trẻ mầm non 5 tuổi, chương trình giáo dục mầm non tập trung nhiều thời lượng để phát triển kỹ năng nói, đọc cho trẻ. Hiện, trẻ 5 tuổi chỉ làm quen, nhận diện chữ cái, tập tô. Nếu giáo viên cho trẻ tập tô đều là những tài liệu mang tính chất tham khảo chứ chưa có một bộ tài liệu chính thức nào.
Trong khi đó, ngay trong những tuần đầu tiên của chương trình lớp Một, trẻ đã phải rèn kỹ năng viết quá nhiều”. Theo bà Tú, Chương trình mầm non cho trẻ 5 tuổi cần bổ sung thêm nội dung cho trẻ làm quen với kỹ năng viết như tăng thời gian tập tô, viết thuần thục các nét cơ bản… để những tuần đầu tiên ở lớp Một, học sinh và phụ huynh đỡ “sốc” nếu trẻ không tham gia các “lò luyện” trước khi chính thức là học sinh lớp Một. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.